Đi du học về, mỗi lần cãi nhau con lại rút điện thoại gọi cảnh sát

Cho con đi du học để mong con trưởng thành, được hưởng những nền giáo dục ưu việt nhất nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại khi con thay đổi và chê chính gia đình, quê hương mình.

Con đi du học thay đổi hoàn toàn.
Con đi du học thay đổi hoàn toàn.

Sốc văn hóa 

Câu chuyện của gia đình bà Vũ Mai Thùy Linh (Long Biên, Hà Nội) là một ví dụ về việc cho con gái Bảo An đi du học. Bà Linh  là người kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, bất động sản ở Hà Nội. Gia đình bà Linh   thuộc diện đại gia nên việc cho con đi du học là điều đương nhiên. 

Con gái bà Linh được cho đi Singapore du học từ sau khi học lớp 11. Trước đó, các khóa hè, bà Linh đã cho con sang đó học trước. Tuy nhiên, gần 10 năm sống tại Sigapore bà Linh cho rằng, bà đã mất đi đứa con gái của mình.

Kể về hành trình con du học tại Singapore cho đến khi học xong dù vất vơ vất vưởng bên đó nhưng Bảo An vẫn kiên quyết không về Việt Nam mà tuyên bố rằng có thể sống ở bất cứ đâu chứ không thể sống ở Việt Nam. Bà Linh hỏi con vì sao, cháu đưa ra cả loạt ví dụ về những cái chưa được ở Việt Nam, và chê bai đủ thứ. Ngay cả bản thân bà Linh cũng bị con gái chê thế này, thế kia. 

Thi thoảng ăn một vài món ăn, con bà lại lo lắng về tình trạng thực phẩm, dư lượng kháng sinh, hóa chất và đủ thứ khác.

Con gái về nước không bao giờ ăn đồ ăn bà mua sẵn ngoài chợ hay bất cứ thứ gì lạ vì cháu sợ vệ sinh an toàn thực phẩm. Thấy con gái thay đổi quá nhanh khi đi du học, vợ chồng bà Linh quyết định cho cậu con trai sẽ học ở Việt Nam và cho con chọn trường du học tại chỗ hay học đại học bình thường. Con trai bà chọn trường kiến trúc thay vì đi du học như chị gái.

Du học ở xứ người gần 10 năm về nước, Bảo An “sốc văn hóa” ngay chính nơi sinh ra mình. 

Món gì ngon, bà Linh gắp cho con là bị con gái bà trả lại và Bảo An nói “cực ghét khi bị gắp thức ăn cho vào bát người khác, đây là thói quen xấu của người Việt”.

Nhiều lần, hai chị em tranh luận, em trai và Bảo An xung khắc, cậu cho rằng đã về Việt Nam thì phải sống với người Việt. Điều bà Linh không thể chối bỏ đó là con gái bà đang có “vấn đề” thật.

Hai chị em cãi nhau, em trai định ra giơ chân đá chị gái. Ngay lập tức, Bảo An đã rút điện thoại và tuyên bố sẽ gọi cảnh sát nếu em động vào người chị.

Và chuyện lôi điện thoại ra gọi cảnh sát của Bảo An thường xuyên hơn chỉ cần cô cảm thấy mình bị xâm phạm từ quyền riêng tư cho tới có sự đe dọa tinh thần. Nhìn con như thế, bà Linh càng buồn bã.

Tìm bạn trai mong “câu”được con về nước

Con gái bà Linh đã học xong đại học và thạc sĩ ở Singapore, bà mong con về nước nhưng đều nhận được câu trả lời là không. Bảo An mỗi năm chỉ về vài ngày. Mấy hôm trước, con gái về chơi bà Linh mừng quá nhưng được 2 ngày thì đã cãi nhau với cả gia đình.

Bà Linh ra ngoài ăn sáng, Bảo An gọi hỏi mẹ ăn sáng không? Bà giải thích lòng vòng là mẹ đi chợ rồi ăn sáng luôn… nhưng con gái bà nói lớn: “Mẹ chỉ cần trả lời yes or no”. Ý của Bảo An mẹ hãy nói có hay không rồi mới giải thích. Bà Linh đành ậm ừ “mẹ xin lỗi con”.

Năm ngoái, con trai người quen của bà Linh sang Singapore du học. Bà Linh gửi quà cho con gái và kèm theo lời nhắn nhủ nhờ cậy có thể tán đổ con gái để nó chịu về nước. Tuy nhiên, Bảo An biết được kế hoạch của mẹ. 

Cô gọi về nói với mẹ là sẽ không về nước và anh bạn kia không hợp lý do chỉ là khi nói chuyện với cô, người đàn ông mà bố mẹ muốn gửi gắm Bảo An đã ho.

Bảo An cho rằng, ho là dấu hiệu của bệnh tật có thể là bị lao và cần phải khám sức khỏe. Hay như việc chàng trai đó mặt có nhiều mụn cũng trở thành điểm “chết” với An vì cô cho rằng cần phải điều trị mụn mới là người an toàn, khỏe mạnh.

Bà Linh thở dài, ho thì thay đổi thời tiết cũng ho, mụn thì hầu như ai chẳng có. Con gái bà vẫn chê và lấy đủ lý do để không phải về nước. Bà Linh than thở “cho con đi du học tôi đã mất con”.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Theo infonet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ