(GD&TĐ) - Có thể nói, chưa bao giờ việc in ấn, xuất bản sách tham khảo “nở rộ” như hiện nay. Sách tham khảo ngày một nhiều, vừa phong phú về chủng loại lại được trình bày bắt mắt, được bày bán la liệt từ các cửa hàng sách đến các sạp “di động” ở từng góc phố, công viên.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, phải vật lộn với từng đầu sách, việc các nhà xuất bản tấn công vào thị trường sách tham khảo - một thị trường rộng lớn có thể đáp ứng nhu cầu của hơn 20 triệu học sinh, sinh viên là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, song song với thực trạng “nở rộ” sách tham khảo, không ít cuốn sách loại này có nội dung yếu kém, thậm chí sai lệch, phản cảm, đi ngược với thuần phong mỹ tục của người Việt.
Cách đây chưa lâu, trong sách tham khảo cho trẻ em có cờ Trung Quốc, hay gần hơn là những bài toán phản cảm được PV Đài truyền hình Việt Nam đưa ra trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” hôm 24/11 là những ví dụ sinh động.
Nguyên nhân chính dẫn đến “loạn” sách tham khảo là do khâu quản lý. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Mấy ngày nay, chuyện “loạn” sách tham khảo lại được “xới” lên trên các mặt báo và một số ý kiến vội vàng quy chụp đó là trách nhiệm của ngành Giáo dục(?!).
Thực tế, việc quản lý xuất bản, trong đó có mảng sách tham khảo ở nước ta đang có nhiều bất cập. Sách tham khảo dùng cho giáo viên, học sinh rõ ràng thuộc lĩnh vực giáo dục, nhưng Bộ GD&ĐT lại không có chức năng quản lý chất lượng nội dung của chúng.
Trong khi đó, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) được giao nhiệm vụ quản lý trong mọi hoạt động xuất bản nhưng lại không chịu trách nhiệm về nội dung các ấn phẩm xuất bản. Trách nhiệm về nội dung các ấn phẩm xuất bản thuộc về Tổng biên tập của các nhà xuất bản.
Có điều, các nhà xuất bản, vì nhiều lý do khác nhau mà chủ yếu là vì lợi nhuận, vì chạy đua với thời gian mà buông lỏng khâu biên tập, kiểm duyệt.
Nhận định về thực trạng xuất bản ở nước ta, ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam - bức xúc: “Chúng ta hiện đang coi hoạt động xuất bản là một hoạt động không thuần túy hướng tới lợi nhuận (phục vụ các mục tiêu chính trị, giáo dục, truyền thống...) nhưng lại để cả xã hội hành xử với xuất bản như một ngành kinh doanh thuần túy”.
Hàng năm, vào đầu năm học, các đầu sách tham khảo cứ lũ lượt “ra lò”, trong đó có không ít đầu sách kém chất lượng, nhiều “sạn” và tất nhiên, mục tiêu mà chúng hướng tới là các nhà trường, học sinh, sinh viên...
Trường học không phải là “ốc đảo” trong lòng xã hội. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Thấy được thực tiễn này, Bộ GD&ĐT đã chủ động triển khai biên soạn và ban hành văn bản quy phạm kỹ thuật để dựng lên “hàng rào kỹ thuật” trước cổng trường nhằm đưa tài liệu tham khảo vào nhà trường với liều lượng thích hợp, chặn đứng những tài liệu, cuốn sách phản giáo dục, không khoa học, không phù hợp với thực tiễn”.
Xa hơn nữa, cũng theo lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông “ban hành thông tư liên tịch nhằm xác định trách nhiệm của nhà xuất bản trong việc phát hành những tài liệu liên quan đến giáo dục ngoài thị trường - khu vực chúng tôi không có thẩm quyền quản lý trực tiếp”.
Thực ra, từ năm 2008, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa phổ thông, sách tham khảo và cho đến nay, về cơ bản, những nội dung trong công văn này vẫn phù hợp với tình hình thực tại.
Trong khi chờ đợi kết quả “hiệp thương” giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Thông tin và Truyền thông, cách tốt nhất để tự bảo vệ mình là dựng lên “hàng rào kỹ thuật” trước cổng trường. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, những việc làm của Bộ GD&ĐT như vậy là thấu tình, đạt lý.
Thụy Anh