Sẵn sàng chiến đấu với dịch
Mới đây, tại cuộc họp giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch với các địa phương, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long, phát biểu:
“Đến nay, chưa có bất cứ đánh giá nào đầy đủ của các nước trên thế giới về dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhìn chung, có thể thấy ta rất khó khăn trong cuộc chiến chống dịch. Nhiều dự báo cho thấy, dịch có thể kéo dài tới cuối năm 2021 mới hết.
Điều này có nghĩa là chúng ta luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu với dịch. Hiện, chưa có vắc-xin nào được đăng ký chính thức lưu hành trên thế giới. Do đó, việc tiếp cận vắc-xin phòng chống dịch của các nước là thách thức rất lớn”.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, mặc dù đã nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập luôn thường trực.
“Đây là thời điểm quan trọng để chúng ta chuẩn bị và triển khai tất cả biện pháp chống dịch. Bởi, mùa đông năm nay dự báo là rất khốc liệt trong chống dịch Covid-19. Nhiều quốc gia đã phát hiện ca bệnh xâm nhập trở lại và lây nhiễm ra cộng đồng”, quyền Bộ trưởng cảnh báo.
Việt Nam vẫn giữ 5 nguyên tắc phòng, chống dịch là: Ngăn chặn; Phát hiện; Cách ly; Khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả. Hiện tại, nguyên tắc quan trọng nhất là phát hiện, ngăn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Vấn đề tiếp theo là giám sát phát hiện các ca bệnh.
Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả kịch bản phòng chống dịch. Nếu dịch xảy ra tại bệnh viện, sẽ có phương án xử lý thế nào? Nếu dịch xảy ra ở một địa phương của miền núi thì sẽ thế nào? Ngoài ra, Sở Y tế các địa phương cũng cần đưa ra phương án ứng phó với các tình huống, bao gồm: Khoanh vùng, truy vết, cách ly nhanh chóng, triệt để.
Ngăn chặn dịch từ bên ngoài
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, hiện tại, việc ngăn chặn dịch từ bên ngoài rất quan trọng. Nhóm cần đặc biệt quan tâm là chuyên gia nước ngoài, những người hồi hương, nhập cảnh.
Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương, nhất là khu vực có cửa khẩu, phối hợp với biên phòng giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực xét nghiệm. Các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, tránh bỏ lọt người có nguy cơ. Cơ sở không đủ năng lực xét nghiệm phải lấy mẫu, gửi nơi đủ điều kiện thực hiện.
Bộ Y tế lưu ý, việc truy vết, bắt buộc cách ly tập trung tất cả trường hợp F1 là yếu tố “sống còn” trong chống dịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thành lập tổ phòng chống dịch.
“Các địa phương đừng nghĩ rằng dịch đang ở đâu xa. Phải xác định là dịch sẽ xảy ra ngay trên địa bàn để chủ động đề ra các phương án chống dịch”, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các địa phương cũng cần cập nhật thông tin về cơ sở cách ly. Chỉ những cơ sở lưu trú nào được cập nhật trên hệ thống mới được sử dụng cách ly.
Những trường hợp khác phải có ý kiến của Ban Chỉ đạo. Cán bộ y tế phải cập nhật kết quả xét nghiệm của người cách ly trên tờ khai y tế điện tử. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiến hành đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư chống dịch, tránh bị động khi dịch xảy ra trên địa bàn.
Tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp được cho là “xu hướng chung” tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Mỹ, số ca nhiễm bắt đầu tăng vọt trở lại trên toàn quốc từ tháng 9.
Các nhà dịch tễ học trên thế giới đã bày tỏ lo ngại trước tình huống này. Đặc biệt là khi mùa lạnh đến gần - thời gian mọi người ở trong nhà nhiều hơn so với mùa hè. Một mùa đông Covid-19 kinh hoàng được dự báo là sẽ xảy ra.
Trên thế giới, ít nhất 73 quốc gia đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. Đơn cử như tại Ấn Độ - quốc gia hơn tỉ dân. Tại nước này, có tới hơn 90.000 ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày.
Ở châu Âu, tình hình đang chuyển biến xấu hơn, khi người dân quay lại nhịp sống bình thường. Trong khi đó, Israel đã quyết định phong tỏa toàn quốc lần hai do số ca mắc Covid-19 tăng đột biến.