Dịch Covid-19 trở lại: Trường vùng khó bộn bề nỗi lo

GD&TĐ - HS nhiều địa phương được nghỉ học sớm để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu công tác phòng chống dịch chủ động bao nhiêu thì nỗi lo dạy học sau Tết vẫn bộn bề nếu dịch bùng phát trở lại.

Nhiều trường học đã tập huấn kĩ càng cho GV dạy học trực tuyến. Ảnh: IT
Nhiều trường học đã tập huấn kĩ càng cho GV dạy học trực tuyến. Ảnh: IT

Chủ động phòng chống dịch

Cô Hoàng Thị Hương – GV Trường PTDTBT Tiểu học Sủng Trái (Đồng Văn – Hà Giang) cho biết: HS của trường nghỉ học từ ngày 1/2 để phòng chống dịch. Tuy nhiên, đội ngũ GV vẫn túc trực tại trường để dọn dẹp vệ sinh trường lớp.

Mặt khác, do HS nghỉ học từ thứ 6 tuần trước và chưa kịp trở lại trường tuần này nên việc dặn dò HS phòng chống dịch không tiến hành trực tiếp nên nhà trường đang tích cực triển khai thông qua các kênh kết nối, từ Zalo, Facebook… để hướng dẫn HS cách phòng dịch tại nhà.

Thầy Nông Văn Ninh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Pò Tấu (Trùng Khánh – Cao Bằng) cũng thông tin: Sáng 1/2 HS của trường nghỉ phòng chống dịch và nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trường vẫn huy động 100% cán bộ, GV, nhân viên đến trường khử khuẩn trường lớp, dọn dẹp vệ sinh các khu vực từ trường lớp, sân chơi, khu vệ sinh…

Nhà trường cũng yêu cầu GV chủ động, tích cực tuyên truyền đến HS việc phòng chống dịch tại gia đình. Yêu cầu HS không có việc không rời khỏi nơi cư trú; khi sức khỏe có biểu hiện bất thường cần khai báo y tế và thông báo tới trường để GV, nhà trường có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Ban giám hiệu yêu cầu GV, HS không chủ quan. Nâng cao khả năng ứng phó, phòng chống dịch.

Thầy Nguyễn Đức Nguyện – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 3 Võ Lào (Văn Bàn – Lào Cai) thông tin: HS vẫn đi học bình thường vì chưa có chủ trương cho HS nghỉ học phòng chống dịch của ngành GD-ĐT Lào Cai. Để làm tốt công tác phòng chống dịch cho GV, HS nhà trường tiến hành đo thân nhiệt HS trước khi vào lớp, tăng cường cồn rửa tay, khuyến cáo HS đeo khẩu trang trong lớp cũng như khi đi ra khỏi trường...

HS Trường Tiểu học số 3 Võ Lào (Văn Bàn – Lào Cai) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: NTCC
HS Trường Tiểu học số 3 Võ Lào (Văn Bàn – Lào Cai) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: NTCC

Bộn bề nỗi lo

Thầy Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) khẳng định: Nếu Covid-19 bùng phát trở lại, HS phải nghỉ học, việc triển khai dạy học trực tuyến đối với nhà trường vẫn bất khả kháng.

Nguyên nhân thầy Tùng chỉ ra: Trường có 8 điểm lẻ, 1 điểm chính thì có tới 6 điểm trường không có sóng điện thoại; nhiều khu vực không có cả sóng điện thoại lẫn điện lưới. 70% người dân thuộc hộ nghèo, 97% HS dân tộc Mông. Ngoài ra, năng lực triển khai dạy học trực tuyến chỉ có một số GV dân tộc Kinh, còn lại hơn nửa số GV người dân tộc khó có thể cập nhật công nghệ.

Do đó giải pháp duy nhất để duy trì dạy và học đối với HS vẫn theo “truyền thống” là giao bài tập và mang đến tận nhà cho số HS nhà xa không có điện thoại, điện lưới, sóng điện thoại. Với HS sinh sống ở vùng có sóng điện thoại có thể giao bài qua nhóm Zalo của phụ huynh.

Tuy nhiên điều thầy Tùng lo lắng hơn cả đó là HS khối 1 triển khai Chương trình, SGK lớp 1 mới vừa bước sang học kỳ II. Nếu tính cả nghỉ Tết và  phòng chống dịch cũng vào 3 tuần. Như vậy, với HS dân tộc việc quên kiến thức không thể tránh. GV rất vất vả, mất thời gian trong việc bổ trợ sau này.

Cô Hoàng Thị Hương cũng cho rằng việc triển khai dạy học trực tuyến rất khó khăn. Với địa hình đồi núi, nhiều nhà dân chưa có sóng điện thoại, không ít gia đình HS nghèo không có điện thoại, thậm chí không có điện. “Đợt dịch Covid-19 năm ngoái chúng tôi phải giao bài, chữa bài tại nhà cho HS. Năm nay nếu HS phải nghỉ dịch chắc chắn vẫn phải triển khai như vậy…” – cô Hương nói.

Theo thầy Nông Văn Ninh – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Pò Tấu (Trùng Khánh – Cao Bằng), nhà trường đã tập huấn cho GV hình thức dạy học trực tuyến từ năm 2020. Tuy nhiên dạy học theo hình thức này có tới 99% không thành công bởi 100% HS dân tộc Tày, Nùng, đời sống người dân khó khăn. Phần lớn điện thoại phụ huynh không có 3G, một số ít có điện thoại thì sóng bập bõm… Hiện nhà trường vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ