Đi học được thưởng gạo, thầy cô nhường chỗ ở

Mỗi lần đến năm học mới, giáo viên vùng cao lại phải vất vảvận động học sinh đến lớp. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều nơi đã có các cách hiệu quả để hạn chế học sinh bỏ học.

Học sinh ở Cao Sơn hiện đã đến trường đều đặn
Học sinh ở Cao Sơn hiện đã đến trường đều đặn

Học giỏi được thưởng... gạo

Cao Sơn (xã Lũng Cao, Bá Thước, Thanh Hóa) là nơi biệt lập gần như với thế giới bên ngoài bởi không có đường đi lại. Cách đây 6 năm, chưa có trường THPT, học sinh phải đi bộ sang tận Hòa Bình để theo cái chữ nên việc học thường bị bỏ dở.

Thế nhưng, những năm gần đây, HS ở bản đã không còn bỏ học. Việc này với một bản vùng cao như Son Bá Mười thì phải được coi là một kỳ tích.

Bởi thế, khi gặp chúng tôi, Trưởng bản Ngân Văn Kim, hồ hởi cho biết: “Cán bộ thấy đấy, bây giờ vào những ngày học có thấy đứa trẻ nào lên bản đâu, chúng nó đi học hết cả đấy”. Rồi ông khoe, đó là bí quyết của cán bộ Son Bá Mười.

Hiểu rằng chỉ có đi theo con chữ, dân bản mới thoát được cảnh nghèo đói, lạc hậu, cán bộ trên mảnh đất vùng cao này đã kêu gọi, khuyến khích tất cả con em trong bản đều phải đến trường, học chữ.

Những năm trước, mỗi khi vào đầu năm học, các cán bộ như già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ thôn... đều phải bắt tay vào việc đến từng nhà vận động HS đến trường.

Thế nhưng nhiều trẻ cứ đến lớp được một thời gian lại đột ngột bỏ giữa chừng. Cuối cùng bí quyết mà cán bộ đưa ra đó là trẻ nào nghỉ học sẽ bị phạt 10 kg gạo.

Không những đưa ra cách phạt đối với HS bỏ học, cán bộ ở đây còn yêu cầu dân bản đóng góp gạo hằng năm, mỗi hộ sẽ đóng vài kg gạo để cuối mỗi học kỳ sẽ thưởng cho những HS có thành tích như HS Giỏi được thưởng 10 kg gạo/em, HS Tiên tiến 5 kg/em.

Từ đó cho đến nay, trẻ ở Cao Sơn đã đi học 100%. Ngay cả những HS lên THPT, một số đến trường phổ thông Cao Sơn để học, một số vẫn đi bộ sang tận Hòa Bình để theo đuổi con chữ.

Thầy giáo Trịnh Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Phổ thông Cao Sơn - phấn khởi cho biết: “Do nhà xa, đi bộ con đường mấy cây số mất thời gian khá dài.

Đặc biệt vào mùa đông, khí hậu ở đây rất lạnh nên HS học buổi sáng phải dậy thật sớm mới có thể kịp giờ, vì thế nhiều HS thường bỏ học.

Vài năm đầu khi thành lập trường, giáo viên cũng như cán bộ ở đây luôn phải đi vận động con em đến trường. Thế nhưng bây giờ đã thay đổi rõ rệt. HS ngay từ đầu năm đã đến trường rất đầy đủ, giữa năm cũng không có tình trạng bỏ học nữa. Bà con ở đây đã nhận ra cách thoát nghèo chỉ có con đường học chữ”.

Học sinh ở trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Giao Thiện đã tự trồng rau
 Học sinh ở trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Giao Thiện đã tự trồng rau

Giáo viên nhường chỗ ở cho học sinh

Trong một lần đi công tác, tôi đã có dịp đến thăm ngôi trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Giao Thiện thuộc xã Giao Thiện, một xã vùng sâu vùng xa của huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).

Đây là xã có diện tích khá dài trong khi đó giao thông đi lại vô cùng khó khăn. HS phải đi bộ khoảng 8km mới có thể đến trường đi học vì thế những năm trước, HS ở đây bỏ học là chuyện thường.

Cách duy nhất để HS ở đây không còn bỏ học là phải để các cháu ở lại trường. Hơn 1 năm nay, từ một ngôi trường bình thường đã biến thành ngôi trường bán trú cho HS.

Tuy nhiên, do điều kiện còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí chưa có, các giáo viên trong trường đã phải ở dồn lại để nhường phòng cho HS ở lại.

Hai phòng truyền thống của trường cũng được tận dụng để làm nơi ở cho giáo viên. Vậy là 11 giáo viên phải ở trong 5 phòng còn 148 HS bán trú, 75 HS nội trú thì ở trong 3 phòng (1 phòng nam, 2 phòng nữ).

Ở lại trường, các em được cấp gạo ăn, được giáo viên hướng dẫn trồng rau, nuôi lợn để có nguồn thức ăn.

Dù còn khó khăn rất nhiều nhưng điều nhận thấy đầu tiên đó là nơi đây từ khi có bán trú, HS đã không còn bỏ học.

Thầy Phạm Chí Thọ - Hiệu Phó trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Giao Thiện - chia sẻ: “Mặc dù phải ở chung rất chật chội để nhường phòng cho HS ở lại trường nhưng các giáo viên trong trường rất phấn khởi.

HS không bỏ học, đó là niềm vui lớn nhất của những người làm nghề gieo chữ nơi vùng cao”.

Bà Lê Thị Luyến - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Lang Chánh cho biết: “Trước đây ngôi trường trung học Giao Thiện không phải là ngôi trường bán trú.

Nhưng do tình trạng HS bỏ học nhiều vì đường xá đi lại xa nên vừa qua huyện đã cho chuyển đổi thành trường bán trú. Ngay khi chuyển đổi đã thấy rõ một điều chất lượng HS có chuyển biến, HS bỏ học giảm đáng kể.

HS đạt giải cấp huyện năm qua cũng tăng lên và lần đầu có HS đạt giải cấp tỉnh (môn Địa lý), điều đó khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi”.

Theo Dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.