Dịch vụ tư vấn du học: Bức tranh sáng - tối

GD&TĐ - Thời gian qua, các doanh nghiệp tư vấn du học đã nâng cao chất lượng dịch vụ, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đọc các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Phương Thanh - người có hành vi lừa đảo tư vấn du học, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: CA TPHCM
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đọc các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Phương Thanh - người có hành vi lừa đảo tư vấn du học, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: CA TPHCM

Tuy nhiên, thị trường này còn một số tồn tại, gây thiệt hại cho học sinh và phụ huynh.

Lừa đảo tư vấn du học

Anh N.Đ.G. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) biết Nguyễn Phương Thanh (sinh năm 1988, ngụ Quận 10, TPHCM) từ năm 2011. Vào năm 2017, anh G. có nhu cầu du học Mỹ. Khi biết việc này, Thanh nói cho anh G. là mình có mối quan hệ tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ, có khả năng giúp anh được duyệt thủ tục đi du học. Thanh hứa giúp và yêu cầu anh G. nhiều lần đưa tiền cho Thanh để lo thủ tục.

Anh G. tin tưởng vào lời của Thanh nên đã báo cho mẹ là bà T.T.T.B. Sau đó, anh G. và bà B. đã chuyển tiền cho Thanh nhiều lần với tổng cộng hơn 4,5 tỷ đồng và 153 nghìn USD. Sau khi nhận tiền, Thanh không sử dụng vào việc làm thủ tục du học cho anh G. mà tiêu dùng cá nhân. Chuyển tiền cho Thanh đã lâu nhưng anh G. vẫn không được cấp visa đi du học nên mẹ con anh viết đơn tố cáo gửi Công an TPHCM.

Sau khi bị tố cáo, Nguyễn Phương Thanh không hợp tác khi làm việc, quanh co đối phó với cơ quan điều tra, sau đó thì lẩn trốn. Cơ quan công an đã tập trung xác minh, điều tra, triệu tập, ghi lời khai những người có liên quan, trưng cầu giám định tài liệu thu giữ… Kết quả xác minh cho thấy Nguyễn Phương Thanh không có mối quan hệ với Tổng Lãnh sự quán Mỹ, không có chức năng, thẩm quyền, khả năng làm các thủ tục du học như đã hứa với anh N.Đ.G

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, tháng 3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Phương Thanh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Tiếp đó, ngày 23/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thi hành Lệnh bắt bị can tạm giam đối với Nguyễn Phương Thanh để tiếp tục điều tra, tiến hành khám xét nhà của bị can, tập trung điều tra làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án; điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi của người thân, những người có liên quan, tiếp tay, giúp sức cho Nguyễn Phương Thanh thực hiện, che giấu, tiêu thụ số tiền do phạm tội mà có, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Trước đó, tháng 3/2023, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Võ Ngọc Tuấn (37 tuổi, giám đốc công ty tư vấn du học) 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Võ Ngọc Tuấn là giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty H. có trụ sở chính tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Công ty có 3 thành viên, Tuấn là người điều hành mọi hoạt động.

Dù công ty H. không có chức năng tư vấn du học, không được Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ tư vấn du học theo quy định của pháp luật nhưng từ năm 2019 đến tháng 4/2021 (thời điểm bị Công an TP Hà Nội bắt truy nã), Tuấn đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang với tổng số tiền hơn 1,27 tỷ đồng thông qua hợp đồng dịch vụ tư vấn du học tại Hàn Quốc.

Trên đây là hai ví dụ điển hình cho thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực tư vấn du học thời gian qua. Hiện nhiều cá nhân, tổ chức “ma” sử dụng thủ đoạn quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội về việc cam kết với khách hàng sẽ được học ở các trường tốp đầu, bằng cấp công nhận toàn cầu, học bổng cao, không cần chứng minh tài chính để thu hút phụ huynh, học sinh… Sau khi ký hợp đồng và thu tiền, các đối tượng lừa đảo sẽ cao chạy xa bay hoặc hứa hẹn nhiều lần, đòi thêm tiền để hoàn thiện thủ tục.

buc-tranh-sang-toi-2-6528-6944.jpg
Bị cáo Võ Ngọc Tuấn bị xét xử tại Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ tháng 3/2023. Ảnh: PLO

Hoạt động không giấy phép

Báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) được công bố tại hội thảo “Công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Trường Đại học Sài Gòn cuối tháng 9/2024 cho thấy nhiều vấn đề “nổi cộm” trong hoạt động dịch vụ tư vấn du học.

Tính đến năm 2024, số lượng tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đã đạt đến 3.423 tổ chức, với 2.860 tổ chức đang hoạt động. Một số tổ chức không hoạt động trở lại hậu Covid-19 hoặc ngừng kinh doanh do hoạt động không hiệu quả. Thống kê đến ngày 15/9/2024, có 203 tổ chức mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có số lượng tổ chức tư vấn du học lớn nhất (1.304 tổ chức tại Hà Nội và 513 tổ chức tại TPHCM). Bên cạnh đó, các địa phương như Nghệ An (150 tổ chức tư vấn du học), Đà Nẵng (95), Hải Phòng (64), Hải Dương (60) và Hà Tĩnh (53) cũng là những nơi có hoạt động tư vấn du học sôi động.

Theo Cục Hợp tác quốc tế, những năm gần đây, các doanh nghiệp tư vấn du học đã nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong việc hỗ trợ hồ sơ, xin visa, và tư vấn chương trình học bổng cho học sinh. Sự minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh được cải thiện, góp phần tạo nên môi trường tư vấn lành mạnh.

Các công ty trong lĩnh vực này đã tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, đặc biệt trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn du học cho học sinh và phụ huynh; các yêu cầu công khai của quy định; xây dựng mối quan hệ hợp tác uy tín với các trường quốc tế, giúp học sinh tiếp cận được những cơ hội giáo dục tốt nhất ở nước ngoài...

Tuy nhiên, thị trường tư vấn du học hiện có nhiều tồn tại như: Tổ chức hoạt động không có giấy phép; tư vấn không minh bạch, gây thiệt hại cho học sinh và phụ huynh; vi phạm về thu phí không đúng quy định hoặc thu phí không thực hiện tư vấn rồi bỏ trốn.

Ngoài ra, còn có các chương trình du học trá hình (đưa người ra nước ngoài trái phép); hoạt động khi chưa đủ điều kiện (không có hợp đồng với đối tác nước ngoài, thu hồ sơ và chuyển sinh viên cho các tổ chức tư vấn có trụ sở ở nước ngoài); văn phòng tư vấn du học ma (thực hiện tư vấn thông qua mạng xã hội, không có văn phòng trụ sở thực…); thực hiện kinh doanh không đạo đức (tư vấn cho học sinh và gia đình đến những cơ sở đào tạo kém chất lượng, được trả phí hoa hồng cao)...

Báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế cũng chỉ ra thực trạng, khó khăn trong việc quản lý tư vấn du học ở các địa phương. Theo đó, nhiều nơi có quy trình cấp phép hoạt động minh bạch, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty tư vấn du học. Hằng năm có văn bản chỉ đạo điều hành, chấn chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, đặc biệt nhắc nhở việc cập nhật thông tin, báo cáo năm và các số liệu cần thiết khác trên trang web.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn phát sinh trong việc thanh/kiểm tra chưa khi chưa được thực hiện đầy đủ. Hoạt động này chưa theo kịp tiến độ bùng nổ hoạt động của các công ty thực hiện tư vấn chui, hoạt động không phép trên mạng xã hội… Nhiều địa phương chưa có đội ngũ nhân sự đủ mạnh để giám sát các doanh nghiệp trên địa bàn. Một số địa phương gặp khó khăn khi các công ty tư vấn du học được thành lập ở nơi khác, nhưng tổ chức quảng cáo tuyển sinh trên địa bàn thông qua đại lý ủy quyền hoặc mạng xã hội…

buc-tranh-sang-toi-4-5453-2432.jpg
Hoạt động tư vấn du học tại Công ty TNHH Tư vấn giáo dục Thiên Sứ (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: TVDH TS

Ảnh hưởng quyền lợi người học

Tại hội thảo trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học. Về hệ thống pháp lý, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về điều kiện thành lập, hoạt động và trách nhiệm của trung tâm tư vấn du học, tạo khung pháp lý rõ ràng minh bạch, giúp các trung tâm tư vấn du học hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ đúng quy định và bảo vệ quyền lợi người học.

Công tác kiểm tra giám sát cũng được ngành Giáo dục các địa phương tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đặc biệt là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, thiếu minh bạch trong quá trình tư vấn. Cùng đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức một số hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh, người học.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, dịch vụ tư vấn du học đóng vai trò quan trọng trong kết nối thông tin, hỗ trợ người học quá trình chuẩn bị hồ sơ, xin visa... Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp đơn vị tư vấn cung cấp thông tin sai lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người học mà còn tác động xấu đến hình ảnh của các tổ chức giáo dục quốc tế, uy tín của hệ thống giáo dục Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn các công ty tư vấn nâng cao trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, chuyên nghiệp và trung thực, khách quan trong việc tư vấn. Không vì chạy theo doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp mà tư vấn không chính xác, sai lệch dẫn đến học sinh, sinh viên, phụ huynh lựa chọn trường, ngành, quốc gia không phù hợp, ảnh hưởng việc học.

Ngoài mục tiêu kinh doanh, dịch vụ tư vấn du học phải thể hiện trách nhiệm xã hội, bởi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, liên quan tới tương lai con người”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói tại hội thảo “Công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học”.

Theo điều tra của lực lượng công an qua nhiều vụ việc lừa đảo tư vấn du học, thủ đoạn được nhiều kẻ gian sử dụng là thành lập các công ty, trung tâm đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, sau đó thu tiền dịch vụ nhưng không dùng số tiền đó đúng mục đích mà tiêu xài cá nhân hoặc bán lại hồ sơ cho trung tâm khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ