"Không nhất thiết mặc đồng phục, đủ ấm là được”
Trước tình hình đó, các trường học trên địa bàn tỉnh này đã có nhiều giải pháp phòng, chống rét, giữ ấm cho học sinh, nhằm đảm bảo sức khỏe và tỷ lệ chuyên cần, nhất là học sinh bậc mầm non, tiểu học.
Tại huyện Lộc Hà, hầu hết các trường học đều nằm gần khu vực bờ biển, gió mạnh, không khí lạnh tăng cường, Ban giám hiệu các trường đều chuẩn bị đầy đủ công tác phòng chống rét cho học sinh.
Sáng thứ 2 đầu tuần theo quy định tất cả học sinh đều phải mặc đồng phục, nhưng trước thời tiết lạnh giá quy chuẩn đó dường như bị dỡ bỏ, thay vào đó khẩu hiệu, “Học sinh không nhất thiết mặc đồng phục, đủ ấm là được”. Áo len, áo phao, áo dạ… những chiếc áo có độ dày, giữ nhiệt cao đều được phụ huynh ưu tiên hàng đầu trang bị cho con cái trước khi đến lớp trong thời tiết giá lạnh này.
Thầy Lê Đức Dũng, hiệu trưởng Trường tiểu học Hộ Độ (huyện Lộc Hà) cho biết: Để đảm bảo sức khỏe, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh trong đợt rét đậm kéo dài, nhà trường, nhất là trường gần khu vực ven biển đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thiết thực, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập trong mùa đông.
“Việc sửa sang cơ sở vật chất những điểm hư hỏng, mua sắm máy sưởi, chăn ấm, huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để trang bị thêm áo ấm, đồ dùng sinh hoạt được nhà trường chuẩn bị ngay từ đầu năm học mới. Phong trào “mỗi ngày 1.000 đồng” được phát động 3 tháng nay, có ngày mỗi lớp nhận được 50.000 đồng từ đóng góp học sinh. Số tiền tuy không lớn nhưng góp phần không nhỏ vào hỗ trợ học sinh nghèo như: mua áo ấm, tất tay, tất chân, chiếc khăn len… Cùng với chương trình “áo ấm cho em” nhà trường không để bất kỳ học sinh nào thiếu áo mặc khi đến trường” – thầy Lê Đức Dũng cho hay.
Cũng theo thầy Dũng, mỗi lớp lập 1 nhóm Zalo, cô chủ nhiệm có trách nhiệm thông báo đến toàn thể phụ huynh về thời tiết thay đổi mỗi ngày. Yêu cầu phụ huỵnh mặc đủ ấm cho con khi đến lớp. “Ngày xưa bố mẹ các con có thể thiếu ăn, thiếu mặc nhưng giờ các em luôn được trang bị đầy đủ. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì được các tổ chức từ thiện quan tâm, giúp đỡ, vấn đề quan trọng bố mẹ cần để ý nhiều hơn giữ nhiệt cho con khi đến trường như mặc ấm, đi tất tay, tất chân, đeo khẩu trang cho các con trước khi đến trường. Sức khỏe đảm bảo, học tập mới đạt kết quả” – thầy Dũng nhắn gửi.
Cũng tại ngôi trường này, nhiều giáo viên đã tự mua đèn tinh dầu vào trong lớp học vừa có mùi thơm, vừa giữ nhiệt cho học sinh. “Thời tiết lạnh, mưa nhiều, học sinh lại đông, việc đưa đèn tinh dầu vào trong lớp sẽ tạo được mùi hương, tinh thần sảng khoái cho học sinh học tập” – cô Nguyễn Thu Trang, Trường tiểu học Hộ Độ nói về ý tưởng của mình.
Học muộn 15 phút
Tránh dậy sớm trong thời tiết lạnh, ảnh hưởng sức khỏe, tất cả các trường học ở vùng ven biển huyện Lộc Hà đều thay đổi khung giờ học. Thời gian vào học sẽ muộn hơn 15 phút, trước đây 7h15 nay 7h30. “Trường tiểu học Thạch Kim chỉ cách bờ biển gần 1km, nhiệt độ lạnh hơn mức bình thường, học sinh những ngày qua nghỉ học khá nhiều. Nhiều phụ huynh luôn xin phép chở con về nhà sớm do sức khỏe các cháu không đảm bảo” - thầy Lê Ý, hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Kim cho hay.
Thầy Ý cũng nói thêm, ngoài việc giữ ấm cho học sinh, nhà trường cũng đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho học sinh, cửa chính, cửa sổ luôn được đóng kín, tránh luồng khí lạnh từ biển luồn vào lớp học.
Hiệu trưởng trường cũng cho biết, nhà trường luôn tìm các giải pháp tối ưu để đảm bảo khẩu phần ăn cho học sinh bán trú. Trường yêu cầu tổ cấp dưỡng cố gắng để học sinh có được bữa ăn nóng, ngon và đủ chất. Vào mùa Đông, khẩu phần được tăng thêm dầu mỡ để giữ ấm cơ thể trẻ và thường xuyên thay đổi giúp các em ăn ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng.
Cũng theo thầy Ý, về nước uống nhà trường hiện chưa có điều kiện để đảm bảo nên yêu cầu phụ huynh tự chủ, sắm các bình nước giữ nhiệt cho học sinh khi đến trường, tránh các em uống nước lọc trong thời tiết giá lạnh. Nhà trường sẵn sàng mọi điều kiện để học sinh được ngủ ấm, lớp học đủ ánh sáng và kín gió, tăng thêm khẩu phần ăn đối với học sinh ở bán trú, để mọi hoạt động học tập của các em được đảm bảo.
Cùng với việc phân lịch trực cho các giáo viên quan tâm nơi ăn chốn ngủ của học sinh buổi tối, trường luôn cập nhật tình hình thời tiết, khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C sẽ cho các em nghỉ học – thầy Ý nói thêm.
Theo ông Phan Thanh Dân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà: “Để giữ ấm cho học sinh trước thời tiết khắc nghiệt, ngành Giáo dục huyện luôn thay đổi khung giờ học, cho các em nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mặt khác, ngành chủ động rà soát, kiểm tra, hỗ trợ sửa chữa kịp thời những phòng học, phòng ăn, phòng ở bán trú hư hỏng và yêu cầu các trường hạn chế tổ chức hoạt động vui chơi ngoài trời. Những trường có học sinh ở bán trú quan tâm hơn đến việc giữ thức ăn nóng, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức đề kháng, giữ ấm cho học sinh”.
“Phòng đã chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn tuyên truyền, vận động học sinh mặc ấm khi đến lớp. Đối với các phòng ở bán trú không kiên cố, các trường mua thêm bạt để chắn gió, giữ ấm cho học sinh. Ở cấp mầm non, phòng yêu cầu tất cả các trường trong toàn huyện tuyên truyền cho phụ huynh khi mang con đến trường gửi phải đảm bảo trang phục giữ ấm cho trẻ” – ông Phan Thanh Dân nói thêm.
Những ngày tới, thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm rét hại có thể kéo dài, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, đảm bảo giữ ấm cho học sinh khi nhiệt độ giảm sâu. Đặc biệt, các trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, học sinh mặc đủ ấm, giữ gìn sức khỏe trong mùa Đông lạnh giá.