Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: HUTECH |
Hàng nghìn việc làm hè
Chuẩn bị kết thúc học kỳ cuối của năm thứ ba ngành ngôn ngữ Trung Quốc, đôi bạn Trịnh Thị Thu Vân và Trần Võ Mỹ Quyên (sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cùng đến “Ngày hội việc làm 2024” được nhà trường tổ chức vào đầu tháng 5/2024. Cả hai tìm hiểu thông tin tại một tập đoàn điện tử đa quốc gia tại Việt Nam và đăng ký thông tin ứng tuyển.
Vân chọn vị trí nhân viên phiên dịch tiếng Trung, trong khi Quyên chọn vị trí nhân viên kế hoạch. “Em nhận thấy phúc lợi, cơ hội phát triển nghề nghiệp, các hoạt động của công ty khá tốt. Nếu được tuyển dụng, em sẽ thực tập trong dịp hè, vừa làm vừa học hết năm thứ 4. Nếu làm tốt thì ra trường sẽ được tuyển dụng chính thức”, Quyên chia sẻ.
Quyên cho biết thêm, dù thế mạnh là ngôn ngữ Trung, song bản thân không muốn gắn chặt công việc với tấm bằng ngôn ngữ mà muốn mở rộng cơ hội việc làm. Do đó, Quyên sẽ học thêm kiến thức về kinh tế, quản trị.
Vân và Quyên là 2 trong số hơn 500 sinh viên đến với “Ngày hội việc làm 2024” của Trường Đại học Sư phạm TPHCM với mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi ra trường. Tại đây, 69 đơn vị tuyển dụng uy tín trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục “săn” sinh viên giỏi. Nhiều trung tâm ngoại ngữ, công ty giáo dục đưa ra các chính sách lương thưởng, phúc lợi cao săn đón sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm.
Võ Thị Kiều Thúy, sinh viên năm 2 ngành giáo dục mầm non đã tìm được công việc gia sư và trợ giảng tại một đơn vị giáo dục tư thục với mức lương thỏa thuận khi ký hợp đồng. Đang là sinh viên nên Thúy không đặt nặng vấn đề lương bổng.
“Em muốn trải nghiệm, có thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm và xu hướng mới trong lĩnh vực mình đang học, từ đó có kế hoạch tốt hơn sau khi ra trường”, nữ sinh nói.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2024, ngày hội việc làm của Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT Talent Day 2024) diễn ra trong 4 ngày với hơn 6.000 việc làm đến từ 150 doanh nghiệp, phủ khắp các ngành nghề từ kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ, du lịch, nhà hàng khách sạn…
Đại diện bộ phận nhân sự Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ tuyển dụng 200 vị trí việc làm như nhân viên kinh doanh, kỹ thuật tại trang trại chăn nuôi, khối văn phòng và các vị trí khác tại xưởng sản xuất. Công ty ưu tiên tuyển dụng cho các tỉnh thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Tây Nam Bộ.
HUIT Talent Day 2024 đã kết nối các doanh nghiệp và các tân kỹ sư, cử nhân, thực tập sinh nhà trường trực tiếp tiếp cận với thị trường lao động và việc làm. Hàng nghìn sinh viên, người lao động nộp hồ sơ ứng tuyển hoặc được nhận phỏng vấn từ các doanh nghiệp. Trường Đại học Công Thương TPHCM cũng đã ký hợp tác với 15 doanh nghiệp trên các hoạt động đào tạo, hỗ trợ sinh viên việc làm, thực tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Không chỉ thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước, ngày hội việc làm - tuyển dụng dịp hè của các trường đại học cũng là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài. Mới đây, Korea Job Fair 2024 - ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc do Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp cùng Viện Công nghệ Việt Hàn và Khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Công nghệ TPHCM phối hợp tổ chức thu hút 32 doanh nghiệp, mang đến 1.500 vị trí việc làm cho sinh viên.
Trong số này, có những đơn vị lớn với số lượng tuyển dụng đông đảo như Công ty DM&C Việt Nam, Woori Bank, Shinhan Life, Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc - KITECH, GS25, Cos & Ko Vina, Kosme với tổng số lượng vị trí tuyển dụng lên đến 780 việc làm, chiếm 52% tổng việc làm. Các công việc phổ biến gồm thực tập sinh, nhân viên kinh doanh, chuyên viên marketing, chuyên viên kỹ thuật, nhân viên dữ liệu… với yêu cầu sử dụng tốt tiếng Hàn.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại “Ngày hội việc làm 2024”, tháng 5/2024. Ảnh: Lê Nam |
Biến “nguy” thành “cơ”
Nhiều chuyên gia dự báo nguồn nhân lực cho rằng, thị trường lao động nửa cuối năm 2024 sẽ thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, nổi bật là xu hướng chuyển dịch trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ, trình độ thấp sang chất lượng cao. Trong khuôn khổ “Ngày hội việc làm 2024” của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, tại tọa đàm “Câu chuyện vào nghề”, các chuyên gia đã chỉ ra thách thức và cơ hội việc làm trong thời gian tới.
TS Nguyễn Vinh Quang, nhà sáng lập Q Education cho rằng, có 5 yếu tố trong thị trường lao động ngày nay mà sinh viên phải chú ý khi xin việc. Thứ nhất, công nghệ và tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đã phủ sóng ở nhiều ngành nghề, thay đổi liên tục. Điều này đặt ra những thách thức với sinh viên mới ra trường. Thứ hai, sự biến đổi về khí hậu, môi trường tạo ra những ngành nghề mới, chẳng hạn như quản lý tài nguyên, năng lượng tái tạo. Sinh viên phải tận dụng cơ hội này.
Thứ ba, bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng hội nhập mạnh mẽ. Thứ tư, việc xuất hiện các yếu tố kỹ thuật, công nghệ mới ở nhiều ngành nghề, chẳng hạn công nghệ số cũng tạo ra thách thức và cơ hội cho sinh viên. Theo đó, doanh nghiệp sẽ yêu cầu nhân lực ngày càng cao hơn. Đây cũng là cơ hội cho những sinh viên giàu kỹ năng.
Cuối cùng, lực lượng lao động có xu hướng già hóa, có sự dịch chuyển giữa các khu vực lao động, sự đòi hỏi chuyên môn hóa và trình độ đào tạo cao hơn. Đây là cơ hội tốt cho sinh viên mới ra trường.
ThS Trương Đỗ Minh Hương, cố vấn đối ngoại Trung tâm Anh ngữ WESET đưa ra một số bí quyết giúp sinh viên tạo được mối quan hệ, thương hiệu cá nhân để có thêm “điểm cộng” trong quá trình tìm việc sau này.
Theo đó, sinh viên cần mở rộng kết nối với doanh nghiệp và thế hệ đi trước bằng việc tham gia các ngày hội việc làm, câu lạc bộ, các hội nhóm ở trường đại học; cần tìm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó phát huy điểm mạnh vốn có. Các em cũng cần xây dựng hình ảnh tích cực trên các website cá nhân, mạng xã hội.
ThS Đặng Ngọc Hậu, nhà sáng lập và CEO của PnB Education cũng đồng quan điểm rằng, thị trường lao động hiện có nhiều biến động, doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Do đó, sinh viên ra trường trong thời điểm này đối diện với nhiều thách thức. Doanh nghiệp cần số lượng nhân sự ít hơn, song đòi hỏi người lao động lành nghề, có thể làm được nhiều đầu việc hơn. “Lời khuyên cho các bạn sinh viên từ năm 1 - 2 là hãy tận dụng cơ hội trải nghiệm, thực tập, đi thực tế để tích lũy nhiều kỹ năng, kiến thức, sẵn sàng bước vào thị trường lao động khi ra trường”, ThS Hậu cho biết.