Dịch kéo dài, trường đại học chia nhiều đợt tuyển sinh

GD&TĐ - Để thu hút thí sinh, các trường đại học tại Nghệ An đã đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, bao gồm tuyển thẳng, kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Vinh năm 2020. Ảnh tư liệu nhà trường cung cấp.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Vinh năm 2020. Ảnh tư liệu nhà trường cung cấp.

Trước diễn biến dịch bệnh, các trường cũng kéo dài thời gian, chia nhiều đợt xét tuyển để tạo thuận lợi, cơ hội cho thí sinh.

Nhiều hình thức xét tuyển Đại học

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Hoàng Hà Anh (nguyên HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đã nhận được 3 giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội, Học viện ngoại giao và Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Hà Anh đã nộp hồ sơ xét tuyển thẳng bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học bạ. Dù không còn áp lực, nhưng tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hà Anh tiếp tục đạt điểm cao, xếp thứ 3 tỉnh Nghệ An về điểm khối D1.

Qua thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm nay, toàn tỉnh có gần 600 học sinh lớp 12 được miễn thi môn Ngoại ngữ vì đã có một trong các chứng chỉ quốc tế theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là cơ hội để các em có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học. Số lượng chủ yếu tập trung ở tại TP Vinh như: THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Hà Huy Tập... và nhiều học sinh các huyện thị khác cũng có xu hướng này.

Thí sinh Nghệ An dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Thí sinh Nghệ An dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Cô Lê Thanh Huyền – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Nhiều trường ĐH hiện ưu tiên tuyển thẳng cho học sinh có kết quả học tập cao và có năng lực ngoại ngữ. Lớp cô chủ nhiệm năm vừa rồi có 2 phần 3 học sinh đã được tuyển thẳng vào đại học. Bao gồm nhiều hình thức như kết quả thi HSG quốc gia, HSG tỉnh hoặc kết quả học tập kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. 

Ngoài ưu tiên tuyển thẳng với học sinh có thành tích học tập nổi trội và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, những năm gần đây, nhiều trường ĐH tuyển sinh bằng kết quả học bạ THPT.

Trường Đại học Y khoa Vinh năm nay áp dụng nhiều hình thức xét tuyển, trong đó có việc xét tuyển bằng kết quả học bạ. Cụ thể, năm nay trường được giao 910 chỉ tiêu. Trong đó, đã có hơn 170 thí sinh trúng tuyển đợt 1 và 131 thí sinh trúng tuyển đợt 2 theo phương thức xét tuyển nhập học ở các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Y Khoa Vinh cũng công bố ngưỡng điểm đầu vào các ngành theo tổ hợp môn thi Tốt nghiệp THPT. Cao nhất là ngành Y khoa với 23 điểm và thấp nhất là Y học dự phòng với 15 điểm. Các ngành còn lại dao động từ 19 đến 21 điểm.

Chia nhiều đợt, kéo dài thời gian tuyển sinh

Theo TS. Nguyễn Quốc Đạt - Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Y khoa Vinh, năm nay, trường giữ nguyên các phương án như năm 2020 với 3 phương án xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ và xét tuyển thẳng.

Hiện kế hoạch và phương án tuyển sinh của nhà trường đã công bố và thực hiện đúng theo kế hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian tuyển sinh kéo dài. Phương án của nhà trường là nếu dịch bệnh đang kéo dài nhà trường sẽ đưa ra phương án xét tuyển học bạ cho nhiều đợt.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, nhà trường sẽ tuyển sinh theo đúng quy định của Bộ, đảm bảo theo đúng quy định của ngưỡng đầu vào. Trong đó, ngành Y khoa và Dược học sẽ không xét tuyển theo hình thức học bạ mà lấy theo kết quả thi tốt nghiệp thi tốt nghiệp THPT.

Riêng ngành Y khoa gồm 400 chỉ tiêu hiện, có 1 thí sinh được tuyển thẳng, 1 em trúng tuyển qua bài thi đánh giá năng lực (do ĐHQG Hà Nội tổ chức). Số còn lại sẽ xét kết quả thi tổ hợp khối B00 tại kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021, dự kiến điểm chuẩn là 25.

Việc đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học nhà trường sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến để thuận lợi cho thí sinh và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh khi tham gia xét tuyển.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại vào Trường ĐH Vinh. Ảnh tư liệu nhà trường cung cấp.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại vào Trường ĐH Vinh. Ảnh tư liệu nhà trường cung cấp.

Năm 2021, Trường Đại học Vinh tuyển sinh 6.200 chỉ tiêu cho 58 ngành đào tạo, trong đó có một ngành mới được mở là Khoa học và Dữ liệu thống kê. Để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, năm nay trường thực hiện 5 phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét học bạ, lấy kết quả từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét theo kết quả kiểm tra năng lực của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển theo môn năng khiếu.

Theo thống kê, thời gian qua trường có 7.000 nguyện vọng đăng ký dựa theo kết quả học tập bậc THPT và trên 20.000 nguyện vọng đăng ký dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau thời gian điều chỉnh nguyện vọng, số lượng không biến động đáng kể.

Hiện Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Vinh đã họp và quyết định công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) các ngành đào tạo theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên, mức điểm sàn bằng mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm do Bộ GD&ĐT ban hành (19 điểm), ngành Giáo dục Thể chất (18 điểm).

Một số ngành cao hơn: Sư phạm tiếng Anh lớp tài năng 24 điểm (môn tiếng Anh đạt từ 8.0 điểm trở lên, nhân hệ số 2); Sư phạm Toán học chất lượng cao 22 điểm; Giáo dục Tiểu học 22 điểm; các ngành Sư phạm tiếng Anh (Tiếng Anh nhân hệ số 2), Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn và Giáo dục Mầm non (điểm năng khiếu nhân hệ số 2) là 21 điểm.

Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo cử nhân, kỹ sư, mức điểm sàn dao động từ 16-18 điểm. Riêng ngành Điều dưỡng, mức điểm sàn là 19 điểm.

GS.Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, nhìn chung số lượng thí sinh đăng ký vào nhà trường cao hơn các năm trước. Trước diễn biến dịch bệnh, nhà trường cũng chủ động kéo dài kế hoạch tuyển sinh đến ngày 31/12, chia thành nhiều đợt và đợt 1 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 15/9.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.