Đi học là hạnh phúc

GD&TĐ - Đó là triết lí của nền giáo dục Bắc Âu được chia sẻ bởi các chuyên gia đến từ các nước Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy tại Hội thảo quốc tế về quản trị trong nhà trường phổ thông diễn ra sáng nay 10/1 tại Hà Nội.

Đi học là hạnh phúc

Hội thảo được tổ chức bởi Đại sứ quán Thụy Điển, Tổ chức Education First với sự tham dự của đại diện Bộ GD&ĐT, các chuyên gia giáo dục đến từ các nước Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy cùng đông đảo các thầy cô giáo đến từ các trường phổ thông trong cả nước

Trước xu thế toàn cầu hóa và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục trên thế giới cũng như giáo dục Việt Nam đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Việc chuyển đổi của giáo dục sẽ kéo theo yêu cầu phải đổi mới quản trị nhà trường.

Đây là một trong những hội thảo tiên phong tập trung vào chủ đề đổi mới quản trị nhà trường với một diễn đàn mở để các thành phần khác nhau có thể tham gia, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó xây dựng nền móng để hướng tới nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện trong quản trị nhà trường phổ thông.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) đã trình bày tham luận về hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam, các chính sách của Bộ GD&ĐT đối với việc đổi mới quản trị trong các nhà trường ở bậc phổ thông.

Tiếp đó, các chuyên gia quốc tế của các nền giáo dục Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển trình bày, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm trong quản trị nhà trường tự chủ- từ việc phát triển cách thức quản lí hiệu quả, phát triển đội ngũ giáo viên cho đến vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng các trường phổ thông trong mô hình quản trị này.

TS Alan Schneitz- Chuyên gia giáo dục đến từ Phần Lan- cho biết: Giáo dục Phần Lan đã thay đổi hoàn toàn trong vòng 20 năm qua với xu hướng dạy ít kiến thức hơn và tăng thời gian trải nghiệm, dạy những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Với học sinh Phần Lan, đi học là hạnh phúc.

Quang cảnh hội thảo

Mặc dù Phần Lan có chương trình giảng dạy quốc gia, nhưng trong 20 năm qua, nó chỉ đóng vai trò như chương trình khung, tạo không gian cho các nhà giáo dục lựa chọn nội dung và cách thức giảng dạy.

Đơn cử, giáo viên có thể tự chọn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy. Các lớp học được thiết kế để có thể tiếp cận từng học sinh, khuyến khích học sinh tự đánh giá và lựa chọn các môn học theo sở trường cũng như ý thích. Phương pháp đó đồng thời giúp làm tăng trách nhiệm của cả giáo viên và học sinh đối với việc giảng dạy và học tập.

Còn GS Anya Eskildse- Hiệu trưởng trường Niels Brock (Đan Mạch) nhấn mạnh: Chúng ta cần phải thống nhất rằng quản trị nhà trường dù có những đặc thù riêng, thực tế cũng giống như quản trị một doanh nghiệp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, giáo dục cũng sẽ phải bắt nhịp với những sự chuyển mình mạnh mẽ và yêu cầu những người đứng đầu có đầy đủ các kiến thức, kĩ năng và cá tính của một người CEO.

Hội thảo cũng được nghe những tham luận của các hiệu trưởng có kinh nghiệm quản lí vĩ mô cũng như kinh nghiệm thực tiễn về nhà trường tự chủ bao gồm tự chủ tài chính và chương trình dạy học.

Thầy Hà Xuân Nhân- Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm về tự chủ tài chính toàn phần trong khối trường công lập.

Xuất thân là trường bán công quen phải tự lo mọi chi phí nên nhà trường đã thấy rất bình thường trước việc tiếp tục không có ngân sách để chi lương cũng như cho cho các hoạt động giáo dục. Theo thầy Nhâm, mô hình của trường Phan Huy Chú đã bước đầu thành công là nhờ rời bỏ "sư phạm quyền uy" để đến với "sư phạm dân chủ".

Thầy Lê Tiến Thành- Hiệu trưởng Trường tiểu học Victory (Hà Nội) chia sẻ về tự chủ và đổi mới chương trình trong nhà trường. Với triết lí giáo dục Học sinh là trung tâm, học sinh tự làm ra sản phẩm giáo dục, Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, kiểm soát, đánh giá hoạt động giáo dục, Trường Victory đã có bước phát triển vững chắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ