Đến với bài thơ hay: Phấp phỏng... phập phồng

GD&TĐ - Lâm Xuân Thi là một thi sĩ say thơ đặc biệt ở con chữ và cả ở khâu mở hầu bao tài trợ cho văn, thi sĩ.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Lâm Xuân Thi

Kể từ

Kể từ khi nhớ khi quên

Đợi người vui để đến phiên mình buồn

Em xưa áo mỏng cánh chuồn

Tình xưa nghĩa cũ có còn tơ vương

Kể từ khi ghét khi thương

Đợi thêm tôi những khi nhường nhịn nhau

Em xưa giờ bước qua cầu

Dòng sông xưa cũng trôi vào hư không

Kể từ anh bước đường cùng

Tạ ơn đời chẳng bao dung lỗi lầm

Em xưa giờ đổi chỗ nằm

Chiếu chăn mùa cũ đi hành hương xa

Kể từ khi quỷ khi ma

Đôi khi ta cũng thành ra con người

Em xưa thề thốt giữa trời

Tình xưa nay khấn nguyện lời khác xưa...

Là một trong những thi nhân hiếm hoi thành đạt trong kinh doanh - ông chủ của hãng xe đạp Martin107 nổi tiếng trên đất Sài Thành - ông không chỉ đắm đuối với con chữ do mình tạo ra mà còn luôn hết mình với những cuộc thi thơ ở vai trò mạnh thường quân. Điều ấy, hầu như các văn nghệ sĩ Sài Gòn ai ai cũng biết. Với thơ, ông luôn đắm đuối cùng thể lục bát, dành những chắt lọc tâm tình và con chữ lung linh xúc động đậm ký ức nhất. “Kể từ” là một trong những bài lục bát tiêu biểu của thi nhân.

Thi phẩm này có 4 khổ, đều bắt đầu bằng hai chữ “kể từ”. Một xuất phát điểm mang bóng dáng ấn định thời gian từ tâm thức, để sẵn sàng cho những tâm thế sống khác xuất hiện là phải chăng nhân vật “em” có tác động không nhỏ đến tâm tư cuộc sống của nhân vật trữ tình trong bài thơ?

Ban đầu là trạng thái “khi nhớ khi quên” lãng đãng mơ hồ là cốt để bộc bạch tâm tư “Đợi người vui để đến phiên mình buồn”. Ơ, sao lại có sự luân phiên lạ lùng như vậy? Một ước mong nhân văn hay chỉ do cái sự mơ hồ kia gợi ra là muốn đợi đến cái đáng ra phải đến? “Buồn” là còn dính dấp, tơ vương; dĩ nhiên “vui” lên được, “vui” thật lòng thì còn chi vương lụy mà lo, mà phiền? Do thế, cái đáng lo là đang đợi, có nghĩa điều có thể kia chưa xảy ra, nên phải lo, phải buồn là đương nhiên. “Em xưa” hồn nhiên “áo mỏng cánh chuồn” là vô tư lắm. Sao chẳng phấp phỏng lo cho được: “Em đừng như con chuồn chuồn/ Khi vui nó đậu khi buồn nó bay”. (Ca dao)

Bởi thế, câu hỏi tu từ đã xuất hiện phía dưới là để một lần nữa xác nhận rõ cái điều đang phấp phỏng chực chờ phía trên “tình xưa nghĩa cũ có còn tơ vương”, là cũng phải.

Ý thơ mượn cách nói “khi ghét khi thương” là muốn đề cập đến lúc “giận thì giận mà thương thì thương” đó thôi. Câu thơ “Đợi thêm tôi những khi nhường nhịn nhau” là y như một hành động nêm nếm cho tình yêu thêm gia vị. “Tôi nhường nhịn” hay “em nhường nhịn” thì cũng là điều hiển nhiên một khi tình yêu có những lúc “căng thẳng” cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Hơn nữa, ý thơ nói lên như thế là để cố gắng nhắc về thời tha thiết ấy có biết bao những kỉ niệm dấu yêu, khó quên.

Nhưng nhắc thì vẫn nhắc thôi, hiện trạng giờ đã khác xưa quá nhiều rồi “Em xưa giờ bước qua cầu” thì tránh sao khỏi xót xa “Dòng sông xưa cũng trôi vào hư không”. Tình cảnh dần chìm vào mịt mùng, hư ảo. Tình xưa đã dứt. Nhưng liệu rồi, tâm thế nhân vật trữ tình có thể trống rỗng mà an yên được không? Rất khó, bởi như cụ Nguyễn Du từng viết về tình yêu đứt đoạn (trong truyện thơ “Đoạn trường tân thanh”) “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” đó thôi.

Và kia, một sự thực lại vồng lên khiến chúng ta không thể không nhắc đến. Đó được xem là một điểm nhấn không bao giờ quên được với nhân vật trữ tình “kể từ” khi “anh” lâm vào cái thế “bước đường cùng” ấy. Ngay lúc em “bước qua cầu” ấy, lúc tưởng như chẳng còn cái gì để bám víu, tất cả dường như chỉ còn lại là “hư không” nhưng cũng chính lúc đó, anh đã đứng lên và làm lại để bây giờ anh mới có thể an nhiên nhìn lại mà “tạ ơn đời” vì chính cái “chẳng bao dung lỗi lầm” cho anh kia đã giúp anh nhìn thẳng vào cuộc đời mà đứng lên đó thôi.

Còn “em” thì, vâng, nhân vật trữ tình đã vẫn không thể “vui” lên mà quên được hình bóng “em”. Tâm tình giằng níu tơ vương. Do vậy, lời thơ cất lên na ná một kiểu chép miệng mà buột ra như sự dõi theo:

“Em xưa giờ đổi chỗ nằm

Chiếu chăn mùa cũ đi hành hương xa”.

Một sự thay đổi quá sức tưởng tượng. “Em xưa” giờ đã khác đi nhiều quá làm bật ra sự so sánh y hệt tình cảnh đã “đổi chỗ nằm”, rồi lại như đã chọn cho mình con đường đi khác trước kiểu “hành hương xa”. Hình ảnh “hành hương xa” gợi ra sự âu lo, thấp thỏm và mịt mùng. Thành thử, bây giờ có níu kéo cũng chẳng được. Tất cả dường như chỉ còn trong mơ hồ, bảng lảng. Càng cố gắng thì chỉ càng kéo mình vô im lặng mà thôi “chiếu chăn mùa cũ” giờ đã “đi hành hương xa” thì cũng dồn chứa vào ý thơ chia xa, rời bỏ. Giọng thơ nằng nặng tâm sự buồn.

Và rồi cuối cùng, sau những lần bộc bạch với “em”, với cuộc đời thì nhân vật trữ tình dường như có ý muốn gom tụ lại, thành thử đoạn bốn, cũng là đoạn kết bài, như một kết luận tổng hợp về cuộc đời:

“Kể từ khi quỷ khi ma

Đôi khi ta cũng thành ra con người

Em xưa thề thốt giữa trời

Tình xưa nay khấn nguyện lời khác xưa”.

Giọng thơ giãi bày pha chút hài hước nhưng đau đáu một tâm cảm rằng trong cuộc đời này, sau những bề bộn xô bồ, ở đó dĩ nhiên có những giành giật như “ma quỷ” kia thì may ra ta vẫn còn mang được chút ít, có thể là cốt cách, bóng dáng của con người. Câu thơ mang giọng tự vỗ về bởi những gì còn lại vẫn mang hơi hướng phẩm chất con người. Nên, có thể xuất phát từ tâm thế đó, cái tâm thế chắt chiu tin tưởng ở con người từ nhân vật trữ tình “ta” kia mà có được sự đồng cảm để rồi nhẹ nhàng buông ra tâm tình chia sẻ “em xưa thề thốt giữa trời/ tình xưa nay khấn nguyện lời khác xưa”. Một tâm tình hiểu thấu cuộc đời khi con người đã từng trải nghiệm sự thay đổi rất thú vị, giọng thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu sắc. Do vậy, giọng thơ đã thấy có sự thảnh thơi rồi.

Bởi thế, bài thơ “Kể từ” cứ như đang âm thầm thủ thỉ mà gói lại những câu thơ rất hay, độc đáo. “Đợi người vui để đến phiên mình buồn” là câu thơ tuy có phần hơi khó hiểu nhưng lại chất chứa trong đó một giá trị nhân văn, ấy là dùng cách nói trái nghĩa “vui buồn” và sự luân phiên để diễn tả một sự nhường nhịn, một sự lùi bước đúng chỗ, đúng thời điểm rất đáng trân trọng trong tình cảm lứa đôi. “Khi nhớ khi quên” là đủ thời gian để mình “đợi người vui” song mình thì lại… chấp nhận “buồn”. Câu thơ gợi ra sự cô đơn và trống trải. “Chiếu chăn mùa cũ đi hành hương xa” giàu sức gợi. Câu thơ gợi sự đối ngược giữa cái tình xưa nồng mặn (“chiếu chăn mùa cũ”) với tình cảnh xa xôi, không còn thuận chèo mát mái (“đi hành hương xa”).

Có thể nói, “Kể từ” là một thi phẩm bộc bạch tâm tư không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn bằng cả những nhịp điệu. Ngoài nhịp điệu chẵn truyền thống trong lục bát 2/2, 4/4 thì bài thơ có thêm những nhịp lẻ chẵn chêm xen. Lúc thì 3/5 “Đợi người vui/ để đến phiên mình buồn”, “Đợi thêm tôi/ những khi nhường nhịn nhau”, lúc thì 3/1/4 “Dòng sông xưa/ cũng/ trôi vào hư không”, “Đôi khi ta/ cũng/ thành ra con người”. Điều này đã làm cho bài thơ có được một sự diễn ngôn riêng, lạ, độc đáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ