Du lịch Việt Nam chuẩn bị kịch bản nào cho sự “tái xuất”?

Trước thực trạng tê liệt và cần “cấp cứu” của ngành Du lịch, nếu không nhanh chóng hành động quyết liệt; xây dựng, triển khai các kịch bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó thì có nguy cơ “vỡ trận”...

Hỗ trợ tiếp cận gói hỗ trợ

Theo thống kê sơ bộ từ Hội Hướng dẫn viên (HDV) du lịch Đà Nẵng, khoảng 900 hội viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong đợt 1 và số lượng hội viên nộp hồ sơ, được nhận tiền hỗ trợ ít. Từ kiến nghị của đợt dịch bệnh trước các hội viên đều được miễn đóng phí hội viên đến hết năm 2020. Giai đoạn dịch bệnh này, Hội cũng mong muốn các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ đúng đối tượng. Nhiều HDV tự do không được hưởng các chế độ, bảo hiểm thất nghiệp nên cuộc sống bấp bênh.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng nhận định, so với dịch bệnh lần trước, doanh nghiệp du lịch đã khó còn khó gấp nhiều lần và chỉ ra rằng, đợt dịch trước doanh nghiệp du lịch vẫn chưa tiếp cận được những gói hỗ trợ của Chính phủ. Với tình trạng bi đát như hiện nay, ngành Du lịch chắc chắn ảnh hưởng tới hết năm và cả sang năm 2021. Trong khi đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã làm hồ sơ, trao đổi với các cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa có công ty nào được nhận hỗ trợ. Với gói hỗ trợ của Chính phủ, các công ty lữ hành, người lao động trong ngành Du lịch vẫn chưa tiếp cận được.

Đánh giá từ Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch đang chịu ảnh hưởng kép, chịu tiếp một cú “đấm bồi” khi dịch bệnh khiến lượng khách hủy tour lên đến 95% - 100% cuối tháng 7 và tháng 8 là cao điểm du lịch nội địa hè. “Từ đây đến cuối năm 2020, ngành Du lịch “án binh bất động”, tùy theo tình hình thực tế mới có những kế hoạch chuẩn bị hay triển khai”. Ông Lại Văn Quân - Trưởng phòng Du lịch Cty du lịch Tricolour cho biết, các công ty và nhân viên nếu không đóng cửa, nghỉ việc thì gần như là “ngồi không” suốt thời gian qua.

Bà Nguyễn Thanh Trang - CEO Cty Du lịch Travel to Old - kỳ vọng với đề xuất, Chính phủ nên giảm hoàn toàn thuế thu nhập, thuế VAT, giảm chi phí điện nước, viễn thông đến hết năm 2020. Cần tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay, giãn trả nợ cho vay mới vì áp lực về nợ vay của các doanh nghiệp ngành du lịch.

Nhiều địa phương lên kịch bản kiến nghị, đề xuất

Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có hàng loạt kiến nghị, đề xuất với Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, như giảm 50% thuế VAT, 100% thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất đến hết năm 2020; Tiếp tục áp dụng chính sách giảm chi phí điện, nước (đã dừng từ ngày 30.6) ít nhất đến hết năm 2020; Giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện các khoản vay mới; Điều chỉnh điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ; Hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm xã hội đến thời điểm này; Đề xuất Tổng cục Du lịch nghiên cứu giảm khoản tiền ký Quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành, ít nhất đến hết năm 2021.

Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vừa có văn bản gửi Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phòng Công nghiệp - Thương mại Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VHTTDL, Hội doanh nghiệp Quảng Nam đề nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp, vừa và nhỏ rơi vào cảnh kiệt quệ, không còn khả năng tồn tại còn các doanh nghiệp lớn chỉ giữ lại rất ít lao động chủ chốt và đối diện với nguy cơ phá sản.

Hiệp hội kiến nghị nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ 5 nhóm vấn đề sau: Hỗ trợ người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động sau ngày 1.4 đến 30.6.2020; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động trong gói 62.000 tỉ đồng; Giảm thuế VAT, thuế doanh thu, tiền thuế đất và thuê nhà thầu; Các chính sách ngân hàng về khoanh nợ, hạ lãi suất; Hỗ trợ đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực lao động ngành Du lịch hậu COVID-19.

Sở Du lịch TPHCM cũng lên kế hoạch chuẩn bị 2 kịch bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động trong thời gian sớm nhất khi dịch bệnh được kiểm soát. Đáng chú ý là khi dịch bệnh được khống chế trong tháng 9 sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình kích cầu nội địa, đồng thời xây dựng sản phẩm mới, hấp dẫn nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Với kịch bản 2 là khi dịch bệnh kéo dài đến hết năm, cần phải tập trung vào giải pháp tái cơ cấu, hoàn thiện cơ sở vật chất và đào tạo lại nguồn nhân lực…

Thông tin từ bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó GĐ Sở Du lịch TPHCM - thời gian tới sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch, hỗ trợ du khách tự thiết lập các chương trình tour bao gồm đặt phòng, đặt vé máy bay… thông qua công nghệ số.

Theo laodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ