Tăng cường quản lý
Thông tin từ Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), Chính phủ đã ban hành nhiều quy định để điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Các quy định này tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải có giấy phép hoạt động hợp pháp, cung cấp dịch vụ chất lượng và bảo vệ quyền lợi của người học. Đồng thời có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức vi phạm quy định, đảm bảo tất cả tổ chức đều hoạt động đúng quy định.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được sở GD&ĐT cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, có trụ sở hoạt động trên địa bàn.
Sở GD&ĐT cũng chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện thanh kiểm tra định kỳ, thanh tra khi có các vụ việc vi phạm xảy ra đối với doanh nghiệp đang hoạt động tư vấn du học. Bộ GD&ĐT thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ về công tác quản lý Nhà nước của sở GD&ĐT tại địa phương.
Theo bà Trần Thị Quỳnh Lê - phụ trách Chương trình Song ngữ và hợp tác quốc tế, Trường PTLC Phenikaa (Hà Nội), thị trường tư vấn du học tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, để thị trường này hoạt động lành mạnh, hiệu quả, việc nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ vô cùng quan trọng.
Các tổ chức tư vấn du học cần tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, minh bạch trong quy trình tư vấn, đặc biệt về học phí, chương trình đào tạo, cơ hội học bổng cho học sinh. Bên cạnh đó, các tổ chức cần đảm bảo học sinh, phụ huynh được cung cấp thông tin chính xác về trường học, chương trình học quốc tế.
Đặc biệt, công tác thanh tra và hậu kiểm cần được tăng cường. Cơ quan quản lý phải phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương, tăng cường kiểm tra định kỳ và xử lý nghiêm các vi phạm. Điều này không chỉ giúp làm trong sạch thị trường, mà còn bảo vệ quyền lợi của người học.
Việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong giám sát, quản lý dịch vụ tư vấn du học cần nâng cao tính hiệu quả, thực tiễn. Các cơ quan quản lý Trung ương, đặc biệt Bộ GD&ĐT cần xây dựng hệ thống giám sát tập trung, thống nhất; trong đó các sở GD&ĐT có thể dễ dàng cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp tư vấn du học.
“Cụ thể, hệ thống quản lý cần đảm bảo việc báo cáo định kỳ từ các doanh nghiệp tại địa phương lên cơ quan Trung ương. Việc này sẽ giúp Bộ GD&ĐT có cái nhìn tổng quan về thị trường và kịp thời phát hiện bất thường. Đồng thời, cần tăng cường đối thoại định kỳ giữa các bên liên quan để nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và giám sát dịch vụ tư vấn du học.
Việc đối thoại này cần diễn ra không chỉ giữa Trung ương và địa phương, mà còn phải có sự tham gia của các doanh nghiệp tư vấn du học, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng”, bà Trần Thị Quỳnh Lê nêu quan điểm.
Cũng nêu giải pháp, TS Nguyễn Sóng Hiền - Viện Quản lý và Công nghệ châu Âu cho rằng, cần kiểm tra chặt chẽ và đánh giá lại hoạt động của các công ty tư vấn du học hiện nay, thu giấy phép hoạt động nếu có hành vi gian dối, vi phạm. Cũng cần xây dựng lại tiêu chí mới và ban hành quy định về việc thành lập, hoạt động của lĩnh vực này phù hợp với quy định quốc tế và bối cảnh đất nước.
Yêu cầu công khai minh bạch thông tin, các khoản phí; ứng dụng công nghệ để quản lý du học sinh và hoạt động các công ty để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ của 3 Bộ quản lý lĩnh vực này, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT.
Tối ưu bằng ứng dụng công nghệ
“Ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả quản lý dịch vụ tư vấn du học”, nhấn mạnh điều này, bà Trần Thị Quỳnh Lê cho rằng, các quốc gia phát triển như Úc, Mỹ đã thành công trong áp dụng hệ thống quản lý thông minh như PRISMS hoặc SEVIS. Việt Nam có thể học hỏi mô hình này để tạo ra một hệ thống giám sát trực tuyến có tính tương tác cao giữa Bộ G&ĐT với các sở GD&ĐT và doanh nghiệp tư vấn du học.
Một gợi ý cụ thể là xây dựng cổng thông tin trực tuyến dành riêng cho hoạt động tư vấn du học. Cổng thông tin này là nơi cập nhật thông tin về các doanh nghiệp tư vấn du học, cho phép phụ huynh và học sinh tra cứu thông tin về giấy phép hoạt động, chất lượng dịch vụ và các cảnh báo về vi phạm. Đồng thời, doanh nghiệp tư vấn du học cũng có thể sử dụng cổng này để báo cáo định kỳ, nộp hồ sơ xin gia hạn giấy phép và tương tác trực tiếp với cơ quan quản lý.
Ứng dụng di động cũng có thể là một công cụ hữu ích, giúp kết nối giữa các bên một cách linh hoạt hơn. Học sinh và phụ huynh có thể sử dụng ứng dụng này để theo dõi quá trình tư vấn, tìm kiếm doanh nghiệp uy tín và nhận thông tin về các chương trình học quốc tế. Các cơ quan quản lý có thể sử dụng dữ liệu từ ứng dụng để giám sát chất lượng dịch vụ, phân tích xu hướng và dự báo sự phát triển của thị trường.
Chia sẻ về giải pháp cải thiện công tác quản lý các tổ chức tư vấn du học, đại diện Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước đối với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh tư vấn du học là một xu hướng quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, hỗ trợ các hoạt động tư vấn du học.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là quốc gia đã áp dụng thành công các hệ thống quản lý thông minh để giám sát tổ chức tư vấn du học như Mỹ, Úc, Hàn Quốc. Hệ thống quản lý trực tuyến như PRISMS tại Úc hay SEVIS tại Mỹ đã cho thấy tính hiệu quả.
“Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp tư vấn du học trở nên hiệu quả hơn, từ đó góp phần đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động minh bạch và chuyên nghiệp. Việt Nam có thể học hỏi để triển khai hệ thống quản lý tương tự nhằm tăng cường giám sát, minh bạch hóa các quy trình: Cấp phép, kiểm tra, thanh tra, giám sát, hoạt động kinh doanh, mã số nhân viên tư vấn…”, đại diện Cục Hợp tác quốc tế cho hay.
Theo đại diện Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), quy định về du học tại những nước phát triển thường yêu cầu các công ty tư vấn tuân thủ quy trình pháp lý nghiêm ngặt, bao gồm việc đăng ký, kiểm tra chất lượng dịch vụ và tuân thủ quy định về thị thực cũng như luôn áp dụng quy trình kinh doanh có đạo đức.
Một số quốc gia có hệ thống chấm điểm theo mô hình kiểm định chất lượng, đánh sao cho các công ty tư vấn du học; qua đó khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ từ những công ty có chất lượng hơn…