Đến với bài thơ hay: Đong đầy tình yêu trẻ thơ

GD&TĐ - Nhà thơ Lê Hồng Thiện, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh tại Hưng Yên. Ông là tác giả của 11 tập thơ viết cho thiếu nhi.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Lê Hồng Thiện

Bé soi gương

Lần đầu cầm gương

Bé cười bạn cười

Yêu sao yêu thế!

Trong gương có người

Bé giơ tay bắt

Bạn cũng giơ theo

Đã không chạy mất

Lại cùng bé reo

Bé lật mặt sau

Bỗng bạn biến mất

Cái gương mỏng thế

Giấu bạn vào đâu?

Rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông đã được chọn in trong sách giáo khoa, bao năm qua đồng hành cùng các bạn đọc nhỏ tuổi.

Các sáng tác của Lê Hồng Thiện đều nhận được những giải thưởng rất đáng khích lệ: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn (Hải Hưng); Giải thưởng VHNT Phố Hiến; Giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt nam; Giải thưởng của Bộ GD&ĐT... cùng nhiều giải thưởng ý nghĩa khác. Nhà thơ Lê Hồng Thiện từng chia sẻ: “Một trong những yếu tố tạo nên thành công của sáng tác cho các em, chính là tính phát hiện thông qua cách nhìn, cách cảm của con trẻ”. Trong đó, “Bé soi gương” là một ví dụ.

Bài thơ với ba khổ xinh xắn, giàu chất điện ảnh đã tạo được sự thích thú không chỉ với những độc giả nhí:

“Lần đầu cầm gương

Bé cười bạn cười

Yêu sao yêu thế!

Trong gương có người”.

Một em bé lần đầu biết đến và sử dụng chiếc gương soi, thú vị thay cũng là lần đầu tiên phát hiện ra điều kì diệu, tưởng như chỉ có trong truyện thần thoại: “Trong gương có người”!

Suy nghĩ ngỡ hồn nhiên và có phần ngây ngô nhưng phù hợp với tâm lí lứa tuổi, qua đó ngầm cho thấy, em bé trong bài thơ cũng đã biết quan sát, ưa khám phá và khá tinh nhanh. Vì thế, hành động tiếp theo của bé là hết sức tự nhiên trong một tâm trạng vui vẻ, đầy háo hức:

“Bé giơ tay bắt

Bạn cũng giơ theo

Đã không chạy mất

Lại cùng bé reo”.

Thêm một phát hiện dựa trên sự quan sát thực tế: Trẻ con rất dễ bắt quen với nhau, chỉ cần qua một lần gặp gỡ là đã có thể kết thân ngay được. Bởi vậy mà cảm nhận của bé về người bạn trong gương vừa đáng yêu mà cũng hết sức tình cảm. Bạn “đã không chạy mất/ Lại cùng bé reo”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Là đứa trẻ tinh nhanh, đương nhiên bé sẽ mau chóng khám phá thêm những điều mới lạ tiếp theo:

“Bé lật mặt sau

Bỗng bạn biến mất

Cái gương mỏng thế

Giấu bạn vào đâu?”.

Lại một phát hiện có thể nói là bất ngờ với vẻ hơi lo lắng rất trẻ con: Người bạn trong gương mới vừa tay bắt mặt mừng, mới vừa reo cười vui vẻ với mình, sao lại bỗng dưng “biến mất” được nhỉ? Đến đây, có lẽ người đọc cũng khẽ mỉm cười thích thú khi hình dung ra cảnh cô (cậu) bé con, với khuôn mặt ngác ngơ, đang nghiêng ngó, chau đôi lông mày nhỏ xinh, đáng yêu khi khám phá ra điều kì lạ mà chưa thể có ngay lời giải đáp:

“Cái gương mỏng thế

Giấu bạn vào đâu?”.

Hành động rất tự nhiên: “Bé lật mặt sau? Bỗng bạn biến mất” và câu hỏi ngây thơ nhưng chân thực: “Cái gương mỏng thế/ Giấu bạn vào đâu?” đã làm cho nhan đề cũng như tứ thơ bừng lên trong sáng. Qua đó thể hiện được sự quan sát tinh tế, tình yêu trẻ thơ đong đầy trong tâm hồn thi sĩ tươi non của tác giả Lê Hồng Thiện.

Em bé trong bài thơ đang còn rất nhỏ. Cảm nhận về độ dày, mỏng sẽ khó hơn hình dung về kích thước to, nhỏ của một đồ vật. Bởi vậy, nếu được phép góp ý, tôi muốn tác giả thay chữ “mỏng” trong câu “Cái gương mỏng thế” bằng chữ “nhỏ”, để phù hợp hơn với tâm lí cũng như nhận thức của nhân vật thơ.

Nhưng trên tất cả, “Bé soi gương” thực sự là một tác phẩm hay, đáng yêu và sẽ luôn chiếm được cảm tình của các em và cả người lớn chúng ta!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ