Điểm chuẩn tăng thể hiện xu hướng tự chủ của các trường rất mạnh

GD&TĐ - Đúng như dự đoán, điểm chuẩn năm nay của các trường đại học bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT tăng cao, cá biệt một số ngành tăng đột biến.

Ảnh minh hoạ/gdtd.vn
Ảnh minh hoạ/gdtd.vn

Đã được dự báo

“Điểm chuẩn ngành Sư phạm cũng tăng, với mức 23 điểm trở lên. Điều này cho thấy, ngành sư phạm có sức hút. Điểm chuẩn cao, đồng nghĩa với chất lượng đầu vào tăng lên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục” - TS Nguyễn Đức Nghĩa.

Năm nay, điểm chuẩn vào một số ngành cao ngoài dự đoán. Đơn cử như: Ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá), điểm chuẩn: 30,5. Mức điểm này cao hơn năm ngoái 1,25 điểm.

Nếu như năm 2020, điểm chuẩn tổ hợp xét tuyển C00 ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là 30 thì năm nay, ngành này tiếp tục ở mức điểm này.

Ngoài ra, một số ngành xét tuyển tổ hợp C00 của trường này cũng đạt mức trên 29 điểm như: Đông phương học, Quan hệ công chúng. Năm 2020, ngành Báo chí cũng của trường này có điểm chuẩn là 28,50 điểm/3 môn khối C00, năm nay tiếp tục lên tới 28,8 điểm.

Khối trường công an có điểm chuẩn cao nhất là 30,34 ở ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (khối C, dành cho nữ) của Học viện Chính trị Công an nhân dân.

Xếp thứ 2 trong khối các trường công an là điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân với mức 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, 2 năm qua, điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh cao nên điểm chuẩn vào các trường tăng đều nằm trong dự đoán. Năm nay, một số ngành, điểm chuẩn lên đến trên 30 điểm, nhưng chỉ là cá biệt, không thể đại diện cho cả hệ thống.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định: Nhìn chung, điểm chuẩn của các trường đều sẽ tăng từ 1-3 điểm so với năm 2020. Điều này đã dự báo từ trước.

Tuy nhiên, có 1 vài ngành tăng cao 4-5 điểm, thậm chí tăng đến 8-9 điểm. Cá biệt, đã xuất hiện một vài ngành có điểm chuẩn trên 30 điểm. Năm nay, điểm chuẩn khối sức khoẻ đều nằm trong dự báo, với mức trên 27 điểm.

Thí sinh xác nhận nhập học trước 17h00 ngày 26/9 (tính theo dấu bưu điện). Ảnh minh hoạ/gdtd.vn
Thí sinh xác nhận nhập học trước 17h00 ngày 26/9 (tính theo dấu bưu điện). Ảnh minh hoạ/gdtd.vn

Lý do khiến điểm trúng tuyển tăng cao

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, việc tăng điểm chuẩn đã được dự báo từ trước do chỉ tiêu xét tuyển dành cho điểm thi tốt nghiệp ở một số trường, đặc biệt nhiều trường lớn đã chuyển chỉ tiêu xét tuyển sang xét tuyển theo các phương thức khác.

Ngoài ra, phổ điểm năm 2021 tuy ít thay đổi nhưng môn Tiếng Anh có sự thay đổi lớn ở phân khúc điểm cao, số lượng điểm 10 nhiều. Cùng với đó, các trường xét tuyển một ngành bằng nhiều tổ hợp nhưng điểm chuẩn lại bằng nhau cho nên việc điểm thi môn Tiếng Anh tăng nhiều dẫn đến điểm chuẩn tăng lên.

Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, thực tế vẫn sẽ có thí sinh đạt 26 - 27 điểm vẫn có thể trượt tất cả nguyện vọng do chưa biết cách sắp xếp nguyện vọng phù hợp, nhưng đó chỉ là số ít.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, mức điểm chuẩn năm nay thể hiện một thực tiễn là: Xu hướng tự chủ của các trường rất mạnh. Nếu chúng ta đem tư duy của những năm trước (thời kỳ “3 chung” hoặc thời điểm các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển dựa vào điểm thi Kỳ thi THPT quốc gia – kỳ thi “2 trong 1”) thì khập khiễng.

Giai đoạn, Kỳ thi “2 trong 1”, trên 90% các trường dựa hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Tuy nhiên, năm nay nhiều trường chỉ dành khoảng 50% chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đơn cử như: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nếu như không bị dừng Kỳ thi đánh giá tư duy, thì chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này khoảng trên dưới 20% tổng chỉ tiêu.

Như vậy, với quyền tự chủ tuyển sinh, các trường áp dụng nhiều phương khác nhau để xét tuyển. Cùng với đó, thí sinh có xu hướng tăng nguyện vọng xét tuyển vì các em không bị giới hạn số nguyện vọng xét tuyển, cộng với điểm thi tốt nghiệp THPT cao… Đây là những lý do khiến điểm trúng tuyển tăng cao.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) phân tích, điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm trúng tuyển) của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm của các môn thi THPT là thành phần của tổ hợp xét tuyển), chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành, một chương trình đào tạo.

Điểm trung bình cao, số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, thì việc xét tuyển sẽ có thuận lợi hơn do dải điểm cũng rộng hơn, các trường có thuận lợi trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Năm nay, các trường thuộc các nhóm tuyển sinh khác nhau đều không gặp khó khăn do các thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đều tăng khá so với năm trước.

Ngoài việc, điểm một số môn thi cao hơn năm 2020, thì việc các trường đại học đã dành lượng tương đối chỉ tiêu cho các phương thức khác như: xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỉ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có giảm nhất định. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ có thể cao hơn các năm trước.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, tuyển sinh là quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Một trong những vai trò quan trọng của các trường đại học là đào tạo nhân tài cho đất nước. Do đó, cần đẩy nhanh việc hình thành các trung tâm khảo thí quốc gia.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ