Đầu tháng 2, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học. Theo kế hoạch thời gian năm học, học sinh còn thời gian thực học khoảng 1 tuần. Để đảm bảo chương trình, nhà trường triển khai dạy học trực tuyến cho đến thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Theo chia sẻ của các giáo viên, việc dạy học trực tuyến hiện nay đã ổn định vì giáo viên đã sử dụng thành thạo từ thời gian nghỉ dịch, giãn cách xã hội năm 2020.
Bên cạnh dạy trực tuyến, các trường tổ chức cho tổ/khối chuyên môn nghiên cứu, xây dựng phương án dạy học phù hợp với điều kiện, mức độ đáp ứng của đơn vị trong trường hợp học sinh phải nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, mức độ đáp ứng của đơn vị. Trên cơ sở thống nhất chung trong tổ/khối chuyên môn, mỗi giáo viên có phương án cụ thể của cá nhân, đảm bảo học sinh tham gia học tập nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, Sở chủ động xây dựng phương án dạy học trong thời gian nghỉ học phòng, chống Covid-19 đối với giáo dục tiểu học. Về nội dung, tập trung Hướng dẫn ôn tập kiến thức cũ; Giới thiệu, hướng dẫn tiếp thu kiến thức mới và Nội dung thực hành. Sở lưu ý nội dung “Giới thiệu, hướng dẫn tiếp thu kiến thức mới” chỉ yêu cầu ở mức độ đơn giản, dễ tiếp thu (theo chủ đề, chủ điểm, mạch kiến thức…); Nội dung thực hành đủ để học sinh có thể học, làm bài trong một khoảng thời gian do hiệu trưởng nhà trường quy định.
Về hình thức, lựa chọn đa dạng các phương án: Dạy học trực tuyến (nếu nhà trường đảm bảo điều kiện thiết bị ghi hình/máy tính có webcam, âm thanh… về hạ tầng công nghệ thông tin; học sinh có thiết bị kết nối với hệ thống học trực tuyến như máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh… có kết nối internet). Dạy học qua truyền hình (nhà trường đăng ký về Phòng GD&ĐT tổng hợp gửi Sở GD&ĐT để Sở có kế hoạch phối hợp với Đài PTTH Vĩnh Long). Khai thác ứng dụng OTT (Zalo, Facebook, Viber,…) để gửi hướng dẫn ôn tập kiến thức cũ; giới thiệu, hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức mới; bài tập kiểm tra. Đăng tải tài liệu ôn tập lên trang thông tin điện tử của trường, thông báo cho phụ huynh học sinh. Cuối cùng là Photo tài liệu ôn tập gửi cho học sinh; sử dụng phần mềm Viettelstudy, K12online, VNPT E-learning… Tải các tiết học từ các trang mạng chính thống để chia sẻ cho giáo viên, học sinh.
Tỉnh Cà Mau đã lên kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, có 3 phương án: Tình hình bình thường; Có nguy cơ xảy ra dịch bệnh và Dịch bệnh xảy ra, học sinh phải nghỉ học. Phương án tình hình bình thường, Sở chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Phương án có nguy cơ xảy ra dịch bệnh thì chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát, điều chỉnh lại chương trình, kế hoạch dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT. Nhà trường kết hợp vừa tổ chức chức dạy học trên lớp, vừa tổ chức dạy học qua Internet thông qua các phần mềm, ứng dụng như VNPT-Elearning (VNPT Cà Mau), ViettelStudy (Viettel Cà Mau), Trí Việt E-Learning, Zoom Cloud Meetings trên PC, Zalo, Facebook...
Riêng đối với phương án có dịch bệnh xảy ra, học sinh phải nghỉ học, Sở GD&ĐT Cà Mau sẽ tổ chức dạy học trên tuyền hình và dạy học qua internet. Cụ thể, với việc dạy học qua truyền hình, Sở GD&ĐT chủ trì thành lập Ban Tổ chức, Ban Biên soạn chương trình, bài dạy; tổ chức xây dựng chuyên đề/chủ đề/bài dạy; tổ chức kiểm tra, giám sát việc dạy học trên truyền hình, việc quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh tại các trường học.