Đến với bài thơ hay: Lắng nghe lời cha dặn

GD&TĐ - Vì 'cha thì không còn khỏe nữa' nên gửi lại con cho đời 'dạy khôn' và chính bản thân con phải tự 'gánh nặng đường đời'.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nguyễn Văn Chương

Dặn con vào đại học

Cha thì không còn khỏe nữa

Con ngoan đời sẽ dạy khôn

Gánh nặng đường đời sắp sửa

Chả ai gánh được thay con.

Vẫn biết bây giờ khác trước

Nào ăn, nào mặc, nào xe

Tiền thuê nhà, tiền điện nước

Sách mà mua chịu ai nghe.

Cha chạy đồng tiền bát gạo

Con đừng chạy điểm, chạy bằng

Ba nước cờ phải xuất tướng

Bảo cha thanh thản được chăng.

Cả nước trăm trường đại học

Người vào mỗi năm trăm ngàn

Con ơi, đừng quên cái gốc

Đua đòi con lính tính quan.

Hỏng việc đã đành là sửa

Hỏng người dễ chữa được đâu

Nhà mình người ít của kiệm

Lòng cha canh cánh lo âu.

Dù bản thân cũng như các con không ai may mắn được đặt bước chân vào giảng đường đại học, thế nhưng, khi đọc bài thơ “Dặn con vào đại học” của tác giả Nguyễn Văn Chương, tôi nghĩ suy và xúc động vô cùng.

“Cha thì không còn khỏe nữa

Con ngoan đời sẽ dạy khôn

Gánh nặng đường đời sắp sửa

Chả ai gánh được thay con.

Vẫn biết bây giờ khác trước

Nào ăn, nào mặc, nào xe

Tiền thuê nhà, tiền điện nước

Sách mà mua chịu ai nghe”.

Mở đầu bài thơ, ta được nghe những lời chia sẻ thủ thỉ mộc mạc, giản dị từ người cha với con. Đó là, khi con nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường đại học, sau mừng vui là nỗi lo bủa vây người cha.

Vì sao đây? Vì “cha thì không còn khỏe nữa” nên gửi lại con cho đời “dạy khôn” và chính bản thân con phải tự “gánh nặng đường đời”. Sự gửi ấy không phải là mặc kệ mà từ biết bao yêu thương, thấu hiểu của cha khi con bước vào giảng đường - nơi ấy bây giờ khác xưa nhiều lắm. Ngoài những tốn kém về ăn ở thì giờ làm sao có thể: “Sách mà mua chịu ai nghe”. Câu nhắc này có lẽ người cha không chỉ dành cho con, mà còn dành cho nhiều người, khi trong cuộc sống ngày càng hiếu đi những san sẻ.

“Cha chạy đồng tiền, bát gạo

Con đừng chạy điểm, chạy bằng

Ba nước cờ phải xuất tướng

Bảo cha thanh thản được chăng”.

Bài thơ nhắc đến chuyện “chạy điểm”, “chạy bằng” - một vấn nạn vẫn nhức nhối trong đời sống xã hội. Ở đây, cũng đều là “chạy” nhưng một đằng là sự dốc sức, tảo tần của mẹ cha cho cuộc sống - hành động vô cùng nhân văn, cao quý - “chạy đồng tiền, bát gạo” - mà con cần khắc ghi; một đằng là sự gian lận đem lại sự ô nhục cho bản thân, gia đình và xã hội - “chạy điểm, chạy bằng” - mà con không được làm.

Vậy nên: “Ba nước cờ phải xuất tướng/Bảo cha thanh thản được chăng?”. Thế ba nước cờ mà tác giả nói ở đây là gì vậy? Nó là: “Nước tiền, nước hậu”, “Nước chiếu tướng” và “Nước đỡ chiếu”.

Ở đây nhân vật trữ tình mượn chuyện cờ tướng để ví von, nói hộ nỗi âu lo của mình quả là đắc địa. Bởi luật cờ đã quy định: Khi tướng bị chiếu thì bắt buộc phải đỡ nước chiếu đó. Không đỡ được thì bị xử thua. Có nghĩa là cha đã già rồi, đã bị... chiếu tướng rồi, nếu các con không chống đỡ được bằng chính nghị lực và trí tuệ của mình thì việc học hành, tương lai của các con sẽ bị thất bại hoàn toàn. Lo là lo như thế, thì làm sao “bảo cha thanh thản được chăng?”.

“Cả nước trăm trường đại học

Người vào mỗi năm trăm ngàn

Con ơi, đừng quên cái gốc

Đua đòi con lính tính quan”.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Bên cạnh đó, người cha không quên khuyên dạy con cái của mình nên có cách sống thanh cao, trọng nghĩa khinh tài, biết nguồn nhớ gốc; hãy tránh xa thói đua đòi, ăn trên ngồi trốc. Có biết bao bài học đau lòng đã xảy ra, khi ngày nay có quá nhiều con trẻ vì đua đòi, thời thượng mà đã tự hủy hoại tương lai nhân phẩm của mình khi sa vào tiêm chích, lô đề, ăn chơi trác táng...

“Hỏng việc đã đành là sửa

Hỏng người dễ chữa được đâu”.

Quả làm cha làm mẹ thì có trăm nghìn nỗi lo cho con cái. Nhưng xem đi rồi ngẫm lại, ta vẫn thấy hằn lên trong trăm nỗi lo vẫn là lo cho đạo đức, nhân phẩm con cái. Bởi nếu hỏng việc này, việc nọ có thể rút kinh nghiệm, khắc phục, sửa chữa chứ nhân cách con người, đạo đức xuống cấp rồi thì làm sao mà sửa được? Cho dù người có tài cán bao nhiêu đi nữa mà thiếu đi cái đức thì cũng chẳng ra gì, cũng chỉ là đồ bỏ, đồ hỏng mà thôi!

“Nhà mình người ít của kiệm/Lòng cha canh cánh lo âu” cũng là lời nhắc nhở của người cha muốn các con của mình phải luôn biết “liệu cơm gắp mắm”, có ý thức tiết kiệm trong những năm tháng là sinh viên cũng như cuộc sống sau này. Ta nên hiểu tiết kiệm ở đây là không tiêu xài lãng phí chứ hoàn toàn không mang nghĩa tấm mẳn, hà tiện, ki bo...

Hẳn thi sĩ Nguyễn Văn Chương là một người cha yêu thương con vô bờ bến nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, chuẩn mực trong cách giáo dục con cái của mình. Tôi tin là các con của thi sĩ sẽ luôn luôn ghi nhớ những lời cha “Dặn con vào đại học” để thành công trong cuộc sống. Và, từ bài thơ này, nhiều độc giả, nhất là độc giả trẻ có thể tham khảo, lắng nghe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ