Dịch bệnh và nỗi khổ của sinh viên năm cuối: Cần có bản lĩnh, trách nhiệm niềm tin

GD&TĐ - Trong dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tổ chức đào tạo cho SV, học viên và nghiên cứu sinh năm cuối đến trường thực hành, thực tập và làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh: Hành lang pháp lý quan trọng

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn. Ảnh: NVCC
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn. Ảnh: NVCC

Rất hoan nghênh sự chủ động, đồng hành của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã có hướng dẫn kịp thời, để cơ sở giáo dục đại học thích ứng với dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở đó, nhà trường tổ chức đào tạo cho sinh viên, nhất là với sinh viên năm cuối bị tác động bởi dịch Coivd-19. Những văn bản của cơ quan chức năng là hành lang pháp lý quan trọng để đơn vị có cơ sở triển khai.

Trên tinh thần đó, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã thông báo cho sinh viên năm cuối đến làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp tại Trung tâm thí nghiệm thực hành của nhà trường. Để được đến trường học trực tiếp, giảng viên, sinh viên phải hoàn thành tiêm 2 mũi vắc-xin và đảm bảo 5K theo quy định. Bên cạnh đó, nhà trường căn cứ vào các quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để tổ chức đào tạo cho sinh viên năm cuối, bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả.

Việc mở cửa cho những sinh viên này đến làm đồ án, khóa luận nhằm bảo đảm tiến độ học tập, giúp các em ra trường đúng hạn, sớm tìm được việc làm ổn định. Ngoài ra, đối với các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhà trường đã đầu tư thiết bị, đường truyền tốc độ cao, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên của trường ôn tập và thi online.

Dự kiến nếu tình hình dịch bệnh ổn định, sau Tết Nguyên đán 2022, nhà trường sẽ mở cửa đón sinh viên quay lại trường học tập trung. Nhà trường đã tiến hành khảo sát tỷ lệ sinh viên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Cùng với đó, nhà trường đã liên hệ với cơ sở y tế để hỗ trợ sinh viên tiêm vắc-xin đầy đủ. Nhà trường cũng chuẩn bị cơ sở vật chất thông thoáng, phun khử khuẩn thường xuyên khuôn viên sư phạm; đồng thời thành lập Ban phòng chống Covid-19 nhằm tuyên truyền, đảm bảo an toàn cho thầy – trò khi đến trường học  trực tiếp.

ThS Cao Dao Thép – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp: Tạo điều kiện tối đa cho sinh viên

ThS Cao Dao Thép. Ảnh: Website nhà trường
ThS Cao Dao Thép. Ảnh: Website nhà trường

Trường ĐH Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ đào tạo, chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên năm cuối, tạo điều kiện tối đa để các em ra trường sớm nhất có thể. Theo đó, với những sinh viên năm cuối tiêm đủ hai mũi vắc-xin và có xét nghiệm âm tính sẽ được vào trường làm thí nghiệm, đồ án tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng số đợt xét tốt nghiệp trong năm; đồng thời tăng cường tổ chức bảo vệ tốt nghiệp bằng hình thức trực tuyến.

Hơn 70% sinh viên năm cuối của nhà trường đã tốt nghiệp từ hồi tháng 6 và tháng 8/2021. Số còn lại chưa tốt nghiệp là do chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp như: Còn nợ môn hoặc chưa đủ điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, nhà trường đã và đang tạo điều kiện tối đa cho các em hoàn thành nhiệm vụ học tập, bảo đảm đủ điều kiện để tốt nghiệp.

Với những sinh viên đã tốt nghiệp, nhà trường phát bằng cho các em theo phương thức: Những sinh viên nào đủ điều kiện về phòng, chống Covid-19 có thể trực tiếp đến trường nhận bằng. Những sinh viên còn lại, nhà trường hỗ trợ bằng cách: Scan hoặc chụp ảnh bằng tốt nghiệp rồi gửi theo địa chỉ email của sinh viên. Qua đó, nhằm tạo điều kiện cho các em hoàn thiện hồ sơ để xin việc làm.

TS Văn Đình Ưng – Trưởng ban Truyền thông và Công tác sinh viên (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam): Triển khai linh hoạt biện pháp đào tạo

TS Văn Đình Ưng. Ảnh: ITN
TS Văn Đình Ưng. Ảnh: ITN

Tôi ghi nhận sự thích ứng nhanh chóng của các cơ sở giáo dục đại học trong việc tổ chức hoạt động đào tạo, từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến và ngược lại. Gần đây, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng các trường đã căn cứ vào thực tiễn của địa phương và dựa vào hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước để triển khai linh hoạt biện pháp đào tạo phù hợp.

Khi chưa thể mở cửa để đón toàn bộ sinh viên trở lại trường học tập và nghiên cứu tập trung, các cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức đào tạo cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh năm cuối bị tác động của đại dịch được đến trường để thực hành, làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Nhiều trường có cách làm sáng tạo để bảo đảm an toàn cho sinh viên và giảng viên như: Chia nhóm nhỏ với số lượng bảo đảm theo quy định, để tổ chức thực hành, thực tập, giảng dạy cho sinh viên. Qua đó, vẫn có thể đánh giá kết quả học tập các học phần của chương trình đào tạo khi chưa thể chuyển đổi sang đào tạo trực tuyến toàn phần.

Tôi cũng mong cơ sở giáo dục đại học cần có bản lĩnh, trách nhiệm, có lòng tin và thực hiện theo hướng dẫn Chính phủ, Bộ GD&ĐT. Đã đến lúc các trường phải quán triệt quan điểm: Sống chung với đại dịch để mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học sớm trở lại bình thường mới. Nhân đây, tôi tán thành và hoan nghênh trường đã mạnh dạn mở cửa đón sinh viên năm cuối đến trường để các em tiếp tục hoàn thành học phần còn lại, sớm tốt nghiệp ra trường tìm việc làm.

Việc sinh viên được đến trường không chỉ để hoàn thành đồ án, khóa luận tốt nghiệp, mà còn làm các thủ tục hành chính khác. Tất nhiên, khi đến trường, thầy – trò phải bảo đảm điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Theo đó, nhà trường cũng cần thành lập trung tâm/phòng y tế (nếu chưa có) hoặc kích hoạt hoạt động trở lại để sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất thường có thể xảy ra. Đồng thời, cần có phương án, kịch bản phòng, chống Covid-19 khi học tập trung.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Động thái tích cực

TS Nguyễn Đức Nghĩa. Ảnh: ITN
TS Nguyễn Đức Nghĩa. Ảnh: ITN

Các cơ sở giáo dục đại học đã và đang thực hiện khá tốt văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, địa phương. Theo đó, các trường chủ động, tích cực chuẩn bị điều kiện cần và đủ, sẵn sàng mở cửa trường học đón sinh viên trở lại học tập trung. Thực tế, đã có nhiều trường mở cửa cho sinh viên năm cuối đến thực hành, làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Đây là động thái tích cực và việc nên làm, thể hiện sự linh hoạt, chủ động của cơ sở giáo dục đại học, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp, sớm tìm được việc làm.

Ai cũng biết, không phải môn nào cũng có thể dạy học trực tuyến, nhất là một số môn cần thực hành máy móc, công nghệ. Do đó, sớm mở cửa cho sinh viên trở lại trường học tập là điều cần thiết. Tuy nhiên, để có thể mở hoàn toàn, trở lại trạng thái dạy – học trong điều kiện bình thường mới, điều kiện quan trọng là cần bảo đảm tiêm đủ số mũi vắc-xin cho cán bộ, giảng viên và sinh viên. Đồng thời thực hiện các biện pháp 5K. Do đó, các cơ sở giáo dục nên triển khai chiến lược đã xây dựng, trước mắt ưu tiên việc sử dụng khẩu trang và giữ khoảng cách khi giao tiếp theo khuyến nghị của Bộ Y tế.

Ông Lê Tuấn Tứ - Đại biểu Quốc hội khóa XIV (tỉnh Khánh Hòa): Chủ động áp dụng biện pháp tổ chức đào tạo phù hợp

Ông Lê Tuấn Tứ phát biểu tại một cuộc họp.
Ông Lê Tuấn Tứ phát biểu tại một cuộc họp.

Chính phủ cần đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho học sinh, sinh viên, để các em sớm được trở lại trường học tập trực tiếp. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục đại học cũng cần chủ động đã triển khai tốt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng đón sinh viên đi học trở lại như: Tổ chức vệ sinh khuôn viên ký túc xá, phòng học lý thuyết, thực hành, khu vực làm việc của các khoa, giảng đường… Đồng thời, chủ động phương án sẵn sàng chuyển đổi sang phương thức từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại.

Trước mắt, cần căn cứ vào yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Trên cơ sở đó áp dụng biện pháp tổ chức đào tạo phù hợp. Cùng với đó, ưu tiên, tạo điều kiện tối đa để người học hoàn thành khóa học bằng cách tổ chức hoạt động dạy - học, đánh giá kết quả học tập và đánh giá tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, nhà trường nên chủ động điều chỉnh kế hoạch và gia hạn thời gian học tập, nghiên cứu và bảo vệ tốt nghiệp cho các khóa đào tạo trong thời gian không học tập trung do dịch Covid-19. Chỉ nên kết thúc học phần/khóa học khi người học được đánh giá đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần/chương trình đào tạo. Mặt khác, chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động thích ứng, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người học, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trong trạng thái bình thường mới.

Nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu: Các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng tập trung vào đổi mới quản trị nhà trường và phương pháp dạy - học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến; đồng thời tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và người học. Mặt khác, xây dựng và phát triển học liệu số, thực hiện chuyển đổi các học phần sang hình thức đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến hoặc đào tạo trực tuyến toàn phần với chuẩn đầu ra như đối với đào tạo trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.