Trường vùng khó tự tin nhập cuộc triển khai Chương trình, SGK lớp 1 mới

GD&TĐ - Triển khai Chương trình (CT) và SGK lớp 1 mới, với nhiều trường vùng cao, dù điều kiện triển khai còn khó khăn, thách thức… nhưng đã ghi nhận sự nỗ lực và tự tin của ban giám hiệu (BGH), giáo viên (GV). 

Giờ học của cô trò Trường TH Long Hòa 1, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Ảnh: IT
Giờ học của cô trò Trường TH Long Hòa 1, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Ảnh: IT

Biến khó khăn thành động lực

Thầy Nguyễn Văn Lục - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (huyện Bắc Hà, Lào Cai) chia sẻ: Trường thuộc vùng cao, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, HS dân tộc chiếm 100%, không có tuần học làm quen... song BGH, GV cùng xác định đổi mới giáo dục sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn nhất định. Điều quan trọng là không để khó khăn cản trở mà phải biến thành động lực… trên cơ sở đó BGH, GV luôn nỗ lực tìm giải pháp triển khai CT và SGK lớp 1 mới hiệu quả nhất.

Thầy Lục cho biết thêm: Với phương châm “Dạy đâu chắc đó, học đâu biết đó”, nhà trường triển khai hàng loạt giải pháp, từ tăng cường tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho khối lớp 1 để GV phát huy hiệu quả từng tiết học, giúp HS nhanh chóng nắm bắt kiến thức. Với đồ dùng thiết bị dạy học còn thiếu, một mặt tận dụng lại thiết bị năm học trước, mặt khác yêu cầu GV tự làm từ nguyên vật liệu sẵn có, quen thuộc tại địa phương để bổ sung.

Trong quá trình dạy học, BGH, tổ chuyên môn tăng cường dự giờ thăm lớp, cùng GV rút kinh nghiệm các tiết dạy. Với bất kỳ vướng mắc nào GV đều có thể gọi điện trao đổi với hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn để tháo gỡ giải quyết lập tức. Nhà trường cũng cử GV tin học hỗ trợ GV lớp 1 tìm kiếm tài liệu dạy học từ trên mạng, giúp GV tự bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, kĩ năng.

Đặc biệt, BGH trường còn tăng cường GV môn phụ (Tin học, Mĩ thuật…) cùng vào lớp hỗ trợ cho GV lớp 1 để kèm cặp HS đánh vần, viết... Giao quyền chủ động cho GV lớp 1 trong việc phân bổ hợp lý CT để tránh gây quá tải cho HS.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: NTCC

Nhà trường quán triệt, với những HS có tiếp thu chậm, GV có thể tăng cường thêm thời gian, đề ra phương pháp kèm cặp riêng. HS chưa học tốt phần nào thì rèn luyện trọng tâm phần đó cho thật tốt. Chỉ khi nào HS học chắc những nội dung, yêu cầu kiến thức mới chuyển sang dạy phần tiếp theo. Việc triển khai hoàn toàn linh hoạt, chủ động miễn sao đạt được yêu cầu cuối năm đối với HS lớp 1.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (huyện Quản Bạ - Hà Giang), GV dạy lớp 1 nhận được sự hỗ trợ tích cực khi BGH, tổ chuyên môn quan tâm, theo sát việc dạy học thông qua dự giờ thăm lớp. Trên cơ sở nắm bắt tình hình, nhà trường thường xuyên sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời về thời lượng, yêu cầu, phương pháp dạy học… sao cho phù hợp nhất với đối tượng HS trong từng lớp học.

Đặc biệt, Phòng GD&ĐT Quản Bạ triển khai nhóm cốt cán về từng trường dự giờ, hỗ trợ GV dạy lớp 1. Bất kỳ thắc mắc về chuyên môn, khó khăn trong soạn bài, kinh nghiệm phương pháp dạy học đều được nhóm cốt cán giải đáp và cùng chia sẻ, bàn bạc để tìm ra phương hướng dạy học tốt nhất.

Cô Nguyễn Thị Hường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (huyện Si Ma Cai – Lào Cai) trao đổi: Các hoạt động dự giờ thăm lớp, tháo gỡ khó khăn bỡ ngỡ, chia sẻ kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch chương trình… từ sở, phòng, BGH nhà trường đang diễn ra. Hoạt động này giúp GV lớp 1 nâng cao năng lực, kiến thức, kĩ năng trong quá trình giảng dạy.

Theo cô Nguyễn Thị Hường, hiện thiết bị dạy học chưa hoàn thiện nhưng đó không phải rào cản để không thực hiện được việc dạy học hiệu quả. Nhà trường vẫn chỉ đạo tận dụng lại các trang thiết bị dạy học năm học trước, mặt khác GV sẽ tăng cường làm đồ dùng dạy học và đưa vào bài dạy khi cần.

Cô và trò HS lớp 1C Trường Tiểu học Pom Hán (TP Lào Cai – Lào Cai) trong tiết Tiếng Việt. Ảnh: NTCC
Cô và trò HS lớp 1C Trường Tiểu học Pom Hán (TP Lào Cai – Lào Cai) trong tiết Tiếng Việt. Ảnh: NTCC 

Tự tin sẽ về đích

Thầy Nguyễn Văn Lục khẳng định: “Bước sang tuần thứ 6 triển khai SGK lớp 1 nhưng 7 GV trực tiếp dạy lớp 1 chưa có bất cứ 1 phàn nàn, phản ánh khó khăn hay áp lực nào. Việc triển khai CT, SGK mới tại Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố diễn ra bình thường và hoàn toàn chủ động”.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hường bày tỏ: So với CTGDPT hiện hành, CTGDPT 2018 và SGK lớp 1 mới GV chỉ bỡ ngỡ triển khai ban đầu một chút. Mọi khi SGK là pháp lệnh, GV cứ triển khai theo tuần tự từng bước theo hướng dẫn còn hiện nay GV được hoàn toàn tự chủ.

Hơn 1 tháng triển khai CT, SGK lớp 1 mới HS có thể theo kịp yêu cầu chung của CT. Khi HS học 2 buổi/ngày, mỗi tuần nhà trường có 7 tiết tăng cường, như vậy bài nào dài, khó HS chưa tiếp nhận hết chỉ cần dùng thêm 1 tiết tăng cường để luyện tiếp là HS có thể nắm bắt đủ kiến thức.

Với tiến độ triển khai như hiện nay, cô Nguyễn Thị Hường tự tin cho rằng, việc triển khai CT và SGK lớp 1 mới tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng sẽ hoàn thành mục tiêu, yêu cầu vào cuối năm học.

Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (huyện Quản Bạ - Hà Giang) cũng chia sẻ: Với 100% HS dân tộc Mông chưa thành thạo tiếng phổ thông, việc “bắt nhịp” với SGK lớp 1 (đặc biệt ở môn Tiếng Việt) không thể nhanh như HS vùng thành phố, thuận lợi. Tuy nhiên do trường đã triển khai sách Công nghệ giáo dục những năm học trước, việc tiếp cận CT, SGK lớp 1 mới năm nay không quá khó khăn và không quá tải.

Những tuần đầu HS có thể bắt nhịp chưa tốt, nhưng 1 - 2 tháng nữa khi việc nghe nói, đọc viết của HS khối lớp 1 vững vàng, ổn định sẽ không khó để các em đạt được những yêu cầu chung về đọc viết của chương trình vào cuối năm học. - Thầy Tạ Văn Kha 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.