Đi tìm công cụ quản trị tài sản trí tuệ

GD&TĐ - Các đề tài nghiên cứu, công trình thử nghiệm thành công… trong trường đại học là tài sản trí tuệ của nhà trường.

Mô hình tổ chức quản trị tài sản trí tuệ tại ĐHQG TPHCM.
Mô hình tổ chức quản trị tài sản trí tuệ tại ĐHQG TPHCM.

Làm thế nào để quản trị hiệu quả tài sản này? Nhóm các nhà khoa học đã đi tìm giải pháp.

Xác lập quyền và khai thác thương mại

Tăng cường hiệu quả quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học tại TPHCM - ứng dụng thí điểm tại Đại học Quốc gia TPHCM là nghiên cứu của PGS.TS Lâm Quang Vinh và cộng sự, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TPHCM) chủ trì thực hiện.

Theo PGS.TS Lâm Quang Vinh, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học là rất quan trọng. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh việc tạo lập, phát hiện, xác lập quyền, bảo vệ quyền và khai thác thương mại hiệu quả các tài sản trí tuệ được tạo ra trong hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của mọi tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của trường đại học, tạo nguồn thu bổ sung để phát triển các trường đại học, cũng là góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Việt Nam nói chung và tại các trường đại học nói riêng, hoạt động sở hữu trí tuệ tuy đã được triển khai nhưng vẫn còn khá sơ khai. Riêng tại TPHCM có tổng cộng 60 trường đại học (bao gồm học viện, phân hiệu tại TPHCM, Cơ sở 2), thì mới chỉ có khoảng 17 trường đại học có ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ. Đây cũng là địa bàn có số lượng trường đại học ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ nhiều nhất cả nước.

Thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ tại các trường đại học đã bộc lộ một số hạn chế khiến cho loại tài sản quan trọng này vẫn chưa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà.

Tại ĐHQG TPHCM, mô hình này hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như chưa có hệ thống quy trình tác nghiệp mang tính ràng buộc chung, thống nhất, dẫn đến việc thành lập và hoạt động của các bộ phận quản trị tài sản trí tuệ tại các đơn vị thành viên chưa đồng bộ; chưa có cơ chế rõ ràng cho sự liên kết giữa các bộ phận quản trị tài sản trí tuệ của các đơn vị thành viên với nhau dẫn đến thiếu cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị này…

Từ năm 2015 đến nay, có hơn 50% trong tổng số kết quả nghiên cứu được bóc tách trong giai đoạn này đã được Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ tại các cơ quan chức năng, trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là: Sáng chế (27%) và giải pháp hữu ích (21%).

Điều này phần nào thể hiện thế mạnh về mặt công nghệ của Đại học Quốc gia TPHCM, đồng thời chứng tỏ các đơn vị thuộc ĐHQG TPHCM thực hiện tương đối tốt yêu cầu đăng ký sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu.

Đánh giá giá trị trước khi đưa ra thị trường

PGS.TS Lâm Quang Vinh. Ảnh: ITN

PGS.TS Lâm Quang Vinh. Ảnh: ITN

Nhóm nghiên cứu cho rằng, đánh giá giá trị của một sáng chế (SC) trước khi đưa ra thị trường đóng vai trò quyết định sự thành công của kế hoạch thương mại hóa SC đó.

Nếu một tổ chức có được phương pháp đánh giá, phân tích giá trị công nghệ thông qua phân tích bằng SC, thì tổ chức đó có thể thực hiện các chiến lược tiếp thị và hiệu quả chi phí tốt hơn, tổ chức đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho việc thương mại hóa danh mục SC của mình.

Nhóm đã dựa trên phương pháp đánh giá tiềm năng thương mại hoá để xây dựng các phần đánh giá liên quan, tạo nên một báo cáo đánh giá tiềm năng thương mại hoá SC hoàn chỉnh.

Từ đó, thực hiện đánh giá tiềm năng thương mại đối với 5 sáng chế/giải pháp hữu ích của Đại học Quốc gia TPHCM đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng, gồm quy trình chế biến cà chua (năm 2018), thiết bị đo chỉ tiêu chất lượng nước tại ao nuôi trồng thủy hải sản (năm 2019), máy rửa chén bằng sóng siêu âm được thiết kế dạng mô-đun (2019), cấp phối vữa xây dựng để chế tạo các sản phẩm tấm ốp trang trí (năm 2021), thiết bị nuôi tảo đơn bào dạng ống nhiều tầng (2022).

Nhóm đã xây dựng được quy trình ghi nhận các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ dự kiến phát sinh từ hoạt động nghiên cứu KH&CN; quy trình ghi nhận các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ các hoạt động khác; quy trình xác lập quyền đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; quy trình chuyển giao tài sản trí tuệ.

Quy trình ghi nhận các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ dự kiến phát sinh từ hoạt động nghiên cứu gồm các bước: Thực hiện tra cứu thông tin trước khi đề xuất nhiệm vụ KH&CN; đánh giá khả năng xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng tài sản trí tuệ dự kiến hình thành trong tương lai; tổ chức xét duyệt, tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ; ghi nhận thông tin tài sản trí tuệ dự kiến hình thành trong tương lai vào phần mềm quản lý tài sản trí tuệ.

Quy trình chuyển giao tài sản trí tuệ cụ thể hoá Quy chế quản trị tài sản trí tuệ tại Đại học Quốc gia TPHCM, quy định về trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của Đại học Quốc gia TPHCM.

Quy trình này nhằm mục đích thương mại hoá tài sản trí tuệ; chuyển giao công nghệ; đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; thành lập, góp vốn thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN; ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh…

Quy trình gồm các bước: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển giao quyền sử dụng/quyền sở hữu tài sản trí tuệ lập hồ sơ đề nghị giao quyền; thông báo cho tổ chức chủ trì tạo lập tài sản trí tuệ về quyền ưu tiên được giao quyền; thẩm định hình thức hồ sơ đề nghị giao quyền; đánh giá và đàm phán các điều khoản để giao quyền; quyết định giao quyền; phê duyệt phương án giao quyền; cập nhập thông tin giao quyền trên phần mềm.

Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quản trị tài sản trí tuệ; xây dựng và triển khai phần mềm quản trị tài sản trí tuệ; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển tài sản trí tuệ tại các trường đại học; phát huy tính tự chủ của trường đại học; thành lập bộ phận chuyên trách về quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học; tăng cường liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị tài sản trí tuệ; vinh danh các tác giả có nhiều kết quả nghiên cứu tạo ra tài sản trí tuệ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.