Về khung giờ học - giờ nghỉ của học sinh: Nhiều phụ huynh phản ánh, khung giờ vào học một số trường quá sớm vào buổi sáng và buổi chiều gây khó khăn cho học sinh về bảo đảm giấc ngủ và thích nghi về giờ sinh học.
Đồng thời, mỗi trường, mỗi lớp học có giờ nghỉ giữa buổi khác nhau (như: Buổi sáng nghỉ lúc 10 giờ 15 phút, 10 giờ 30 phút, 11 giờ 15 phút...; buổi chiều nghỉ lúc 16 giờ 30 phút, 17 giờ, 17 giờ 15 phút...) gây khó khăn cho phụ huynh đưa đón con em. Nhất là người trong khối cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công nhân... vì chưa hết giờ nghỉ làm (nếu tự đón thì vi phạm giờ làm việc hoặc không thể thực hiện; nếu thuê người đón thì tăng chi phí gia đình).
Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo rà soát tình hình thực tiễn, đặc điểm sinh hoạt, thời tiết từng địa phương, vùng miền... để chỉ đạo các địa phương thống nhất giờ học cho phù hợp với độ tuổi học sinh, giờ làm việc từng nơi; ban hành hướng dẫn để việc điều chỉnh khung giờ học của học sinh cho phù hợp.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục được Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện từ năm học 2013 đến nay. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để các địa phương chủ động kế hoạch. Bộ GD&ĐT cũng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học với các bậc học, trong đó giao quyền cho động cho các sở GD&ĐT căn cứ vào nội dung tại văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học và tình hình cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện. Mặt khác, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của địa phương, theo đó UBND các cấp, chủ tịch UBND các cấp, các sở, phòng GD&ĐT thống nhất chỉ đạo để phù hợp với đặc điểm tình hình giáo dục địa phương.
Như vậy, việc quy định chung về khung giờ làm việc tại nhà trường được giao quyền chủ động cho các địa phương chủ động xây dựng trên cơ sở căn cứ vào điều kiện thời tiết, khí hậu ở vùng, miền, địa phương; số tiết học của từng cấp học và căn cứ vào trường học 1 buổi hay 2 buổi. Đối với một số thành phố, khung giờ học của học sinh được bố trí theo cụm các quận, huyện và chênh lệch với nhau để giảm, tránh ùn tắc giao thông.