Đến với bài thơ hay: Về thăm mẹ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Tình mẹ bình dị mà thiêng liêng vô cùng đã khơi nguồn cảm hứng để nhà thơ Đinh Nam Khương sáng tác bài thơ 'Về thăm mẹ'.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Con về thăm mẹ chiều đông

Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà

Mình con thơ thẩn vào ra

Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi

Chum tương mẹ đã đậy rồi

Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa

Áo tơi qua buổi cày bừa

Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm

Đàn gà mới nở vàng ươm

Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

Đinh Nam Khương

“Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn”

Tình mẹ bình dị mà thiêng liêng vô cùng đã khơi nguồn cảm hứng để nhà thơ Đinh Nam Khương sáng tác bài thơ “Về thăm mẹ”. Thi phẩm là tiếng nói từ trái tim dạt dào tình yêu thương, niềm nhung nhớ khôn nguôi khi người con nơi xa về thăm nhưng mẹ vắng nhà.

Bài thơ “Về thăm mẹ” gồm 14 câu theo thể lục bát truyền thống với lối gieo vần và ngắt nhịp đúng luật mà âm điệu tự nhiên, dìu dặt, du dương:

Con về thăm mẹ chiều đông

Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà

Mình con thơ thẩn vào ra

Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi

Ngay từ những câu mở đầu bài thơ, với lối ngắt nhịp chẵn, những câu thơ tự nhiên, lời thơ giản dị dường như không một chút dụng công nghệ thuật đã nói rõ thời gian người con về thăm mẹ là một buổi chiều mùa đông. Cái lạnh của ngoại cảnh, của thời tiết càng dễ gợi nhớ, gợi thương.

Và, giữa không gian ngôi nhà quen thuộc lại mang điều khác biệt: “Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà”. Câu thơ thật dung dị nhưng hình ảnh nhiều sức gợi: Căn bếp là nơi luôn gắn với mẹ - từ công việc nội trợ đến những bữa cơm gia đình sum họp đầm ấm.

Việc “mẹ không có nhà” mang ý nghĩa bản lề, mở ra một trường cảm xúc mới. Vậy nên chủ thể trữ tình - người con mới có hàng loạt những diễn biến tiếp theo trong hành động và cảm xúc: “Mình con thơ thẩn vào ra/ Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi”. Từ láy “thơ thẩn” chỉ tâm trạng nghĩ ngợi vẩn vơ, lan man về một điều gì đó.

Hình ảnh “Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi” có thể tả thực cơn mưa bóng mây bất ngờ của đất trời; có thể là nỗi lòng nhớ thương mẹ trào dâng vỡ òa trong lòng nhân vật trữ tình. Dù là để biểu đạt ở khía cạnh nào thì câu thơ cũng rất ấn tượng, gieo cảm xúc bâng khuâng cho người đọc.

Cảnh vật quanh ngôi nhà của mẹ được tái hiện qua những câu thơ giàu sức gợi:

Chum tương mẹ đã đậy rồi

Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa

Áo tơi qua buổi cày bừa

Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm

Đàn gà mới nở vàng ươm

Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ở đây, tác giả đã sử dụng nghệ thuật liệt kê kết hợp với miêu tả: chum tương, nón mê, áo tơi, nơm hỏng vành - toàn những đồ dùng quen thuộc của nhà nông nghèo - cùng với đàn gà vừa nở “vàng ươm” để khéo léo ngợi ca đức tính chịu thương chịu khó trong mọi công việc của mẹ.

Từ đây, ta thấy bàn tay tảo tần sớm hôm của mẹ ngày ngày vun vén, chăm sóc cho sự yên vui của tổ ấm gia đình. Và, cảnh vật, đồ dùng trong nhà vẫn như xưa nhưng lúc mẹ có nhà không mấy ai để ý chăng? Bây giờ mẹ đi vắng, đồ dùng nào cũng chất chứa kỷ niệm về đức hy sinh và tình thương của mẹ.

Cao trào cảm xúc của bài thơ kết đọng ở những câu cuối:

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

Nỗi nhớ thương mẹ vốn đã thường trực trong tâm trạng, giờ đây thêm một giọt nước tràn ly. Đó là hình ảnh trái na cuối vụ rụng xuống bởi “mẹ dành phần con”, làm chủ thể “nghẹn ngào... Rưng rưng”... Nếu không thiết tha đau đáu niềm thương nhớ mẹ, người con không thể có được những cảm xúc, những nỗi niềm lắng sâu như vậy.

Bài thơ “Về thăm mẹ” của nhà thơ Đinh Nam Khương (1949 - 2018) đã đạt giải A cuộc thi thơ năm 1981 - 1982 của báo Văn nghệ. Thi phẩm cũng được tặng thưởng Bài thơ hay nhất năm 1992 của tạp chí Văn nghệ quân đội và giải B cuộc thi thơ Lục bát 2002 - 2003.

Đáng quý hơn nữa, bài thơ được tuyển chọn trong chương trình Ngữ văn lớp 6 của bộ sách Cánh Diều (NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ