Triết lý nền giáo dục hạnh phúc của Phần Lan

GD&TĐ - Tính ưu việt của nền giáo dục tiểu học ở quốc gia Phần Lan mà ở đó, sự hạnh phúc của trẻ em là thước đo cho sự thành công của nền giáo dục.

Triết lý nền giáo dục hạnh phúc của Phần Lan

Sự phát triển vượt bậc của Phần Lan trong các lĩnh vực ngày hôm nay chính là bởi sự mạnh dạn và tính hiện đại trong tư duy giáo dục của toàn xã hội tại Phần Lan cùng sự thiết kế một cách khả thi các chính sách phát triển giáo dục của Chính phủ quốc gia này, trong đó phải kể đến nền tảng triết lý giáo dục tiểu học – cội nguồn của sự phát triển nhân tố con người trong tương lai.

Nền giáo dục mở, học sinh được phát triển toàn diện

Tính ưu việt trước tiên phải kể đến của giáo dục tiểu học Phần Lan đó là học sinh không có nghĩa vụ làm bài tập về nhà; mỗi học sinh được coi là một thiên tài và các em học tập cho chính sự phát triển của bản thân mình.

Hoạt động học tập của lứa tuổi học sinh tiểu học ở Phần Lan chủ yếu giúp cho các em khám phá được đam mê và năng lực của chính bản thân mình ở từng khía cạnh; giáo viên hoàn toàn không tạo ra những áp lực về mặt kiến thức để thúc ép các em có nghĩa vụ phải theo bất kỳ một khuôn mẫu nào.

Tại Phần Lan, học sinh tiểu học chỉ học tập trên lớp với tổng thời gian là 20 tiếng/tuần. Như vậy, khi tính thời gian từ thứ 2 đến thứ 6, thì khi chia trung bình, chúng ta sẽ thấy, mỗi ngày, các em học sinh chỉ học trên lớp với khoảng thời gian là 4 tiếng đồng hồ.

Đặc biệt, các em không có bài tập về nhà. Và trong từng ngày, theo quy định, các em học sinh sẽ dành ra 2 tiếng để tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời.

Quay trở lại Việt Nam, khi tính thời gian từ thứ 2 đến thứ 6, theo quy định, mỗi ngày các em học sinh sẽ học 6 tiếng đồng; như vậy, trong một tuần, các em sẽ phải học tập trên lớp trong khoảng thời gian là 30 tiếng, đó là chưa kể thời gian một bộ phận lớn các em phải làm bài tập về nhà và thời gian học thêm vào một số buổi tối trong tuần hay thậm chí là thứ 7 và Chủ nhật.

Thứ hai, trường học được thiết kế theo không gian mở, học sinh tham gia với giáo viên để quyết định chủ đề học tập; hiệu quả học tập được đánh giá bởi học sinh và phụ huynh.

Sẽ có những cá nhân phản biện rằng, tại sao hiệu quả học tập lại chỉ được đánh giá bởi học sinh và phụ huynh mà thiếu vắng vai trò của giáo viên. Song, nếu phân tích ở góc độ rộng hơn, chúng ta sẽ thấy việc học thực chất là phục vụ cho chính sự phát triển của các em học sinh.

Việc tiếp thu kiến thức và tư duy phản biện của các em là do chính các em quyết định hướng đi, giáo viên chỉ đóng vai trò là chủ thể định hướng những hoạt động chủ yếu.

Nguyên lý giáo dục haycông thức với vai trò là “gia vị” cho sự phát triển tư duy và khả năng học tập của các em học sinh được thể hiện bằng sự đam mê và thoải mái của chính các em trong quá trình học tập, khám phá tri thức kết hợp với sự quan tâm và phương pháp giáo dục đúng đắn (tình yêu, sự sẻ chia, cách thức truyền tải tri thức vv…) của các thầy cô giáo và gia đình chính là nhân tố cốt lõi cho sự phát triển toàn diện của các em.

Hoạt động trao đổi giữa giáo viên và học sinh với mục đích quyết định chủ đề học tập là một cách làm sáng tạo của giáo dục Phần Lan.

Hoạt động này vừa tạo ra sự tương tác giữa thầy và trò, hơn nữa sẽ nâng cao tính sáng tạo trong tư duy và khả năng xác định, lựa chọn vấn đề, tôn trọng sự khác biệt giữa các học sinh.

Giáo dục Việt Namhướng tới sự đổi mới

Tựu trung, những ưu việt của giáo dục tiểu học tại Phần Lan là cơ sở khoa học và thực tiễn sâu sắc giúp cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các nhà chính trị và các chuyên gia về giáo dục một số quốc gia có thể tham khảo.

Thiết nghĩ, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đang hướng tới mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Hướng tới nền giáo dục toàn diện và chất lượng, phải chăng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu và hoạch định các chính sách phát triển giáo dục tiểu học trên tinh thần khai phóng, đổi mới tư duy giáo dục, hướng tới giá trị cốt lõi đó là đem lại hạnh phúc cho trẻ em tiểu học.

Nhà nước cần hoạch định các chính sách mà trong đó, sự kết hợp giữa thời gian học tập và vui chơi của trẻ em cần được song hành một cách hiệu quả như: Giảm bớt nội dung học tập trong sách giáo khoa, tăng thời lượng cho các hoạt động thể dục, thể thao, khám phá âm nhạc, hội họa, văn học.

Đối với giáo viên, Nhà nước cần thiết kế những chính sách đào tạo năng lực chuyên môn và tâm lý dạy học tiểu học; chính sách đãi ngộ đối với giáo viên tiểu học để họ yên tâm và nuôi dưỡng đam mê cống hiến cho sự nghiệp giáo dục

Thứ hai, lãnh đạo các trường tiểu học cần thiết kế những hoạt động giáo dục phù hợp với đặc thù phát triển trường mình. Lắng nghe, tạo điều kiện cho các giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn và phát huy dân chủ với yếu tố là sự tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, đổi mới phương pháp dạy học của từng giáo viên.

Ban giám hiệu nhà trường cần đẩy mạnh phát huy hoạt động xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho một số thành viên chủ chốt trong trường tham gia học tập kinh nghiệm giáo dục tại một số trường tiểu học trên thế giới. Đây là giải pháp quan trọng khi đất nước ta đang mở rộng hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến lĩnh vực giáo dục.

Thứ ba, sự đổi mới trong tư duy của đội ngũ giáo viên và phụ huynh. Đây có thể được coi là yếu tố cốt lõi, bên cạnh sự đổi mới tư duy giáo dục của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, bởi sự phát triển của học sinh tiểu học phụ thuộc rất lớn vào phương pháp dạy học, tâm lý giáo dục của phụ huynh và đội ngũ giáo viên.

Trong một bài viết mang tên “Đổi mới tư duy giáo dục” của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, ông phân tích rằng, đổi mới tư duy giáo dục không chỉ dừng lại ở việc “làm gì” mà còn phải hướng tới “làm như thế nào?”, và ông nhấn mạnh, đổi mới tư duy giáo dục chỉ là điều kiện để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Vai trò của cha mẹ trong gia đình thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của trẻ em. Cha mẹ học sinh cần thay đổi cách nhìn nhận về giáo dục với tinh thần tạo điều kiện cho con mình phát huy được khả năng sáng tạo trong học tập, tự do khám phá những kiến thức mà các em mong muốn, kết hợp chặt chẽ giữa học tập và giải trí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ