Đi chợ Tết miền Tây

GD&TĐ - Ngày Tết ở miền Tây vui nhất là đi chợ. Chợ là nơi tập trung các sản vật ngon nhất, đẹp nhất để phục vụ mùa Tết. Chợ không chỉ được tổ chức trên bờ, mà còn ở trên sông với hình thức chợ nổi.

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) không khí mua bán sầm uất, không thua kém gì chợ trên đất liền.
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) không khí mua bán sầm uất, không thua kém gì chợ trên đất liền.

“Linh hồn Tết” vùng sông nước

Từ trung tuần tháng Chạp trở đi là người dân miền Tây chuẩn bị “ăn Tết”. Mặc dù là chợ quê, đời sống người dân lam lũ nhưng mỗi người vẫn không quên đi chợ mua sắm trong những ngày cuối năm để đón Tết Nguyên đán theo truyền thống.

Có dịp hòa vào nhịp sống vùng đồng bằng châu thổ, sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị về cách “ăn Tết” của người dân miền Tây.

Với nhiều người miền Tây, chợ Tết là điểm đến để thưởng lãm, để sắm Tết cho không gian gia đình, cho mâm cơm và tiệc đãi khách ngày xuân. Đó còn là văn hóa, phong tục từ xa xưa được ông bà truyền lại cho con cháu.

Ngày nay, đô thị hóa nhanh, dịch vụ, hàng hóa đa dạng nên việc mua, bán dễ dàng hơn. Nhưng chợ Tết ở miền Tây vẫn được duy trì như hồn cốt ở vùng sông nước, ai đi đâu về đâu cũng nhớ đến chợ Tết.

Không khí chợ Tết ở miền Tây Nam Bộ sôi nổi, nhộn nhịp hơn bao giờ hết và có những điểm rất riêng không nơi nào có được. Người dân vất vả quanh năm, nên xem ngày Tết là dịp để nghỉ ngơi, tri ân ông bà, tổ tiên và xóm làng.

Đáp ứng nhu cầu đó, chợ Tết bán đủ thứ món ăn chơi. Ngày Tết, chợ cũ mở rộng, nơi bến sông, dọc đường, quanh khu dân cư mọc thêm nhiều chợ mới. Tất cả đều xôn xao, tấp nập người mua kẻ bán, mặt hàng nào cũng hút khách.

Chợ Tết bắt đầu từ ngày 23 âm lịch khi cúng ông Công ông Táo, kéo dài đến tận chiều 30 Tết (nhộn nhịp nhất là phiên chợ từ ngày 28 đến trưa 30 Tết). Chợ bán theo nhu cầu mua sắm trong quan niệm của người phương Nam nên hầu hết hàng hóa đều có 2 màu chủ đạo được cho là may mắn là vàng và đỏ. Hoa nhiều nhất là cúc, vạn thọ, các loại trái cây như dưa hấu, quýt, bưởi, bánh mứt…

Nổi bật nhất là chợ hoa, chợ trái cây “trên bến dưới thuyền” nhóm họp một lần vào khoảng thời gian hai tuần trước Tết Nguyên đán. Hoa quả đủ chủng loại từ các làng trồng hoa đua nhau về chợ Tết trên những chiếc ghe xuồng làm nên nét đặc trưng của chợ Tết quê, nơi “họp mặt” của những vật phẩm dân dã, cây nhà lá vườn.

Vì tất cả những người buôn bán hầu như sẽ nghỉ ngơi trong những ngày Tết nên người mua nảy sinh tâm lý mua dự trữ, nhà nhà đều đi mua sắm trước những ngày Tết cổ truyền. Giàu hay nghèo, sang trọng hay khốn khó cũng đều cố gắng lo được cái Tết tươm tất nhất trong khả năng của mình.

Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm, mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn”, mà đó là thói quen, phong tục đẹp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Người dân vùng sông nước đi chợ mua hoa ngày giáp Tết.

Người dân vùng sông nước đi chợ mua hoa ngày giáp Tết.

Nhộn nhịp chợ trên sông

Cứ vào dịp cuối năm, chợ nổi lại đông đúc nhộn nhịp hẳn lên, tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa chợ của miền sông nước. Cũng giống trên bờ, chợ Tết trên sông họp từ rất sớm, những chiếc xuồng, ghe, nối đuôi nhau chở theo các mặt hàng phục vụ cho bà con. Hòa chung tiếng mua bán là tiếng cười nói vui vẻ, tạo nên không khí náo nhiệt đầy ấn tượng trên sông nước.

Chợ nổi là “đặc sản” của vùng sông nước miền Tây và gắn liền với sự phát triển của vùng suốt hàng trăm năm qua. Chợ nổi được hình thành khá sớm, là chợ đầu mối chuyên cung cấp trái cây, hoa kiểng, các loại rau, củ, quả có quy mô lớn.

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng)… không khí mua bán rất sầm uất, không thua kém gì chợ trên đất liền.

Sau ngày đưa ông Táo về trời, chợ nổi thêm phần nhộn nhịp, từ tờ mờ sáng đã có hàng nghìn chiếc ghe, xuồng các nơi tụ họp về chở nông sản, hàng hóa phục vụ thị trường Tết.

Năm nay, bà con làm nghề nông ở ĐBSCL phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá nên cái Tết Nhâm Dần sẽ sung túc, ấm cúng hơn. Những chiếc ghe chở đầy ắp hoa, trái cây, cây cảnh… rực rỡ sắc màu trên chợ nổi như hân hoan chào đón một mùa xuân mới ấm áp và tràn ngập niềm vui.

Không khí se lạnh mùa Tết làm cho phiên chợ thêm phần náo nhiệt, cánh thương hồ đang tất bật mua bán hàng hóa, người dân cũng bơi xuồng tấp vào để mua hàng về nhà chuẩn bị vui xuân, đón Tết.

Ngày Tết ở miền Tây vui nhất là đi chợ, chợ là nơi tập trung các sản vật ngon nhất, đẹp nhất.

Ngày Tết ở miền Tây vui nhất là đi chợ, chợ là nơi tập trung các sản vật ngon nhất, đẹp nhất.

Mọi việc mua bán diễn ra rất nhanh, việc trả giá, thỏa thuận giữa người mua, kẻ bán cũng chớp nhoáng. Tới khoảng 9 giờ sáng là chợ tan, mạnh ai nấy về để chuẩn bị ghe đi ăn hàng cho buổi chợ hôm sau. Giáp Tết, đến chợ nổi sẽ cảm nhận không khí sông nước miệt vườn hết sức yên bình và sung túc.

Nào là hoa Tết, dưa hấu, trái cây, rau, củ… trong tích tắc được chất đầy ghe và hối hả tỏa đi muôn nơi. Trời rạng sáng, hoa từ muôn nẻo theo xuồng ghe tìm về chợ nổi. Hoa trên xuồng chèo, trên ghe máy... khiến cả một khúc sông rực rỡ màu hoa. Sắc hoa làm nên “chiếc áo mới” cho chợ nổi.

Chợ nổi những ngày giáp Tết cũng đón nhiều thương hồ, thuyền bè khắp nơi ghé đến, số lượng hàng hóa tăng lên nhiều lần so với ngày thường, thời gian họp chợ cũng kéo dài thêm. Cả khu chợ như “phình” to, lấn gần hết cả lòng sông và sôi động, náo nhiệt với đủ loại âm thanh của hàng trăm ghe, tàu.

Mặc dù, chợ nổi xôm tụ hẳn lên, người đi chợ đông vui hơn, nhưng con người vẫn thế, vẫn bình dị mộc mạc. Tình người chợ nổi được thể hiện trong mỗi cử chỉ, lời nói mộc mạc, thân thiện cũng như trên những gương mặt rạng ngời và ánh mắt vô tư.

Len lỏi vào chợ nổi trong những giờ đầu nhóm họp sẽ cảm nhận không khí chợ nổi xưa rất đặc trưng. Đó là hình ảnh những ghe chở đầy ắp hàng hóa, trái cây ken sát nhau, ánh đèn leo lét trong sương mờ cùng với tiếng ca vọng cổ như hòa nhịp vào màn đêm…

Người dân thưởng thức hương vị Tết bằng nhiều thú vui khác nhau, rất đa dạng. Thế nên cụm từ “ăn Tết” bao hàm nhiều ý nghĩa: Đón Tết, chơi Tết, chúc Tết, mừng tuổi Tết... Trong không khí náo nức chuẩn bị cho một cái Tết thật sự đầy đủ về vật chất và tinh thần, có một thú vui mà bất cứ ai, từ già đến trẻ đều rất thích là đi chợ Tết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.