Vũ Thị Thanh Hòa
Chải tóc cho bà
Cháu ngồi chải tóc cho bà
Hương chanh hương sả ngày xa ùa về
Trầm luân nắng cháy triền đê
Địu con bà đội nón mê giữa đồng
Một đời thiếu vắng bóng ông
Tòng quân nhập ngũ qua sông một chiều
Mắt đầy bao nỗi thương yêu
Dáng người bươn bả gánh điều chơi vơi
Sợi quăn sợi bạc bà ơi
Nhuốm màu sương gió giờ vơi nửa đầu
Áo sờn miếng vá bà khâu
Chân trần bẫm gót màu nâu đất bùn
Nắng chiều sót sợi tóc mun
Mái dày xưa khỏa lấp hun hút mùa
Tóc bà vài sợi lưa thưa
Tuổi già cặm cụi gió lùa mong manh
Lòng bà hoa trái thảo lành
Bánh đa bánh đúc cội nhành nắng mai
Cháu ngồi chải những dặm dài
Mưa phùn nối đọt Giêng Hai dãi dầu
Nhổ đi bao sợi tóc sâu
Mà không ngăn kịp chuyến tầu thời gian…
Đặc biệt tình bà cháu ấm áp, xúc động, thiêng liêng đã được biết bao thi sĩ biểu đạt tinh tế, để lại những dư âm trong lòng các thế hệ độc giả như: “Bếp lửa” của Bằng Việt, “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh…
Trong mạch cảm xúc gần gũi, bình dị mà thiết tha đó, Vũ Thị Thanh Hòa viết bài “Chải tóc cho bà” đã mang lại cho người đọc những rung động mới mẻ, thấm thía và cả nỗi xót xa trào dâng.
Bài thơ mở đầu bằng lời tự sự rất giản đơn: “Cháu ngồi chải tóc cho bà”, nhưng từ câu thơ thứ hai, bao nhiêu hồi ức, sự việc kéo về trong hành động “chải tóc cho bà” của cháu.
Mái tóc bà không chỉ tỏa ra hương chanh, hương sả quen thuộc từ những “ngày xa ùa về”, mà còn khơi dậy bao nỗi “trầm luân” nhọc nhằn, đắng cay của một đời bà cơ cực, vất vả, lo toan:
“Trầm luân nắng cháy triền đê
Địu con bà đội nón mê giữa đồng”.
Bao truân chuyên bà đã trải qua mà nay cháu hiểu, cháu cảm được nên những câu thơ cứ tự nhiên như mạch cảm xúc tuôn trào:
“Một đời thiếu vắng bóng ông
Tòng quân nhập ngũ qua sông một chiều
Mắt đầy bao nỗi thương yêu
Dáng người bươn bả gánh điều chơi vơi”.
Một câu nhắc việc chải tóc cho bà mà bảy câu thơ tiếp theo toàn là hồi ức về cuộc đời bà. Bà hiện lên trong những vần thơ là điển hình cho bao người phụ nữ Việt Nam xưa đã từng đi qua chiến tranh, không chỉ đảm đang tảo tần nuôi con, chăm cháu, gánh vác việc gia đình khi chồng tòng quân, mà bà còn giàu nghị lực và đức hi sinh.
Hai từ láy trong một câu thơ: “bươn bả”, “chơi vơi” đủ để diễn tả tinh tế dáng vẻ tất bật và những “trầm luân” mà bà đã phải gánh gồng.
“Cháu ngồi chải tóc cho bà” mà như chiêm nghiệm về cuộc đời bà, thương bà quặn lòng đến nỗi phải thốt lên:
“Sợi quăn sợi bạc bà ơi
Nhuốm màu sương gió giờ vơi nửa đầu”.
Bàn tay bà xưa kia chăm chút cho con, cho cháu: “Áo sờn miếng vá bà khâu” nhưng nay thời gian đã nhuộm bạc mái tóc của bà. Mái tóc dày đen óng ả ngày nào giờ đã “vơi nửa đầu”. Cháu chải tóc cho bà mà xót, mà thương:
“Nắng chiều sót sợi tóc mun
Mái dày xưa khỏa lấp hun hút mùa
Tóc bà vài sợi lưa thưa
Tuổi già cặm cụi gió lùa mong manh”.
Tranh minh họa ITN. |
Đó là những câu thơ được viết bằng cảm xúc chân thành, xuất phát từ tận đáy lòng của người cháu khi giật mình nhận ra tuổi già đã đến trên mái đầu của bà nên người đọc cũng rưng rưng cảm động.
Từ “mong manh” trong “gió lùa mong manh” vừa tả thực gió lùa vào mái tóc lưa thưa nhuộm màu sương gió của thời gian, còn sót sợi tóc mun hiếm hoi vừa diễn tả hàm ẩn tâm trạng lo lắng của cháu vì tuổi già của bà như chuối chín cây.
Mượn cớ “chải tóc cho bà”, Vũ Thị Thanh Hòa đã phác họa chân dung người bà điển hình với cuộc đời và phẩm chất đáng quý. Dù gian lao, vất vả cả đời nhưng lòng bà luôn “thảo lành”:
“Lòng bà hoa trái thảo lành
Bánh đa bánh đúc cội nhành nắng mai”.
Cháu ngồi chải tóc cho bà mà như chải những dặm dài thời gian, chải những dãi dầu cả đời bà đã trải qua:
“Cháu ngồi chải những dặm dài
Mưa phùn nối đọt Giêng - Hai dãi dầu”.
Biết bao người đọc tìm thấy bóng dáng bà mình, mẹ mình qua hình ảnh người bà trong bài thơ và thức nhận về tình cảm của chính mình đối với bà, với mẹ trong những vần thơ giản dị, xúc động đó.
Bài thơ khép lại bằng hai câu lục bát đầy cảm xúc và dư ba:
“Nhổ đi bao sợi tóc sâu
Mà không ngăn kịp chuyến tầu thời gian…”.
Đó là quy luật của đời người, của tạo hóa mà chẳng ai có thể ngăn được “chuyến tàu thời gian”. Vì vậy, bài thơ thoáng nỗi xót xa qua dấu chấm lửng, nghẹn ngào. Thương bà mà chẳng cần nói một từ “thương” nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tâm tình sâu lắng của cháu dành cho bà kính yêu.
Bài thơ được viết bằng thể lục bát với âm điệu ngọt ngào, lắng sâu; lời thơ giản dị, tự nhiên, nhịp thơ nhẹ nhàng, đều đều dễ đi vào lòng người. Tình cảm của cháu dành cho bà với bao yêu thương, trìu mến đã khơi dậy trong chúng ta tình cảm trân quý gia đình, thêm biết ơn và thương yêu bà mình nhiều hơn.