Tuyển sinh 2021: Sẵn sàng hỗ trợ các trường xét tuyển, lọc ảo

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các trường hạn chế nguyện vọng ảo bằng việc xây dựng hệ thống xét tuyển và lọc ảo chung toàn quốc.

Thí sinh và phụ huynh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG
Thí sinh và phụ huynh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG

Ngoài ra, còn có 2 nhóm xét tuyển, lọc ảo là: Phía Bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và phía Nam do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì.  

Sẵn sàng vào cuộc

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết: Năm nay, có 54 trường từ Hà Tĩnh trở ra tham gia vào nhóm xét tuyển phía Bắc, tăng 2 trường so với năm 2020. Ngày 23/8, nhà trường tập huấn cho đội ngũ kỹ thuật của các trường, đặc biệt đối với trường mới tham gia hoặc cán bộ mới.

Khác với hệ thống xét tuyển, lọc ảo chung toàn quốc của Bộ GD&ĐT, đây là nhóm các trường phía Bắc tham gia nên có tính chất nội bộ. Tuy nhiên, về cơ bản trong nhóm sẽ không có thí sinh ảo. Phần mềm làm việc theo nguyên tắc: Xét nguyện vọng của thí sinh đến khi nào trúng tuyển thì ngừng. Như vậy, sẽ không có trường hợp thí sinh trong nhóm trúng tuyển nhiều ngành, nhiều trường, mà chỉ có thể trúng tuyển 1 ngành của 1 trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, tham gia nhóm xét tuyển miền Bắc, các trường sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức trong lọc ảo. Ngoài ra, cơ sở GD có thể thay đổi phương án xét tuyển linh hoạt và được thực hiện bằng phương thức trực tuyến. Căn cứ chỉ tiêu, số lượng đăng ký xét tuyển nguyện vọng, phần mềm sẽ xử lý, xác định điểm chuẩn và tìm ra những thí sinh trúng tuyển.

“Hệ thống phần mềm này sẽ giúp 54 trường thành viên tốn ít công sức nhất trong việc đảm bảo chỉ tiêu và điểm chuẩn. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ ảo trong toàn miền Bắc và hỗ trợ giảm tải lọc ảo cho Bộ GD&ĐT” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền trao đổi, đồng thời cho biết: So với năm ngoái, cơ chế, nguyên tắc làm việc của phần mềm xét tuyển, lọc ảo không thay đổi.

Với 89 trường tham gia nhóm xét tuyển phía Nam, TS Nguyễn Thị Hảo - Phó Trưởng ban Đại học (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) - cho hay: Công tác chuẩn bị cho xét tuyển và lọc ảo của nhóm trường phía Nam đã cơ bản hoàn tất, từ việc thành lập ban điều hành, tổ chuyên môn, tổ kỹ thuật… cho đến xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của nhóm, xây dựng kế hoạch xét tuyển nhóm phù hợp với kế hoạch của Bộ.

Theo TS Nguyễn Thị Hảo, với việc tham khảo số liệu phần mềm lọc ảo chung của nhóm, các trường sẽ đưa ra điểm chuẩn phù hợp. Điều này giúp thí sinh không bị “trượt oan” và đơn vị tham gia xác định được dự kiến các mức và tỉ lệ gọi trúng tuyển.

Ảnh minh họa: gdtd.vn
Ảnh minh họa: gdtd.vn

Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 trường duy nhất

Nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT tiếp tục có những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các trường trong việc hạn chế thí sinh ảo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ: Bộ đã xây dựng hệ thống xét tuyển, lọc ảo chung toàn quốc, cùng với 2 nhóm xét tuyển, lọc ảo phía Bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và phía Nam do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì.

Quy chế tuyển sinh cũng quy định các trường nhập thông tin/ danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học lên hệ thống để không tham gia xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trên thực tế, một thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, ngành khác nhau nhưng qua hệ thống lọc ảo chung, thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất vào 1 trường đại học với nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể. Với những quy định và sự hỗ trợ này, các trường hoàn toàn có thể yên tâm, không gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.

Việc xét tuyển, lọc ảo, nhà trường cần thực hiện đầy đủ các bước theo thời gian quy định, bảo đảm tính đồng bộ toàn hệ thống. Các trường phải tuân thủ thời gian lọc ảo của Bộ GD&ĐT và nguyên tắc: Đến thời gian lọc ảo ở lần tiếp theo nếu trường không tải kết quả dự kiến để lọc ảo thì hệ thống sẽ sử dụng kết quả dự kiến ở bước lọc ảo trước đó để lọc.

Tuy nhiên, các trường cần lưu ý, phần mềm lọc ảo chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống, không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà trường đã xác định.

Các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, điểm trúng tuyển vào ngành/ nhóm ngành đào tạo của trường. Nếu trường xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì đơn vị và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Điều 29 của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Những trường tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.

Theo kế hoạch, xét tuyển và lọc ảo được thực hiện từ 13/9 - 15/9. Các nhóm trường xét tuyển, lọc ảo và tất cả các trường (trong và ngoài nhóm trường xét tuyển) phải chủ động trong quá trình tuyển sinh và tương tác với phần mềm xét tuyển, lọc ảo theo lịch chung.

Đặc biệt, các trường phải tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định: Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống) sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 15/9, nhà trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.

Tương tự như năm 2020, trong đợt 1 xét tuyển năm 2021 thí sinh chỉ trúng tuyển vào một trường duy nhất, do vậy chỉ còn tỉ lệ ảo do thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

Theo kế hoạch, từ  23/8 - 25/8 sẽ thực hành phần mềm xét tuyển và lọc ảo. Từ 13 - 15/9, chính thức thực hiện xét tuyển và lọc ảo toàn quốc, thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo quy chế tuyển sinh. Trước 17 giờ ngày 16/9, sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Để danh sách thí sinh trúng tuyển sát với chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường, nhóm trường xét tuyển: Bố trí cán bộ có kinh nghiệm trong việc thống kê số liệu, phân tích dữ liệu, xử lý thông tin… về tuyển sinh, để kiểm soát tỉ lệ thí sinh ảo phù hợp với từng trường, ngành/ nhóm ngành đào tạo và quy trình tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ