Không gian linh hoạt
Bước vào trường học có không gian mở tại Phần Lan, khách thăm có thể sẽ rất bất ngờ khi nó khác hoàn toàn với những gì người ta vẫn mặc định về một lớp học truyền thống.
Phần Lan là một trong những quốc gia đầu tiên đưa vào hướng dẫn giáo dục quốc gia yêu cầu rõ ràng với các trường không chỉ tìm hiểu phương thức học thế nào mà còn biến đổi không gian học sao cho hiệu quả nhất.
Thử nghiệm ban đầu tại một trường học ở Oulu, Bắc Phần Lan, bảng và ghế mềm được đưa ra hành lang để tạo không gian học tập độc lập cho học sinh.
Có trường thay bằng võng và gối tựa được để rải rác quanh trường để học sinh nằm đọc sách, suy ngẫm hoặc nghỉ ngơi.
Có thể nói là không gian học tập được đưa tới mọi nơi chốn trong trường học. Không gian mở không có nghĩa là mở toang lớp học bởi sẽ gây ra sự ồn ào và trống trải. Các bức tường lớp học được xoá bỏ nhưng lại có những “bức tường di động” bằng vật liệu nhẹ dưới hình thức tủ sách hay bục gỗ - dễ dàng di chuyển để tạo thành các góc nhỏ kín đáo phục vụ việc học của cá nhân hoặc nhóm nhỏ thảo luận.
Trong những góc nhỏ này, học sinh có thể một mình đọc sách, suy ngẫm mà không bị ai quấy rầy.
Giáo viên và chương trình linh hoạt
Không giống như hầu hết quốc gia mà giáo viên bị chi phối bởi hiệu trưởng, phụ huynh, chính quyền… về cách thức giảng dạy, giáo viên Phần Lan có quyền tự quyết rất lớn. Giáo viên thậm chí có thể quyết định cả giờ vào học mà theo quan điểm riêng của họ là đạt hiệu quả cao nhất.
Do giáo sinh sư phạm Phần Lan được tuyển lựa từ những bộ óc xuất sắc nhất (như trường Luật hoặc Y) nên họ được tín nhiệm như những nhà sư phạm chứ không phải là “máy dạy”. Giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn phương pháp giảng dạy riêng để đạt được mục tiêu mà chương trình giáo dục chuẩn đặt ra.
Trong vài năm qua, một phương pháp giáo dục mới được Phần Lan ưu tiên đẩy mạnh là kết hợp hoạt động thể chất vào môi trường học tập. Phần Lan thậm chí đã phát động một chương trình hành động quốc gia được gọi là “Trường học Phần Lan chuyển động”.
Vì không có đủ trang thiết bị cho giáo dục thể chất cũng như giáo viên thể dục, Phần Lan đã lồng ghép vận động thể chất vào các tiết học chính khoá. Cụ thể là chuyển đổi sang phương pháp giảng dạy đòi hỏi học sinh vận động thể chất nhiều hơn như làm việc nhóm, chơi trò chơi, làm dự án…
Để học sinh không ngồi quá lâu trong lớp học, chương trình cũng khuyến khích có các bài tập thể dục ngắn hoặc trò chơi đòi hỏi nhiều năng lượng giữa các tiết học. Các tiết học cũng được rút ngắn hơn và tăng thời gian nghỉ, một số giờ nghỉ là hoạt động ngoài trời.
Kết quả tích cực được nhận thấy từ chính học sinh: Trẻ năng động hơn và tập trung hơn trong giờ học. Tập thể dục, chơi và học cùng nhau cũng giúp trẻ kết nối xã hội và phát triển kĩ năng tương tác.