Ngã rẽ sau tốt nghiệp

GD&TĐ - Trong số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, có gần 22% chỉ dự thi để xét tốt nghiệp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là dấu hiệu cho thấy có chuyển biến trong chọn trường của thí sinh và ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, trong khoảng 222 nghìn thí sinh dự thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp THPT, một số đã sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, từ mùa tuyển sinh 2018, việc công bố tỉ lệ SV có việc làm sau một năm tốt nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH.

Đây là một trong những chủ trương tốt để các trường công khai chất lượng đào tạo và cũng là một trong những thông tin để học sinh phổ thông và phụ huynh tham khảo trong lựa chọn ngành nghề. Dữ liệu tỉ lệ SV có việc làm cũng góp phần giúp SV thấy được sức cạnh tranh của trường mình theo học trên thị trường lao động, cũng như xu hướng việc làm, ngành nghề theo học.

Thị trường lao động đã tác động rất lớn đến kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Vài năm trở lại đây, ngành Tài chính ngân hàng không còn là ngành hot do đầu ra đã bão hòa. Ngành tàu thủy, xây dựng… tuyển sinh khó khăn, trong khi ngành cơ khí, công nghệ ô tô… ngay cả bậc cao đẳng cũng được thí sinh chọn lựa.

Xã hội đã đánh giá các ngành, trường đúng đắn hơn và không còn tâm lý phải vào ĐH bằng mọi giá. Vấn đề vào ĐH được xem là một cách đầu tư cho tương lai, nếu đầu tư không bảo đảm, phụ huynh và người học sẽ chọn con đường khác, như học nghề, học cao đẳng chứ không nhất thiết phải vào ĐH.

Nhận xét về hiện tượng này, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, ngoài tác động của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống kinh tế và việc học tập, tư duy định hướng nghề nghiệp bắt đầu hình thành, tức là không nhất thiết vào ĐH bằng mọi giá. Con số thất nghiệp, thực trạng lao động có bằng tốt nghiệp đi làm công nhân đã khiến HS và phụ huynh phải xem xét lại giá trị của tấm bằng ĐH. Trong khi đó, học phí ĐH lại đang tăng nên phải tính tới bài toán lợi ích thu được so với chi phí.

Như vậy, sự tác động trong hướng nghiệp và phân luồng người học đã tác động đến HS THPT. Tuy nhiên, để thực sự có sự thay đổi về hướng chọn các bậc học, phải có sự phân luồng và định hướng nghề nghiệp từ THCS.

Chính vì vậy, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc định hướng nghề nghiệp từ THCS được đẩy mạnh để có thể phân luồng triệt để với những mục tiêu cụ thể. Trong đó, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.

Các trường THCS, THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%. Điều này sẽ khắc phục được việc đậm – nhạt tùy nơi trong công tác phân luồng, hướng nghiệp ở các trường phổ thông như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.