Trong thời gian chờ đợi, nhiều thí sinh căng thẳng, lo lắng vì phổ điểm thi năm nay cao. Cũng có thí sinh xác định học nghề để tạo lập cuộc sống sau này.
Đại học không phải là con đường duy nhất
Với mức điểm 26,5 – tổ hợp A (Toán – Lý - Hoá), Nguyễn Phương Ly – cựu học sinh Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nguyện vọng 2 vào khoa Marketing, Trường ĐH Thương mại. “Tuy nhiên, năm nay phổ điểm cao hơn năm ngoái, các trường em đăng ký xét tuyển đều dự báo điểm chuẩn sẽ nhỉnh hơn năm trước. Vì thế, với 26,5 điểm, em vẫn chưa tự tin để trúng tuyển nguyện vọng 1. Em đặt nhiều kỳ vọng vào nguyện vọng 2. Hy vọng sẽ kết quả như ý” - Phương Ly bộc bạch.
Dù hồi hộp, lo lắng nhưng Phương Ly không bị áp lực bởi đã chuẩn bị tâm lý từ trước. Phương Ly nhận định: Điểm thi của em ở mức an toàn, có thể trúng tuyển đại học. Nhưng để trúng tuyển vào ngành yêu thích thì chưa chắc chắn. Em cũng suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều trong việc chọn ngành, trường. Nếu may mắn trúng tuyển đại học, nhất là nguyện vọng 1, em sẽ quyết tâm học tập thật tốt để không lãng phí thanh xuân trên giảng đường đại học.
Còn nếu không may trượt đại học trong đợt xét truyển này, em cũng không quá thất vọng hay chán nản, bởi em đã cố gắng hết sức trong học tập và nỗ lực hết minh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Hơn nữa, em vẫn còn nhiều cơ hội phía trước; trong đó có các đợt xét tuyển bổ sung của nhiều cơ sở giáo dục đại học.
Được 20,5 điểm tổ hợp D01 (Toán – Văn – Anh), Nguyễn Văn Chương – cựu học sinh Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) xác định do điểm số không cao nên không đặt nhiều kỳ vọng trúng tuyển vào ngành mà mình yêu thích. Văn Chương dự định sẽ nộp hồ sơ vào một trường nghề nào đó và học chuyên ngành sửa chữa ô tô.
“Có nghề trong tay, sau này không lo chết đói” – Văn Chương dí dóm nói, đồng thời cho biết: Học đại học hay học nghề, mục đích cuối cùng cũng là trang bị cho mình nền tảng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để lập thân, lập nghiệp. Vì thế, với em đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
May mắn hơn các bạn, Kiều Ngọc Dung đã chính thức trở thành sinh viên năm thứ nhất của Trường ĐH Ngoại thương. Ngọc Dung bày tỏ: Không lâu nữa, các bạn sẽ biết được kết quả xét tuyển đại học của mình. Chắc chắn, có bạn vui sướng và vỡ oà trong niềm vui, hạnh phúc khi trúng tuyển nguyện vọng mình yêu thích nhất. Nhưng sẽ có bạn thiếu may mắn một chút khi giấc mơ đại học còn dang dở.
“Biết là các bạn sẽ buồn, nhưng đừng để nỗi buồn trở thành lo lắng, tuyệt vọng. Nhưng phía trước là con đường thênh thang, rộng mở, chỉ cần các bạn không nản chí và tự tin vào bản thân, thành công sẽ đón đợi” – Ngọc Dung chia sẻ.
Không nản chí, sờn lòng
Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, thí sinh có nhiều lựa chọn cho mình. Ngoài giảng đường đại học, các em có thể học cao đẳng, học nghề, hoặc có thể tiếp tục ôn thi để chờ cơ hội của năm sau… Quan trọng là, các em cần xác định rõ tư tưởng, mong muốn của mình và không nên “nản chí, sờn lòng”. Các em có thể bàn với gia đình và xin ý kiến của bố mẹ để có định hướng đúng đắn, phù hợp cho mình.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Với những thí sinh không may trượt đại trong trong đợt xét tuyển lần này, các em cũng nên bình tâm, bởi các cơ sở giáo dục đại học có xét tuyển bổ sung bằng nhiều đợt khác nhau.
Vì thế, cánh cửa vào đại học vẫn rộng mở. Quan trọng là, các em cần xác định rõ mục tiêu phấn đấu và có lộ trình để thực hiện. Hãy biến thất bại ban đầu trở thành động lực để chinh phục những thành công sau này. Bởi, nếu để cho tâm trạng buồn bã chi phối thì thất bại sẽ chỉ sinh ra thất bại chứ không thể là “mẹ thành công”.
Thực tế đã xảy ra tình trạng, thí sinh chọn nhầm nguyện vọng nên “học nhầm” trường. PGS.TS Phạm Mạnh Hà trao đổi, tuổi trẻ có thể mắc phải sai lầm nhưng điều quan trọng là mình nhận ra và thay đổi. Việc thí sinh lựa chọn chưa đúng ngành học phù hợp sở thích và sở trường, các em hoàn toàn có thể lựa chọn lại.
Quan trọng là, chọn đúng ngành nghề yêu thích mới có thể phát huy năng lực cá nhân và tạo được thành công sau này. Trong trường hợp, nếu thí sinh thực sự thấy ngành đã chọn không phù hợp, nên dừng lại và lựa chọn ngành học theo đúng nguyện vọng và sở thích của mình.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Quan niệm “trọng thầy hơn thợ” khiến nhiều phụ huynh và thí sinh có tư tưởng nhất định phải vào đại học bằng được. Thực tế cho thấy, hằng năm có hàng trăm nghìn thí sinh bước vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, khi ra trường không phải ai cũng xin được việc làm phù hợp với nguyện vọng.
Xã hội hiện nay, đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Con đường lập thân, lập nghiệp tốt nhất của mỗi người là chọn cho mình một ngành học, lĩnh vực, ngành nghề phù hợp, có thể tự tu thân, lập nghiệp vững vàng.