Đến với bài thơ hay: Nơi thương nhớ đong đầy

GD&TĐ - Một mảnh trăng thượng tuần đầu tháng tỏa xuống đồng quê mông lung trong bóng chiều lặng lẽ.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Nguyễn Khoa Điềm

Miền quê

Lại về mảng trăng đầu tháng

Mông lung mặt đồng bóng chiều

Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm

Lúa mềm như vai thân yêu

Mùa Xuân, là mùa Xuân đấy

Thả chim, cỏ nội hương đồng

Đàn trâu bụng tròn qua ngõ

Gõ sừng lên mảnh trăng cong

Có gì xôn xao đằm thắm

Bao nhiêu trông đợi chóng chầy

Đàn em tóc dài mười tám

Thương người ra lính hôm mai

Để rồi bao nhiêu gió thổi

Bên giếng làng, ngoài bến sông

Có tiếng hát như con gái

Cao cao như vầng trăng trong…

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ tiêu biểu thuộc thế hệ các tác giả thơ trẻ những năm chống Mĩ, cứu nước. Thơ ông giàu cảm xúc và đậm chất suy tưởng.

Ngoài trường ca “Mặt đường khát vọng” nổi tiếng, ông cũng thành công ở một số bài thơ ngắn, trong đó có “Miền quê”.

Bài thơ thể hiện vẻ đẹp thanh bình, yên ả với cảnh sắc mùa Xuân nên thơ; hình ảnh con người yêu đời, chất phác và chung thủy. Sâu lắng hơn, từ ký ức về một miền quê thân thương ấy, nhà thơ đã gửi gắm tình yêu thiết tha với quê hương, đất nước - nơi mỗi người sinh ra, trưởng thành và gắn bó suốt đời.

Bài thơ mở đầu với hình ảnh buổi chiều nên thơ nơi miền quê được tác giả Nguyễn Khoa Điềm phác họa bằng những nét đơn sơ, mộc mạc nhưng thật ấn tượng. Một mảnh trăng thượng tuần đầu tháng tỏa xuống đồng quê mông lung trong bóng chiều lặng lẽ.

Đặc biệt là tiếng ếch, tiếng ếch “vùi trong cỏ ấm” như một trò chơi trốn tìm thú vị. Chữ “vùi” rất gợi, thể hiện sự sáng tạo của tác giả trong cách biểu đạt tiếng ếch, nó vừa có lại vừa không, nhất là lúc trời đang chạng vạng. May thay, những gié lúa mềm mại, mướt xanh như bờ vai thân yêu hiện ra đã làm ấm hồn người, làm xao xuyến buổi chiều quê đong đầy hương đồng gió nội:

“Lại về mảng trăng đầu tháng

Mông lung mặt đồng bóng chiều

Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm

Lúa mềm như vai thân yêu”

Trong các mùa của năm, có lẽ mùa Xuân là đẹp tươi và thơ mộng nhất. Nó là mùa của tình yêu, mùa của hạnh phúc lứa đôi và sự sinh trưởng.

Nhà thơ chọn mùa Xuân làm biểu tượng cho vẻ đẹp của bức tranh thanh bình nơi miền quê yên ả. Câu thơ “Mùa Xuân, là mùa Xuân đấy” như một tiếng reo vui, sung sướng, tự hào khi bắt gặp tiếng Xuân về náo nức.

Từ đó, một vùng ký ức tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng ùa về, xôn xao cười nói. Có trò chơi thả chim vui nhộn, có cảnh “cỏ nội hương đồng” thân thuộc đắm say. Có hình ảnh thân thương của đàn trâu no cỏ từ đồng chiều bước về qua ngõ, đôi sừng cong cong ngỡ như gõ vào mảnh trăng non mọc ở cuối trời. Quả là một bức tranh đồng quê mộng mơ được vẽ qua lớp ngôn từ giàu sức gợi cảm và đậm màu sắc hội họa:

“Mùa Xuân, là mùa Xuân đấy

Thả chim, cỏ nội hương đồng

Đàn trâu bụng tròn qua ngõ

Gõ sừng lên mảnh trăng cong”

Phía sau cảnh vật thanh bình nơi miền quê thơ mộng, hình ảnh con người xuất hiện với tâm trạng “bao nhiêu trông đợi chóng chầy”. Đó là những cô gái “tóc dài mười tám”, vốn ngây thơ và hồn nhiên, rung động trước mối tình đầu qua nỗi lòng “xôn xao” ngóng đợi và “thương người ra lính hôm mai”. Chính cảm xúc ấy đã phần nào diễn tả tâm trạng chung nơi những miền quê của đất nước những năm vừa chiến đấu vừa xây dựng:

“Có gì xôn xao đằm thắm

Bao nhiêu trông đợi chóng chầy

Đàn em tóc dài mười tám

Thương người ra lính hôm mai”

Thương người ra lính bảo vệ Tổ quốc, nhưng phía sau họ là hình ảnh quê hương yên bình, tươi đẹp luôn hiện lên thân thương, trìu mến. Một giếng nước, bờ sông gió thổi dường như vẫn ngóng đợi người về.

Đặc biệt, nơi hậu phương ấy, những người con gái xinh đẹp, thủy chung luôn lạc quan, yêu đời và cất cao tiếng hát trong trẻo giữa miền quê. Có thể nói, khổ thơ cuối bài rất giàu hình tượng, tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh đầy sáng tạo, nhờ đó đã góp phần làm cho thi phẩm hấp dẫn và lôi cuốn:

“Để rồi bao nhiêu gió thổi

Bên giếng làng, ngoài bến sông

Có tiếng hát như con gái

Cao cao như vầng trăng trong…”

“Miền quê” là bài thơ đặc sắc của Nguyễn Khoa Điềm. Bằng nghệ thuật so sánh, ngôn ngữ giàu hình tượng và đậm chất hội họa, tác giả đã phác một miền quê trong thẳm sâu ký ức rất đỗi thanh bình và xinh đẹp, đồng thời đó còn là tiếng lòng của nhà thơ thiết tha với quê hương, đất nước và con người Việt Nam chung thủy, yêu đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ