Dịch bệnh và nỗi khổ của sinh viên năm cuối: Đứt gãy nguồn cung

GD&TĐ - Dịch bệnh khiến sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng không ra trường đúng hạn, trong đó có các sinh viên sư phạm.

Sinh viên Trường ĐHSP Đà Nẵng. Ảnh minh họa/ITN
Sinh viên Trường ĐHSP Đà Nẵng. Ảnh minh họa/ITN

Việc đứt gãy nguồn cung là một trong những nguyên nhân khiến thiếu nguồn tuyển giáo viên tại một số địa phương, cơ sở giáo dục.

Lo nguồn tuyển

Đến cuối năm học 2020 - 2021, theo định mức biên chế cho phép, toàn ngành Giáo dục Bình Dương còn thiếu 1.660 giáo viên; trong đó có 266 giáo viên mầm non, 433 giáo viên tiểu học, 831 giáo viên THCS và 130 giáo viên THPT. Năm học 2021 - 2022, toàn ngành thiếu 3.070 giáo viên và 441 viên chức khác. Để giải quyết tình trạng này, sở GD&ĐT đã tham mưu tổ chức tuyển dụng viên chức với 1.104 chỉ tiêu.

Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Bình Dương thông tin: Công tác tuyển dụng giáo viên tại địa phương gặp không ít khó khăn. Số giáo viên tuyển dụng được năm nay ở mức 500, tức khoảng 50% chỉ tiêu. Đơn cử, giáo viên mầm non tuyển 313 chỉ tiêu, nhưng chỉ có 53 hồ sơ dự tuyển và cuối cùng có 38 người trúng tuyển. Các bậc học khác cũng trong tình trạng tương tự, nhưng không thiếu nhiều bằng bậc mầm non.

Riêng đội ngũ để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bình Dương thiếu cục bộ các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật… Một trong những nguyên  nhân quan trọng dẫn đến thực trạng này là thiếu nguồn tuyển. Trong đó, việc nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp muộn do quá trình đào tạo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng có ảnh hưởng đến nguồn tuyển tại địa phương.

Tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), theo báo cáo của phòng GD&ĐT, trong những năm qua, huyện ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân huyện luôn dành sự quan tâm sâu sắc lãnh đạo, chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT; đặc biệt là bảo đảm các điều kiện, nhất là đội ngũ giáo viên để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, đội ngũ giáo viên của huyện còn thiếu, nhất là giáo viên văn hoá tiểu học, giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới. Tính theo yêu cầu tối thiểu, toàn huyện thiếu 14 giáo viên văn hoá, 17 giáo viên Tin học và 6 giáo viên Tiếng Anh.

Nói về nguyên nhân tình trạng thiếu giáo viên, đại diện phòng GD&ĐT Thanh Thủy cho rằng: Do quy mô lớp, học sinh tăng nhanh trong những năm gần đây, trong khi đó nhiều năm nay huyện không được giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, thậm chí có năm còn giảm chỉ tiêu do thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ. Việc tuyển dụng biên chế hàng năm chỉ để thay thế cho các giáo viên đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, do đó dù có tuyển dụng nhưng thực tế số giáo viên thiếu hàng năm ngày càng tăng.

Nguồn giáo viên dự tuyển biên chế còn thiếu (thiếu nguồn tuyển), chất lượng nguồn tuyển có môn còn hạn chế, cá biệt có năm số nguồn tuyển đã thiếu nhưng số giáo viên trong nguồn cũng không được tuyển hết do chất lượng còn hạn chế. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều sinh viên sư phạm tốt ngiệp muộn hơn so với kế hoạch hàng năm, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng nhiều đến nguồn tuyển giáo viên của huyện (vì không tuyển năm nay thì sang năm tuyển); điều căn    bản là số sinh viên sư phạm tốt   nghiệp theo cơ cấu bộ môn cần tuyển còn thiếu so với nhu cầu của các địa phương.

Thực hiện ghép lớp, hợp đồng giáo viên

Chia sẻ giải pháp khắc phục khó khăn, bà Nguyễn Phương Dung cho biết: Năm 2021, Sở GD&ĐT Bình Dương đã xây dựng Đề án vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp ngành GD-ĐT trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; tiếp tục tham mưu các phương án giải quyết trường hợp biên chế dôi dư do sắp xếp tổ chức, bộ máy; nghiên cứu thực hiện quy trình, hồ sơ ban hành các quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý, điều động viên chức, dần khắc phục tình trạng thừa/thiếu giáo viên cục bộ.

Ngành đã thống nhất với các sở có liên quan tham mưu thực hiện phương án hợp đồng, chi trả lương đối với nhân viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngành. Trong năm, toàn ngành hợp đồng mới 932 giáo viên, nhân viên, chủ yếu ở cấp tiểu học và THCS...

Giải pháp được đưa ra trước khó khăn thiếu giáo viên của huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) là bố trí hợp đồng giáo viên còn thiếu; đối với trường hợp thiếu nguồn hợp đồng, nhà trường động viên các giáo viên vừa nghỉ hưu tại địa phương tiếp tục tham gia giảng dạy. Một số trường có cơ sở vật chất đảm bảo thì thực hiện ghép lớp (có thể chấp nhận số học sinh/lớp lớn hơn so với quy định).

Cùng với đó, tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên để đảm bảo tỷ lệ giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT (theo quy mô lớp hiện có). Chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, khi triển khai dạy học Tin học đối với lớp 3, nếu chưa kịp thời bổ sung biên chế hoặc chưa có nguồn giáo viên tuyển mới, huyện sẽ xem xét, cân nhắc trước mắt là bố trí tăng cường giáo viên Tin học cấp THCS sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ dạy học Tin học cho cấp tiểu học trên địa bàn.

Tại Đắk Lắk, tổng số giáo viên cần bổ sung với khối tiểu học là 379 giáo viên. Số lượng này ở THCS là 231 người, THPT là 212 người. Để chuẩn bị cho việc giao biên chế năm 2022, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk trao đổi: Sở đã chỉ đạo toàn ngành rà soát đội ngũ giáo viên từ mầm non đến THPT và tập trung giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Một trong những nguyên nhân khiến không ít cơ sở giáo dục khó tuyển giáo viên mỹ thuật, âm nhạc… do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều sinh viên không đủ điều kiện để tốt nghiệp. Chuẩn đầu ra của sinh viên hiện tại là phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Riêng đối với giáo viên thì phải có thêm chứng nhận ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Nhưng vừa qua dịch bệnh khiến hầu hết các trung tâm đều không tổ chức thi tin học được. - TS Võ Văn Thật (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.