Bệnh mới
Cho đến thời điểm này, Zika vẫn được coi là bệnh mới ở nước ta bởi đến nay mới có 3 trường hợp mắc. Hai trường hợp trước ở TPHCM, Khánh Hòa mắc bệnh vào tháng 4/2016.
Thông báo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, bệnh nhân thứ 3 mắc Zika ở Phú Yên. Bệnh nhân 27 tuổi, có biểu hiện bệnh từ ngày 27/6 với triệu chứng sốt, đau cơ, đau khớp, sau đó xuất hiện thêm ban đỏ dạng chấm toàn thân. Bệnh nhân có đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa (Phú Yên). Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết nên đã lấy mẫu máu gửi xét nghiệm song kết quả âm tính với sốt xuất huyết. Đầu tháng 7, bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện về nhà.
Nghi ngờ bệnh nhân mắc Zika, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục gửi mẫu máu đến Viện Pasteur Nha Trang. Đến cuối tháng 7, viện này có kết luận mẫu máu của bệnh nhân dương tính với virus Zika. Kể từ ca mắc đầu tiên, sau hơn 3 tháng lại có bệnh nhân mới. Cả 3 bệnh nhân đều khỏi sau đó. Như vậy, tính đến thời điểm này, Phú Yên có cả bệnh nhân sốt xuất huyết và Zika. Cho đến thời điểm này vẫn chưa xác định được con đường lây bệnh Zika của bệnh nhân. Do vậy, Sở Y tế tỉnh Phú Yên thực hiện các biện pháp mang tính dự phòng như giám sát, khoanh vùng tại nhà bệnh nhân và các hộ dân xung quanh nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
Y tế địa phương cũng đã tiến hành tổng vệ sinh, diệt bọ gậy và phun hóa chất tại 154 hộ dân trong vòng bán kính 250m xung quanh nhà bệnh nhân. Sở Y tế Phú Yên đang tiếp tục triển khai công tác điều tra, giám sát để phát hiện các trường hợp nghi ngờ bệnh do virus Zika nhằm ngăn chặn kịp thời...
Lo dịch chồng dịch
Cũng như sốt xuất huyết, Zika liên quan đến vật trung gian truyền bệnh là muỗi. Phần lớn bệnh nhân mắc Zika đều ở thể nhẹ, kể cả với trẻ nhỏ. Zika chỉ đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ đang mang thai bởi hội chứng đầu nhỏ mà virus này gây ra cho thai nhi. Hiện ở các nước có dịch bùng phát, ngành Y tế khuyến cáo phụ nữ tạm hoãn sinh con và có một số người phải bỏ thai do mắc virus trên.
Ở nước ta, 1/3 bệnh nhân mắc Zika từng mang thai ở tháng đầu. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra những lần sau cho thấy thai nhi phát triển không bình thường nên người mẹ chủ động đình thai. Như vậy, cho đến thời điểm này chưa tìm thấy sự liên quan giữa bệnh đầu nhỏ và Zika ở nước ta. Thông tin của Bộ Y tế cũng cho thấy, chủng virus Zika ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng không có nguy cơ lây lan lớn cũng như không gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
Tuy nhiên, do cùng liên quan đến muỗi nên sự xuất hiện của bệnh nhân mắc Zika cũng dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát dịch bởi muỗi đang tồn tại và phát triển ở nhiều nơi. Với khoảng 10 ngàn người mắc sốt xuất huyết chứng tỏ sự hùng mạnh của vật trung gian truyền bệnh. Và khi sốt xuất huyết, Zika cùng tồn tại thì dịch nối dịch hoàn toàn có thể xảy ra.
Để chủ động phòng tránh Zika lẫn sốt xuất huyết, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy, ngủ màn tránh muỗi đốt… là cách ngừa hai bệnh trên hữu hiệu nhất. Không có loăng quăng, bọ gậy sẽ không có muỗi. Không có muỗi thì nguy cơ mắc bệnh liên quan như sốt xuất huyết, Zika, viêm não Nhật Bản, sốt rét… cũng hầu như không còn. Bên cạnh đó, người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.
Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe. Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền virus Zika qua đường tình dục.
- Trong bối cảnh sốt xuất huyết, Zika cùng tồn tại, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp đáp ứng và phòng chống dịch Zika trên địa bàn tỉnh Phú Yên và các tỉnh, thành khác trên cả nước.