Giáo viên vừa chống dịch vừa kết nối với lớp học online

GD&TĐ - Nhiều giáo viên tại TPHCM đang tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Khi năm học mới bắt đầu, họ vừa tiếp tục hỗ trợ công tác chống dịch vừa chuẩn bị cho công tác dạy học trực tuyến.

Cô Bùi Ngô Y Hân (Trường THCS Bình An) hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid.
Cô Bùi Ngô Y Hân (Trường THCS Bình An) hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid.

Dù tham gia hỗ trợ ở những vị trí khác nhưng tất cả cùng mong muốn để TP sớm trở lại cuộc sống bình thường.

“Người khác làm được thì mình cũng làm được”

Tham gia hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 gần hai tháng, cô Lê Thị Hưng (giáo viên chủ nhiệm lớp 5.1 Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết bản thân đã được trải nghiệm vào một số công việc chống dịch như hậu cần, nhập liệu, hỗ trợ tiêm ngừa.

Nói về lý do khi quyết định tham gia hỗ trợ công việc này, cô Lê Thị Hưng chia sẻ: “Khi nói đến công việc chống dịch hầu như chúng ta đều hiểu đó là một công việc nguy hiểm, chính vì thế bản thân tôi cũng có chút băn khoăn trước khi có quyết định tham gia. Nhưng với tinh thần, người khác làm được thì mình cũng làm được nên tôi đã mạnh dạn đăng ký với mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để cùng người dân và chính quyền thành phố nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh, để tất cả mọi người có được cuộc sống bình thường…”.

Còn thầy Hồ Văn Đây (giáo viên Trường THCS Tùng Thiện Vương, Q.8, TPHCM)  hơn 1 tháng trải qua công việc phụ trách công nghệ thông tin (nhập bệnh án, làm giấy xuất viện…), chăm sóc và hỗ trợ ăn uống cho bệnh nhân 3 buổi ăn/ngày và những công việc mà mọi người trong bệnh viện cần giúp đỡ.

“Hình ảnh của những chiến binh áo xanh, cả áo trắng đang ngày đêm tích cực trực chốt, truy vết dịch tễ cũng như điều trị bệnh nhân cùng các bạn tình nguyện viên, khiến bản thân tôi là một công dân trẻ - một giáo viên – Tổng phụ trách Đội, muốn đóng góp sức mình vào công tác phòng chống dịch Covid-19, để TP mau chóng khỏe lại, trở về trạng thái bình thường mới…” - thầy Hồ Văn Đây chia sẻ.

Có quê Nam Định, thầy Phan Thành Đồng (giáo viên chủ nhiệm lớp 5.8, Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, gần 2 tháng trải qua các công việc hỗ trợ tiêm ngừa Covid, nhập liệu kết quả test Covid, lấy mẫu test Covid… “Khi tình nguyện tham gia chống dịch chỉ với mong muốn góp phần nhỏ để sớm đẩy lùi dịch bệnh trả lại cuộc sống bình thường cho TP. Mặt khác, là để đáp lại ơn nghĩa với mảnh đất và con người TPHCM đã cưu mang tạo cho những người con xa quê như tôi có được một công việc và cuộc sống như ngày nay” - thầy Phan Thành Đồng chia sẻ…

Cô Bùi Ngô Y Hân (giáo viên Trường THCS Bình An,  Q.8, TPHCM) cho biết, đã hơn 1 tháng tham gia hỗ trợ bệnh viện dã chiến ở các khâu tiếp nhận vật tư, tiếp liệu vào khu bệnh, chuyển thức ăn và giúp cho bệnh nhân ăn 3 buổi/ngày, dọn vệ sinh cá nhân của bệnh nhân ở khu cấp cứu và bệnh nhân già, không đi lại được, thỉnh thoảng cắt tóc cho y bác sĩ và tình nguyện viên.

“Mình sống ở Sài Gòn đến tuổi này thấy TP đau đớn mình cũng đau theo. Tuy đã chuẩn bị kỹ, nhưng lúc đầu khi bước vào phòng bệnh mình rất sợ vì khả năng lây nhiễm cho mình rất cao. Cùng với cái nóng của bộ đồ bảo hộ, có lúc mình nghĩ sẽ không làm được nữa. Mỗi ngày đút cháo cho bệnh nhân mệt lả vì bệnh, thấy họ chịu ăn, chịu cộng tác với đội ngũ y bác sĩ khỏe lại từ từ mình tự tin hơn, tiếp xúc với bệnh nhân chăm sóc họ không ngần ngại nữa. Giờ thì mình đã quen luôn và có những bệnh nhân quen với giọng nói của mình dù không thấy mặt…” - Cô Bùi Ngô Y Hân chia sẻ.

Cô Lê Thị Hưng (Trường Tiểu học Phạm Văn Hai) hỗ trợ công tác nhập liệu tại bệnh viện dã chiến.
Cô Lê Thị Hưng (Trường Tiểu học Phạm Văn Hai) hỗ trợ công tác nhập liệu tại bệnh viện dã chiến. 

Vừa chống dịch vừa dạy online

Ngày 20/9 tới, học sinh tiểu học TPHCM bắt đầu học trực tuyến trong khi quá trình chống dịch vẫn đang tiếp tục, cô Lê Thị Hưng (Trường Tiểu học Phạm Văn Hai) cho biết, bản thân đã làm hai công việc trong một ngày.

“Ban ngày tôi vẫn tham gia và hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện của mình, đồng thời cũng luôn theo dõi bám sát nội dung chỉ đạo chuyên môn của ngành và ban giám hiệu. Tôi chủ động sắp xếp thời gian hợp lý để vừa hướng dẫn phụ huynh cài phần mềm học tập để làm công cụ kết nối khi hội họp và học tập cho học sinh. Phần giáo án tôi soạn sẵn PowerPoint nội dung ngắn gọn, đủ ý để giảng dạy online và sử dụng công cụ Azota để giao bài tập và chữa bài cho các em…” - cô Lê Thị Hưng thông tin thêm.

Còn thầy Phan Thành Đồng (giáo viên chủ nhiệm lớp 5) cho biết, vừa tham gia chống dịch, vừa bám sát các văn bản chỉ đạo chuyên môn của sở, phòng và bộ phận chuyên môn của nhà trường để soạn nội dung dạy học sao cho phù hợp với yêu cầu của chuẩn kiến thức kỹ năng cũng như phát huy được các tiêu chí cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh.

“Tranh thủ những lúc giải lao, tôi sử dụng công cụ Azota để giao bài và sửa bài cho HS. Với phương châm ngừng đến trường nhưng không ngừng học, ngay từ đầu năm học, khi nhận được lớp tôi đã sử dụng công cụ Google Meet để kết nối, làm quen cũng như phổ biến các yêu cầu kỹ năng của việc học online và hướng dẫn HS ôn tập”  -  thầy Phan Thành Đồng chia sẻ.

Thầy Hồ Văn Đây (Trường THCS Tùng Thiện Vương) tham gia cắt tóc cho các y bác sĩ và tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến.
Thầy Hồ Văn Đây (Trường THCS Tùng Thiện Vương) tham gia cắt tóc cho các y bác sĩ và tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến.

Tiếp tục công việc hỗ trợ phòng chống dịch, thầy Hồ Văn Đây (Trường THCS Tùng Thiện Vương) cho biết, bản thân cố gắng sắp xếp thời gian lúc rảnh và các buổi tối để chuẩn bị các nội dung bài giảng trực tuyến theo phân công của nhà trường, đến tiết dạy trực tuyến thì nhờ các anh chị còn lại hỗ trợ công việc chăm bệnh nhân. Việc kết nối với lớp học nhờ có sự hỗ trợ của nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm.

Tương tự, cô Bùi Ngô Y Hân (Trường THCS Bình An) chia sẻ: “Tôi cố gắng sắp xếp thời gian như buổi tối sau khi ở bệnh viện về, để soạn bài, chuyển bài và có các bạn đồng nghiệp đã hỗ trợ mình dưới sự chỉ đạo của ban giám hiệu, để mình hoàn thành công tác giảng dạy cũng như công việc tình nguyện trong thời gian này”.

Hiện nay, lực lượng giáo viên trên địa bàn TPHCM tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch cũng tương đối nhiều. Theo số liệu của Phòng GD&ĐT quận Bình Tân, trên địa bàn quận còn hơn 300 GV tham gia các công tác phòng chống dịch, hầu như trường nào cũng có GV tham gia. Cụ thể, thầy cô hỗ trợ công tác tiêm

vắc-xin tại địa phương, nhập liệu cho khu cách ly, nhập liệu cho trạm y tế lưu động… Tại huyện Bình Chánh, có 228 công chức, GV tham gia hỗ trợ các xã phòng chống dịch. Số thầy cô này đang tập trung công tác phòng chống dịch, nếu đưa GV về dạy có thể ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch và bản thân GV cũng chưa tập trung cho công việc.

Thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, khi vào học các thầy cô vẫn tiếp tục tham gia công tác phòng chống dịch đến khi nào hết dịch. Vì việc dạy học trên Internet một giáo viên có thể dạy nhiều lớp, nên nhà trường cũng linh hoạt phân công giáo viên có kinh nghiệm dạy thay để các thầy cô yên tâm trong công tác phòng chống dịch.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho biết đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, GV đang tham gia phòng chống dịch cứ tiếp tục công việc cho đến khi hết nhiệm vụ. Bởi các GV ở trường có thể choàng gánh nhiệm vụ cho nhau vì sở quy định không dạy hai buổi một ngày và không quá 5 buổi/tuần. Bên cạnh đó, do dạy học trên môi trường Internet nên một GV có thể dạy nhiều lớp. Trường có thể chọn lựa GV có kinh nghiệm dạy nhiều lớp. Sau đó, GV sẽ hướng dẫn và theo dõi HS trên phần mềm học tập.

“Công việc của tôi là hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và nhập liệu tại điểm test Covid-19 cộng đồng ở xã. Lúc đầu tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng nếu không cẩn trọng sẽ dễ xảy ra sai sót, nên đòi hỏi phải chính xác các thông tin liên quan như số điện thoại, địa chỉ. Năm học mới bắt đầu, tôi vừa tham gia công tác chống dịch, vừa tranh thủ thời gian soạn bài, hướng dẫn các em ôn lại các kiến thức cũ thông qua hệ thống Zalo của group lớp, các phần mềm trắc nghiệm online, Google Meet…”. - Thầy Lê Thanh Long (GV Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.