Mất kiềm chế và thiếu bản lĩnh sư phạm của một vài thầy cô giáo đặt ra vấn đề cần chuẩn hóa quy tắc ứng xử trong giờ học online.
Bản lĩnh và sự chia sẻ
Một số vụ việc giảng viên, giáo viên có lời lẽ thiếu kiềm chế và không phù hợp với học sinh, sinh viên trong giờ học online đã được tung lên mạng thời gian qua, gây ý kiến trái chiều. Đa số các vụ việc không đi quá xa khi người thầy đã lên tiếng xin lỗi học sinh. Tuy vậy, dư âm về những hành động chưa chuẩn mực ấy ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo.
Không chối bỏ việc nóng giận có thể xảy ra bất cứ lúc nào với các tình huống dở khóc, dở cười trong giờ học online, song theo ThS Nguyễn Thị Diệu Anh - giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) Trường ĐH Văn Hiến, người thầy phải luôn ý thức được vị trí và vai trò của mình để kiềm chế.
“Nhà giáo không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức, dẫn dắt sinh viên, học sinh của mình khai phá, tìm kiếm tri thức mà còn bồi đắp vốn sống và kỹ năng ứng xử. Tất nhiên, có nhiều tình huống trong giờ học của sinh viên khiến mình vô cùng bực tức và nóng giận, nhưng vì nóng giận mà dễ dàng buông ra những lời cay nghiệt, câu từ thiếu chuẩn mực rõ ràng chúng ta đang thất bại và chưa hoàn thành chức phận”, ThS Diệu Anh nói.
Đồng quan điểm, TS Trương Tiến Sĩ - giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho rằng: Khi giảng viên đứng lớp phải kiểm soát được lớp học, dù là offline hay online. Đây là yêu cầu bắt buộc và nếu thầy cô không làm được việc này đừng nói gì đến vấn đề dạy học, chuyển tải bài giảng như thế nào.
“Khi thầy cô thiết lập được quy tắc riêng cho lớp, các tình huống nảy sinh ít nhiều mình sẽ kiểm soát được trong nguyên tắc chung. Tất nhiên, thầy giáo cũng phải tạo được không khí vui vẻ để thầy và trò có tâm lý thoải mái nhất, hướng tới việc thầy chuyển tải được kiến thức hay nhất và trò tiếp thu được bài học tốt nhất.
Kinh nghiệm của tôi là “lớp học không điện thoại” và không làm việc riêng, nhưng cho phép sinh viên rời khỏi lớp để nghe điện thoại hoặc tin nhắn với những cuộc gọi, tin nhắn “quan trọng”. Xử lý xong, sinh viên được quay trở lại lớp mà không cần xin phép, giảng viên cũng vậy. Khi cả hai phía thiết lập được bộ nguyên tắc, tự khắc hai phía sẽ ý thức, tôn trọng nhau và thực hiện”, TS Sĩ chia sẻ.
Theo TS Trương Tiến Sĩ, để kiểm soát được những tình huống không ngờ nảy sinh trong buổi học, giảng viên cần thiết lập được một quy tắc riêng cho lớp ngay từ buổi học đầu tiên. Thầy cô phải quy ước cách thức làm việc của mình để trò tuân thủ. Lớp học phải có luật lệ, chuẩn mực và chế tài rõ ràng, đương nhiên phải phù hợp với quy định hiện hành. Lớp càng lớn càng phải nghiêm.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ tâm lý, TS Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay (TPHCM) nêu quan điểm: Việc phải chuyển trạng thái dạy học ít nhiều mang đến những khó khăn, lúng túng cho giáo viên. Chúng ta đều biết những kỹ năng tương tác trong lớp học ảo, những lỗi kỹ thuật trong quá trình dạy học trực tuyến phần lớn giáo viên chưa được đào tạo kỹ lưỡng trong trường sư phạm.
Để thích ứng, họ phải nỗ lực tự học, trau dồi kiến thức và kỹ năng cũng như vận dụng các phần mềm dạy học để cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Áp lực hẳn là có, thậm chí là rất lớn nếu học sinh tham gia tiết học với tâm trạng không hứng thú hoặc không nghe lời, giáo viên sẽ cảm thấy thất vọng… Họ loay hoay và khi các tình huống nảy sinh, việc thiếu kiểm soát hành vi là có thể.
Nguyên tắc cần tuân theo
Từ vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra, các cán bộ quản lý và chuyên gia giáo dục cho rằng, hơn lúc nào hết, nhà trường cần khẩn trương xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong việc dạy và học. Bộ quy tắc ứng xử sẽ có quy định chung về trách nhiệm của nhà trường, giảng viên và người học khi tham gia học tập.
Nhìn nhận đây là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn khi bối cảnh dạy và học ngày càng thay đổi, theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, bộ quy tắc ứng xử khi xây dựng cần được đặt trên trụ cột chính là văn hóa ứng xử, hành vi ứng xử và quy tắc giao tiếp.
“Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có quy ước về ứng xử trên môi trường lớp học trực tuyến, lớp học ảo hay các hình thức tương tác trên nền tảng Internet đều được trường khuyến nghị giảng viên tuân thủ một cách nghiêm túc. Các quy định cũng mở rộng ở việc đảm bảo giờ giấc, tác phong, trang phục và vấn đề tương tác với người học. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở giảng viên phải giữ gìn và xây dựng hình ảnh khi dạy học trực tuyến
Tất nhiên, trong thực tế giảng dạy, giảng viên sẽ không thể nào tránh khỏi những sơ suất, hạn chế. Sinh viên cũng có thể vướng phải lỗi không mong muốn… Tuy nhiên, nhà trường luôn khuyến khích giảng viên, sinh viên lắng nghe và chia sẻ với nhau để nút thắt sớm được tháo gỡ”, GS Huỳnh Văn Sơn cho biết.
Theo TS Nguyễn Tấn Đại - Nghiên cứu viên liên kết Phòng Thí nghiệm liên đại học về khoa học giáo dục & truyền thông, ĐH Strasbourg (Pháp), ở các nước có nền giáo dục phát triển, việc người học và người dạy khi bước vào lớp học phải tôn trọng nhau theo một bộ quy tắc chung có từ rất lâu. Tại Việt Nam, do trạng thái dạy học từ trực tiếp sang online mới được chuyển đổi gần đây nên nhiều vấn đề nảy sinh khiến giáo viên lúng túng, dẫn đến ức chế tâm lý… Đây là điều mà chúng ta nên cảm thông và chia sẻ.
“Một bộ quy tắc ứng xử cho lớp học online nếu được các trường xây dựng phải đảm bảo được nguyên tắc netiquette (quy tắc và chuẩn mực mọi người cần tuân theo khi sử dụng Internet). Đây phải là cơ sở và nền tảng để người thầy và sinh viên tuân theo”, TS Đại nói.