Dịch vụ tư vấn du học: Thế khó của doanh nghiệp

GD&TĐ - Trong hoạt động dịch vụ tư vấn du học, các doanh nghiệp cũng có những khó khăn xuất phát từ phía học sinh, phụ huynh và thủ tục của nước sở tại,…

Hội thảo Thông tin du học, học bổng - đẩy mạnh hợp tác giáo dục Việt Nam - Italia tại Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Đại học Đà Nẵng
Hội thảo Thông tin du học, học bổng - đẩy mạnh hợp tác giáo dục Việt Nam - Italia tại Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Đại học Đà Nẵng

Khó tiếp cận thông tin chuẩn

Hội thảo “Thông tin du học, học bổng - đẩy mạnh hợp tác giáo dục Việt Nam - Italia” với sự chủ trì của Tổng Lãnh sự quán Italia tại TPHCM, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội và Văn phòng Uni-Italia Việt Nam vừa diễn ra tại Đại học Đà Nẵng.

Hội thảo là dịp để cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Đà Nẵng cũng như học sinh các trường THPT của thành phố biết thêm về cơ hội du học, trao đổi sinh viên với nhiều học bổng của chính phủ và các trường ĐH Italia có uy tín trong đào tạo, nghiên cứu, qua đó góp phần tăng cường thúc đẩy hợp tác giáo dục. ĐH Đà Nẵng là thành viên chính thức đầu tiên ngoài châu lục của Liên minh các Đại học Châu Âu Ulysseus.

Tại chương trình, đại diện của Đại sứ quán Italia, Văn phòng Uni-Italia cùng các trường đại học đối tác đánh giá cao nhu cầu, tiềm năng hợp tác, cung cấp, chia sẻ những thông tin bổ ích về cơ hội học bổng, quy trình đăng ký các khoá học, xin visa du học tại Italia. Đại diện Đại học Milan, Đại học Padua, Đại học Modena Reggio Emilia, Đại học Bergamo… đã giới thiệu và giải đáp những nội dung mà học sinh, sinh viên quan tâm, nhất là các ngành phía bạn có truyền thống, thế mạnh như kinh tế, kiến trúc, thiết kế, kỹ thuật và nghệ thuật.

PGS.TS Dương Minh Quân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn việc làm du học tự túc CESO, Đại Học Đà Nẵng cho biết: Để có thể tư vấn tốt cho học sinh và phụ huynh thì yêu cầu bắt buộc đó là cán bộ tư vấn du học phải nắm được các thông tin cập nhật và chính xác nhất. Chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực này đang trong quá trình hoàn thiện. Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình tư vấn.

Ngoài ra, việc thay đổi chính sách của các quốc gia đòi hỏi cán bộ tư vấn phải luôn cập nhật thông tin và chính sách mới để làm nghề cho tốt. Tuy nhiên không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ như vậy. Các thông tin về nhà trường và chương trình học không phải luôn chính xác như trên trang web hay tài liệu mà trường cung cấp.

Bà Doãn Thị Minh Phương - phụ trách chi nhánh Đà Nẵng của Công ty tư vấn du học Bluesea chia sẻ: Thông tin về trường học của nước sở tại, học phí hay lộ trình… thì người tư vấn phải nắm và kiểm tra thông tin đảm bảo chính xác khoảng 90%, đặc biệt là học phí.

“Khi lãnh sự quán có sự thay đổi, cập nhật tình hình mới buộc mình phải theo. Ví dụ như Úc, có thời gian học sinh đăng ký du học nghề không cần tiếng Anh, chỉ cần giấy xác nhận ghi danh được các cơ sở giáo dục cấp cho sinh viên quốc tế. Nhưng khi chính sách thay đổi, yêu cầu cần có chứng chỉ tiếng Anh mới đáp ứng được buộc đơn vị tư vấn du học phải báo lại với phụ huynh. Trong tình huống này, một số phụ huynh sẽ cho rằng đơn vị tư vấn du học gây khó dễ”, bà Phương dẫn chứng.

Còn theo chia sẻ của ông Lê Hữu Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Du học Xuất khẩu lao động Quốc tế Letcoht group (Hà Tĩnh), hiện có tình trạng cơ sở giáo dục ở nước ngoài đến Việt Nam trực tiếp tuyển sinh. Trong số này, nhiều trường chưa được thẩm định nên thủ tục hoàn trả tiền cho học sinh đủ điều kiện chấp nhận vào học hoặc không đậu visa chậm. Ở Hà Tĩnh, có những trường hợp hơn 1 năm vẫn chưa được hoàn tiền chi phí ban đầu và không thấy cơ quan chức năng nào hỗ trợ, can thiệp chuyện này.

the-kho-cua-doanh-nghiep2-3605-6427.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Siết chặt quản lý, cấp phép

Ông Lê Hữu Ngọc nêu hiện tượng, một số giáo viên ở trường phổ thông làm cộng tác viên của các đơn vị tư vấn du học ở thành phố lớn. Theo quy định, các tư vấn viên du học phải được đào tạo, cấp chứng chỉ tư vấn du học. “Trong khi đó, số giáo viên này chỉ dừng lại ở việc “môi giới” nên tư vấn sai bản chất của việc du học, đưa ra những hứa hẹn không nằm trong quy trình quản lý… Có không ít trường hợp tại Hà Tĩnh, gia đình học sinh bị mất tiền oan khi nghe theo lời tư vấn du học của tư vấn viên tay ngang”, ông Ngọc thông tin.

Chưa kể, nhiều công ty du học “ma” hoặc đã hết giấy phép hoạt động vẫn đặt văn phòng tại các địa phương và trực tiếp nhận hồ sơ, làm công tác tuyển sinh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tư vấn du học, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Ông Ngọc cho rằng, chính quyền UBND cấp huyện, xã, phường cần tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các văn phòng công ty tư vấn du học, đảm bảo quyền lợi của người học cũng như các đơn vị hoạt động đúng pháp luật.

Chia sẻ về điều kiện du học, bà Doãn Thị Minh Phương nhận xét, nhiều quốc gia đang siết các điều kiện đối với du học sinh theo hướng yêu cầu cao hơn. Ví dụ, Canada chỉ cấp giấy phép lao động cho sinh viên sau khi tốt nghiệp - PGWP với những chương trình liên quan đến các ngành đang thiếu hụt lao động dài hạn.

Vì vậy học sinh đã học 1 năm tại đó có thể chuyển đổi ngành; còn các bạn chưa đi thì phải tìm ngành phù hợp. Nhưng không phải nhân viên tư vấn du học nào cũng làm tốt công tác tư vấn cho phụ huynh, học sinh. Đối với du học Úc cũng vậy, học sinh cần đáp ứng đủ 2 điều kiện về ngôn ngữ và chứng minh tài chính mới được xét hồ sơ nên sẽ gặp những khó khăn đầu vào.

Theo bà Phương, công ty du học cần tìm quốc gia/chương trình và xây dựng lộ trình phù hợp để tư vấn cho người học. Như phân khúc miền Trung của Công ty tư vấn du học Bluesea, đa số học sinh sẽ hạn chế về ngôn ngữ, đầu vào tiếng Anh chưa thể bổ sung đủ thì cần tìm những quốc gia, chương trình phù hợp.

PGS.TS Dương Minh Quân nhận xét, một số công ty tư vấn du học với chất lượng tư vấn không tốt, dịch vụ được liệt kê vào dạng “ăn không nói có” đã phần nào ảnh hưởng tới những công ty tổ chức tư vấn du học uy tín và trách nhiệm. Hiện cũng chưa có đơn vị nào tiếp nhận và xử lý vi phạm đối với những tư vấn viên du học có những việc làm thiếu chuẩn mực đạo đức như tư vấn sai thông tin, thu thêm phí từ người học, phụ huynh, gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty nơi họ làm việc hoặc mạo danh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.