Dịch vụ tuyển người (Headhunter): Lương cao nhưng nhiều thách thức

GD&TĐ - Để tuyển dụng được các vị trí nhân sự cấp cao, doanh nghiệp luôn gặp phải rất nhiều khó khăn.

Nghề Headhunter đang trở thành công cụ giúp các doanh nghiệp giải bài toán về vấn đề nhân sự. Ảnh minh họa: INT
Nghề Headhunter đang trở thành công cụ giúp các doanh nghiệp giải bài toán về vấn đề nhân sự. Ảnh minh họa: INT

Vì vậy, nghề Headhunter (nghề tuyển dụng thuê) đã ra đời và giải quyết được khó khăn trong vấn đề nhân sự của các doanh nghiệp lớn.

Nghề săn, tìm nhân sự

Headhunter là cách gọi của những chuyên viên tuyển dụng trung gian, làm việc độc lập hoặc làm việc cùng công ty tư vấn nhân sự. Nhiệm vụ chính của các headhunter là tìm kiếm ứng viên cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đặc biệt là tìm các vị trí cấp cao.

Mức độ cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng ngày càng lớn. Nhu cầu nhân lực chất lượng cũng ngày càng cao tăng. Do vậy, để tuyển được các vị trí nhân sự cấp cao càng khó hơn. Lúc này sự ra đời của headhunter trở thành cứu cánh quan trọng giúp doanh nghiệp tìm được ứng viên phù hợp trong thời gian nhanh nhất.

Có nhiều lý do khiến các công ty tìm đến dịch vụ tuyển người của bên thứ 3. Thường là do các công ty nước ngoài đến Việt Nam không hiểu thị trưởng tuyển dụng Việt Nam, phòng nhân sự nội bộ quá tải hoặc có nhiều vị trí khó tuyển cần hỗ trợ chuyên môn.

Khác với người làm tuyển dụng trong các doanh nghiệp, các headhunter phải rất chủ động tìm đến ứng viên. Trần Phương Linh (28 tuổi), chuyên viên tại một công ty tuyển dụng thường phải “săn lùng” trên tất cả các nguồn để thấy một hồ sơ ứng viên phù hợp.

“Tôi phải tìm hồ sơ trên Linkedin, TopCV, Vietnamworks, đọc các bài tuyển dụng trên mạng xã hội và hỏi người quen nữa. Tìm được một người phù hợp và đi làm được có thể mất 1 - 2 tháng”, Linh chia sẻ.

Bên cạnh số lượng, các Headhunter đều phải đảm bảo chất lượng nhân sự bằng cách tự đánh giá ứng viên. Hồng Toan, một headhunter tại Hà Nội với nhiều năm kinh nghiệm, thường tìm hiểu ứng viên qua 5 yếu tố: Kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và mức độ phù hợp với công ty.

Trong khi kinh nghiệm và mức độ phù hợp với công ty có thể phần nào đánh giá qua CV, câu hỏi phỏng vấn thì kiến thức, kỹ năng của ứng viên lại cần được kiểm tra qua bài test. Đặc biệt là yếu tố phẩm chất yêu cầu phải khai thác sâu mới nhận ra.

“Không phải ứng viên nói tôi có kiến thức sâu rộng, phong thái làm việc chuẩn mực là mình có thể tin họ ngay. Muốn biết phẩm chất một người cần phải khai thác nhiều hơn và đặc biệt là ở nhiều góc cạnh”, Hồng Toan chia sẻ.

Headhunter được đánh giá là nhánh có thu nhập cao nhất trong ngành nhân sự. Những “ông mai bà mối” này thường được trả “hoa hồng” sau khi ứng viên đã làm việc chính thức ở công ty mới. Hồng Toan tiết lộ, mức “hoa hồng” tính bằng mức lương ứng viên nhận việc, thông thường là 1 tháng với vị trí nhân viên và 2 tháng với vị trí cao cấp hơn. Cá biệt có những trường hợp “săn” vị trí cấp cao trong ban lãnh đạo hay còn gọi là C-level sẽ nhận “hoa hồng” rất lớn.

Ngay cả khi giới thiệu thành công, người làm headhunter cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Khách “quỵt” tiền hoặc thỏa thuận ngầm với ứng viên để giảm bớt phí dịch vụ; ứng viên tự ứng tuyển. Rơi vào tình huống đó, Hồng Toan cho biết, luôn giải quyết thiện chí, bước cuối cùng mới phải đưa nhau ra tòa. Hồng Toan không ủng hộ việc “bóc phốt” lên mạng xã hội của một số đồng nghiệp.

“Trong tình huống nào cũng phải đảm bảo mình đúng luật. Bóc phốt vừa vi phạm hợp đồng vừa vi phạm đạo đức bảo mật trong nghề”, cô nói.

Dù rất căng thẳng nhưng đôi khi các headhunter cũng có những giây phút bình yên. Đó là khi giới thiệu cho ứng viên công việc tốt và giải được bài toán nhân tài cho doanh nghiệp.

dich vu tuyen nguoi3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Nhu cầu tìm việc dồi dào

Năm 2023 - 2024 đều được đánh giá là năm mà thị trường tuyển dụng bị ảnh hưởng bởi nhiều tác động suy giảm từ kinh tế vi mô và vĩ mô. Tuy nhiên, bà Phạm Kim Linh, phụ trách nhân sự Công ty CP Groovy cho biết, nhu cầu tìm việc luôn thường trực cho thấy nguồn cung của thị trường nhân sự luôn có. Và điều này cũng khẳng định người lao động luôn có xu hướng tìm kiếm các công việc đáp ứng tốt và tốt hơn nữa những nhu cầu của họ trong công việc và cuộc sống.

Theo Báo cáo thị trường tuyển dụng 2023 và nhu cầu tuyển dụng 2024 của TopCV thì, khi được hỏi về tần suất cập nhật hồ sơ ứng tuyển có 36,8% người lao động tham gia khảo sát chia sẻ, họ cập nhật hồ sơ khi có nhu cầu ứng tuyển. Ngoài ra, khoảng 24,6% tiến hành cập nhật theo tháng, và khoảng 21,2% chỉ cập nhật theo quý hoặc theo năm.

Nhu cầu tìm việc luôn thường trực, kể cả khi người lao động đang trong tình trạng có hoặc không có việc làm. Cụ thể, 58,1% là tỷ lệ người lao động đang trong trạng thái chủ động tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, 23,4% người đi làm vẫn tiếp tục tham khảo cho kế hoạch chuyển việc trong 6 tháng tới. 3 yếu tố quan trọng nhất để người lao động quyết định ứng tuyển lần lượt là mức lương cứng hấp dẫn; nội dung công việc phù hợp với vị trí tuyển dụng; chế độ bảo hiểm, phúc lợi về sức khỏe, ngày lễ… đa dạng.

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Nhật Anh - đồng sáng lập, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc sản phẩm & công nghệ, Công ty CP TopCV Việt Nam (TopCV) cho biết, nguồn cung của thị trường nhân sự (theo khảo sát và số liệu thực tế từ 300.000 tin đăng trên nền tảng TopCV) có sự chiếm lĩnh chủ yếu của nhóm ngành kinh doanh/bán hàng, đặc biệt là nhân viên dưới 3 năm kinh nghiệm và chuyên viên IT - phần mềm trên 3 năm kinh nghiệm (không phải là quản lý).

Lãnh đạo TopCV dự báo, đây sẽ là những nhóm ngành dự kiến tiếp tục “khát nhân lực” trong năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và chuyển đổi số.

Báo cáo cho biết 75,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định vẫn tiếp tục gia tăng số lượng nhân viên, đặc biệt là với 3 nhóm ngành: Kinh doanh/bán hàng, IT - phần mềm, marketing/truyền thông/quảng cáo. Đây sẽ là những nhóm ngành có sự quay vòng ứng viên hoặc/và quy mô doanh nghiệp (tuyển mới, tuyển thêm) được thay đổi và tối ưu liên tục.

“Có thể thị trường sẽ trở nên chênh lệch khi lực lượng lao động đổ dồn sang các nhóm ngành nghề được xem là có cơ hội tìm việc làm tốt hơn, hoặc là những công việc ‘theo trend’, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan trực tiếp tới AI hoặc công nghệ thông tin nói chung”, ông Vũ Nhật Anh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ