Điểm danh học online: Cần thiết nhưng đừng cứng nhắc

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sinh viên bắt đầu năm học 2021 - 2022 bằng hình thức online.

Sinh viên trong một giờ học online.
Sinh viên trong một giờ học online.

Để bảo đảm việc học tập nghiêm túc và đúng tiến độ, ngoài linh hoạt hình thức dạy học cho phù hợp, điểm danh được các trường xem là điều kiện để đánh giá chất lượng dạy học của giảng viên và sinh viên. Áp lực đánh giá và kiểm soát chất lượng tiết học qua hình thức trên đã nảy sinh nhiều tình huống ngoài ý muốn.

Nhiều sự cố đến từ đường truyền

Học tập trực tuyến với sinh viên là điều không có gì mới lạ, khi các hình thức tương tác và giao tiếp thông qua lớp học ảo đã được các trường thực hiện và triển khai thường xuyên.

Cái lợi của hình thức học tập này là cho phép sinh viên có thể chủ động học tập và tương tác với thầy cô ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, cũng giống như lớp học trực tiếp, lớp học trực tuyến vẫn phải được xây dựng trong kỉ cương và nguyên tắc của một lớp học trực tiếp như điểm danh, thảo luận, kiểm tra bài… nhằm bảo đảm chất lượng học tập.

Theo đó, sinh viên đều được yêu cầu điểm danh. Với các môn học có tín chỉ học tập ít thì số buổi nghỉ, vắng học của sinh viên không quá 2 buổi (vắng 30% số tiết sẽ bị cấm thi); môn có số tín chỉ lớn hơn thì vắng không quá 3 buổi. Quy định trên áp dụng với lớp học trực tuyến nảy sinh nhiều vấn đề, khiến không ít sinh viên chịu kỷ luật oan vì sự gián đoạn trong tương tác hay lỗi của nền tảng khi chuẩn bị điểm danh.

Trường hợp của sinh viên T.H.M.T - ngành Sư phạm Mầm non, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn là một ví dụ. T suýt bị cấm thi môn Tâm lý học đại cương cũng vì sự cố điểm danh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên T học trực tuyến qua Team. Tuy nhiên, tài khoản của trường cấp cho em bị lỗi nên 2 buổi học đầu em không thể vào lớp.

“Sợ bị cấm thi nên sau mỗi buổi học em đều có báo với chủ nhiệm khoa để báo với giáo viên đứng lớp. Đến buổi học thứ 3 em được cấp lại tài khoản mới và vào lớp được. Tuy nhiên, học được 1 chút em lại bị văng ra. Kết quả là em bị thông báo cấm thi dù em có báo sự cố cho chủ nhiệm khoa. Sau đó em có làm đơn gửi cô giáo xem xét và minh chứng đầy đủ về sự cố, giáo viên mới cho phép em được học tiếp và thi hết môn”, T cho hay.

Không may mắn như T, sinh viên T.T.H - Khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM bị cấm thi môn Tin học vì nghỉ quá số tiết quy định. Điều đáng nói theo sinh viên H là em có học nhưng khi điểm danh hôm thì em không nghe, hôm thì em đi làm về trễ và vào lớp muộn hoặc có xin phép thầy vào trễ… Vì cho rằng lỗi không thuộc ở mình và bản thân không cố ý nghỉ học để bị cấm thi nên H đã làm đơn gửi Ban giám hiệu yêu cầu xem xét, cho em được thi. Do giáo viên bảo lưu quan điểm là không xem xét nên H đã có đơn gửi Khoa Ngoại ngữ và Ban giám hiệu, khiến sự việc lùm xùm vì giáo viên cho rằng H có hành vi tố cáo mình không đúng sự thật.

Đơn yêu cầu giải quyết học vụ của 1 sinh viên bị cấm thi.
Đơn yêu cầu giải quyết học vụ của 1 sinh viên bị cấm thi.

Cần sự cảm thông và chia sẻ

Nhìn nhận những bất cập nảy sinh trong việc dạy và học online là không hiếm, thậm chí là cả những oan ức mà sinh viên phải chịu khi đường truyền Internet không ổn định hay phần mềm hỗ trợ học online trục trặc, ThS Nguyễn Thị Diệu Anh - Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Văn Hiến cho rằng: Giảng viên nên chia sẻ và tìm hiểu kỹ lý do của sinh viên trước khi cấm thi.

“Nếu giảng viên nghiêm khắc một cách cứng nhắc như khi đứng trên lớp dạy trực tiếp mà bỏ qua sự chia sẻ, lắng nghe những khó khăn sinh viên gặp phải khi học online thì việc bị cấm thi là có thể. Tất nhiên, trong quá trình học online mọi thứ đều có thể nảy sinh, thậm chí sinh viên không có nhu cầu học sau khi đã điểm danh. Nhưng với nhiều trường hợp sinh viên khó khăn về công cụ học tập online, ở xa và khu vực sóng 3G yếu, giảng viên vẫn nên lắng nghe và thông cảm khi biết rõ động lực học tập thật sự của các em”, ThS Diệu Anh nói.

Theo nhiều giảng viên, trong thực tế không ít người luôn cho mình quyền được đúng, còn sinh viên thì luôn sai. Chính tư tưởng áp đặt đó nên nhiều trường hợp sinh viên gặp trục trặc trong đường truyền khi học tập, hoặc phần mềm học online bị lỗi khiến việc điểm danh không được đã phải chịu tiếng oan là không học.

Bà N.T.T.V - Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM nhìn nhận việc học online nhìn vào tưởng mang lại sự thoải mái, nhàn hạ cho giảng viên lẫn sinh viên nhưng kỳ thực là cả hai phía đều rất vất vả.

“Với giảng viên, điểm danh sinh viên vào lớp không chỉ là để minh chứng việc giảng dạy, kế hoạch lên lớp của mình đầy đủ với Khoa, Ban giám hiệu, mà còn để kiểm soát chất lượng học tập. Với sinh viên, điểm danh ngoài nghĩa vụ của người học, nó còn thể hiện sự tôn trọng thầy, cô, lớp học của mình.

Trong thực tế tiếp nhận các phản ánh của sinh viên, chúng tôi nhận thấy có muôn vàn lý do sinh viên đưa ra, nhưng cũng có không ít trường hợp lý do đến từ sự cố kỹ thuật, chủ quan của sinh viên khi không thông báo trực tiếp với giáo viên đứng lớp mà lại báo về khoa, dẫn đến bị cấm thi. Nhiều trường hợp nếu giảng viên chịu lắng nghe sinh viên trình bày thì mọi thứ được giải quyết tốt hơn là phải nhờ đến Ban giám hiệu giải quyết học vụ, giảng viên phải giải trình”, bà V cho biết.

Theo ThS Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, học tập ở môi trường đại học yêu cầu tính tự giác cao từ chính sinh viên, nên có nhiều giảng viên không quá khắt khe trong công tác điểm danh và quản lý chặt trong giờ học. Tuy nhiên, khi việc học tập phải chuyển trạng thái sang hình thức online vì dịch bệnh thì giải pháp “điểm danh” lại chính là cách quản lý lớp học hiệu quả nhất. Tất nhiên, vẫn cần có sự lắng nghe, chia sẻ cho nhau từ cả 2 phía trước những sự cố kỹ thuật, đường truyền trong quá trình học thì những nảy sinh chắc chắn sẽ được tháo gỡ.

“Không ai có thể khẳng định mình dạy online tốt và truyền tải đầy đủ kiến thức đến sinh viên 100% và cũng không phải sinh viên nào cũng nghiêm túc chấp hành việc học một cách tự giác 100%. Vấn đề là cần sự lắng nghe và chia sẻ từ 2 phía. Giảng viên cũng có thể phải chịu nhiều áp lực từ việc dạy online khi không biết sinh viên có đang tương tác với mình hay không hay làm việc khác. Sự ức chế có thể nảy sinh từ nhiều tình huống cụ thể, vì vậy sinh viên cần chia sẻ và đồng cảm hơn với giảng viên. Ngược lại, giảng viên cũng cần chia sẻ với những khó khăn riêng, thậm chí là khó nói của sinh viên để đảm bảo sự công bằng, có sự cảm thông”, ThS Cường nói.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.