Truyện ngắn: Món quà của cha

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhìn bộ dạng lóng ngóng của ba, Nam thương quá, chỉ vì thương con mà ba gạt đi nỗi sợ của bản thân mình, cố gắng mạnh mẽ để chở che cho nó.

Truyện ngắn: Món quà của cha

1.

Nắng nhạt dần báo hiệu đã xế chiều. Nam vội vã gom đống cỏ vừa cắt chất lên xe, cho đến khi cỏ đã cao hơn đầu thì dừng lại, kéo sợi dây ràng kỹ. Phải cố hết sức bình sinh mới đẩy qua được đoạn đường chừng hơn năm mươi mét, chỗ trũng sình lún bánh xe, chỗ cao gồ ghề đá sỏi. Muốn qua được đoạn đường ruộng ấy không chỉ cần sức mà còn cần cả sự khéo léo và kinh nghiệm nữa.

Cắt cỏ, dọn chuồng, dắt lũ bò dòng ngoài ruộng vào, là công việc mỗi chiều của nó. Mùi phân bò nồng ngái, thum thủm xộc vào mũi. Phân dính cả vào ủng, vào tay. Dân miệt này chẳng ai sợ phân bò. Với họ, mùi phân bò là mùi đặc trưng của miệt quê này, nhất là những ngày mưa dầm, thứ mùi ấy bốc lên càng nồng nặc hơn.

Dắt xong lũ bò vào chuồng, Nam tắm rửa và xắn tay vào nấu ăn. Quen việc nên tay làm thoăn thoắt, loáng cái đã xong cơm canh. Vừa kịp lúc ba má đi đồng về. Đầu Thu, lúa đang thì con gái, hơi tí là nấm, đạo ôn, sâu cuốn lá… nên ba má Nam thường trực trên ruộng cả ngày.

Nhất là ba, có khi ở ruộng nhiều hơn ở nhà, ban ngày thì xịt thuốc nhổ cỏ, đêm thì canh “ăn” nước vào ruộng. Ở miệt này, công chuyện cứ đăng đăng đê đê, quen tay quen chân rồi, giờ mà biểu ngồi không đâu có chịu được.

Đợt bác Hào dẫn chị Thảo về chơi, chị cứ há hốc mồm biểu nhiều việc sao làm cho hết ha. Chị la như ai cắt cổ và bỏ chạy thục mạng khi thấy Mười Bốn, trông thật tức cười. Thấy Nam ôm đầu vuốt ve tai, sừng, xoa trán của con Mười Bốn, chị phục lăn. Cùng tuổi mà Nam trông già hơn chị hẳn, việc gì cũng làm thoăn thoắt, còn chị, đến gọt khoai tây cũng lóng ngóng.

Chị bảo, mấy việc này cô giúp việc làm hết, chị chỉ việc ăn và học thôi. Chị có nhiều quần áo đẹp, có đủ thứ mỹ phẩm, và, có bàn tay thon nuột nà rất đẹp. Đêm, Nam giơ hai bàn tay ngang mắt nhìn cho thật kỹ. Ngón tay thô to như cột đình. Lòng bàn tay lỗ chỗ những vết chai. Xấu xí, thô kệch. Nó khe khẽ thở dài, khe khẽ ganh tị với chị Thảo.

Nam bắt đầu nhen nhóm ước mơ được lên thành phố. Ở miệt này miết thể nào cũng trở thành bà cô già, quê mùa, ngày ngày cắm mặt vào bò, gà, lúa mà thôi. Chỉ có một cách để thoát cái miệt buồn thiu thắt này đó là thi đậu đại học. Chỉ một cách duy nhất đó thôi.

Nên kể từ đó nó tập trung hơn cho việc học. Sáng, khi con gà cồ gáy đến hồi thứ ba là lò mò dậy học bài. Niềm quyết tâm mãnh liệt cho nó sức mạnh vượt qua sự lười biếng của bản thân. Nó tin rằng nếu cần cù, siêng năng thì sẽ đậu được đại học, dù biết là rất khó.

Miệt này chỉ vài ba người đậu được đại học, còn lại toàn học xong lớp 9 là nghỉ ngang. Học chi nhiều, con gái học biết chữ được rồi, mốt cũng về nhà chồng chớ làm nên cơm cháo gì đâu. Ai cũng biểu ba má như vậy.

Ai cũng khuyên hết năm nay thì cho Nam nghỉ đi, hết 12 rồi còn gì. Ba cười hiền khô, đáp: Kệ, cứ để nó học, tới đâu tui lo tới đó. Con gái cũng cần học, mốt kiếm cái nghề ngồi làm văn phòng không phải đội nắng trên đầu cả ngày, đỡ cực.

Nam nghe ba trả lời mà mát lòng mát dạ, không ngờ ba có tư tưởng tiến bộ vậy. Trong bốn đứa con, Nam là người được ông đặt kỳ vọng nhất. Là chị hai trong gia đình, ông đặt lên vai nó trách nhiệm phải làm gương cho các em. Bao giờ ông cũng bắt đầu lời răn dạy rằng “Thấy chị hai mầy không…”.

Riết ba thằng em ghét nó luôn, gì cũng chị hai, hở tí là “thấy chị hai hông”, nghe mắc mệt.

“Bả siêng học là phải rồi vì bả con gái, muốn mốt sướng phải học giỏi mà kiếm cái nghề ngon lành. Còn tụi con, con trai, mốt ba chia đất đai ra trong tay cũng có dăm ba sào, lấy vợ sinh con là ngon lành rồi lo gì nữa”.

Ba đứa nó lý luận vậy. Ba thôi không nói nữa, chỉ thở dài: Kệ tụi bây, lớn rồi, sướng khổ tự lo, ba má đâu lo cả đời được.

2.

Ngày đi thi đại học, ba khăn gói dẫn nó vào thành phố. Ba sợ thân gái một mình nơi xa lạ bị người ta gạt. Ba sợ đủ thứ dù chính bản thân ông cũng chẳng biết mặt mũi cái thành phố ra sao, cũng lúng ta lúng túng nhìn xe cộ dày đặc không biết làm sao để qua đường.

Nhìn bộ dạng lóng ngóng của ba, Nam thương quá, chỉ vì thương con mà ba gạt đi nỗi sợ của chính bản thân mình, cố gắng mạnh mẽ để chở che cho nó.

Mấy ngày ở thành phố Nam mới cảm nhận hết tình thương của ba. Đưa tới điểm thi, mua đồ ăn sáng, giục con ăn nhanh vào thi, còn động viên đủ kiểu. Lần nào ra tới cổng cũng đã thấy ba đứng chờ sẵn. Ba vẫy tay, gọi “Nam ơi, ba bên đây nè con”.

Nghe giọng ông trìu mến thân thương làm sao. Hồi nhỏ, nó ghét nhất cái tên của mình. Đi học là bạn bè ghẹo: Anh Nam ơi, anh Nam hỡi… muốn điên cả đầu. Không ít lần nó đánh nhau sứt đầu mẻ trán với đám con trai vì chọc ghẹo cái tên của nó. Nam đâm ra ghét ba, ghét cái tên ba đặt.

Bộ hết tên rồi hay sao mà tự dưng đặt tên Nam hà, người ta con gái chớ bộ. Khi lớn hơn nghe má kể mới hiểu rằng ông đặt tên như vậy vì hồi đó mong có đứa con trai đầu lòng, ai dè ra con gái. “Thôi lỡ rồi, đặt Nam luôn đi, con gái tên Nam có sao đâu, ba mầy biểu vậy đó”.

Sau kỳ thi Nam mới nghe má kể với hàng xóm: Tội ổng, nhà không có tiền, ổng đưa con nhỏ đi thi mà toàn nhịn ăn sáng cho tiết kiệm bớt. Tui kêu sao bữa ông không nói tui chạy đi mượn thêm thì ổng biểu lên trển có mần việc gì nặng nhọc đâu mà phải ăn cho nhiều, con nhỏ nó thi mệt chứ tui ngồi tán dóc chờ thôi hà.

Nam nghe mà rưng rưng suýt khóc. Không ngờ ba má cực khổ vì mình như vậy. Rồi lại thầm lo lắng, nếu như rớt đại học thì sao? Chắc là ba má buồn lắm. Công trình đưa đi thi, phải bán đi mấy giạ lúa cuối cùng mới có ít đồng lo tiền xe, tiền ăn tiền ở. Đêm đêm, nó cứ giật mình thoảng thốt vì trong mơ thấy coi điểm thấp tè. Cũng có khi nó mơ thấy mình nhận được giấy báo trúng tuyển, đang ngủ mà la hét cười như điên.

Thời gian chờ đợi điểm thi sao mà lâu như thể mấy mươi năm vậy. Ngày có điểm, nó lóc cóc đạp xe ra thị trấn, hồi hộp bước vào tiệm Internet mướn một cái máy để dò điểm. Những chữ số nhảy múa trước mặt nó. Tim nó đập thình thịch như muốn nhảy bổ ra khỏi lồng ngực. Bên cạnh có vài bạn rên lên thất vọng khi coi xong điểm.

Tay rê con chuột kéo xuống dò tên trên danh sách mà trống ngực cứ đập liên hồi. Đây rồi, Nguyễn Thị Nam, số báo danh này, điểm này. Nó trợn tròn mắt không tin nổi. Thiệt không vậy trời. Nó dụi mắt mấy lần rồi khóc vì sung sướng. 9 – 9 – 8. Ba môn Toán – Lý – Hóa mà điểm như vầy thì chắc chắn đậu rồi còn gì. Hình như nó đang bay. Hình như chiếc xe đạp mọc cánh thì phải, sao nó chạy nhẹ tênh mà lướt nhanh như gió vậy…

Má nó nở nụ cười thiệt tươi, mấy nếp nhăn trên trán giãn ra. Ba chỉ bảo ờ, làm tốt lắm con gái, xong lại ngồi hút thuốc ngoài hiên. Nó hơi thất vọng. Nó đã tưởng tượng ra ba phải mừng ghê lắm chứ, phải chạy qua hàng xóm uống trà rồi ngồi thao thao bất tuyệt khoe thành tích của đứa con gái chứ. Vậy mà…

Má biểu thôi đậu rồi thì đi học, tốn mấy ba má cũng ráng lo. Nó nói chắc nịch:

- Má yên tâm, con sẽ không để ba má khổ, con sẽ tìm việc làm thêm.

- Thôi, lo mà học cho giỏi là được, ra trường rồi muốn làm gì thì làm, ba má lo được.

Má dẫn nó ra chợ huyện, mua một cái vali, một cái mền, một cái gối mới biểu để lên trển có cái mà ngủ. Quần áo thì có đồ cũ chị Thảo cho hồi năm ngoái. Năm nào chị Thảo cũng gửi quần áo cũ về cho nó. Dân thành phố mà, mặc chán là thải ra thôi, bỏ thì uổng nên gửi về cho. Nó chẳng buồn mà còn thấy mừng. Toàn đồ mắc tiền, có đi mua mới chưa chắc đẹp được vậy.

Đêm nào nó cũng mơ về ngày tựu trường năm học mới. Đêm nào nó cũng mơ về thành phố hoa lệ. Nó đâu biết đêm nào ba cũng lặng lẽ ngồi hút thuốc ngoài hiên. Thường ngày ông chỉ hút dăm điếu, nay thì mỗi ngày một gói. Nó đâu biết tối nào má cũng gác tay trên trán lo nghĩ không ngủ được. Tiền đâu cho con nhập học bây giờ khi lúa mới lên đòng.

- Bán phắt con bò cho rồi, chớ giờ biết mượn ai đây. Ai cũng khó khổ tiền đâu cho mình mượn.

- Bò đang rẻ bà ơi.

- Ông không chịu bán thì ông chạy tiền đi chứ bữa giờ tui hỏi mượn hết rồi mà ai cũng lắc đầu. Người ta không có lấy gì cho mượn đây, trách người ta sao được.

- Hay mình gọi điện cho anh Hào…

- Thôi, được rồi, đừng phiền người ta, người ta khinh cho.

- Thì thôi, bán bò…

Bữa lái tới dẫn con Mười Bốn đi, nó ngoái đầu nhìn lại hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Ba lánh mặt trong nhà uống nước trà. Uống nước trà mà ông làm như uống rượu, cầm từng chén lên nuốt ực một cái, uống lia lịa như thể hễ dừng tay lại là nước mắt sẽ rơi.

Nó đứng nhìn theo con Mười Bốn, nước mắt lặng lẽ chảy dài. Vậy là thằng Mười Bốn phải hy sinh cho giấc mơ đại học của chủ. Bữa cơm chiều đó buồn thê thiết, chẳng ai muốn nói với ai câu gì…

3.

Ngày nhập học, ba nói để ba đưa nó lên làm thủ tục. Nó mạnh miệng biểu:

- Thôi ba khỏi đi, con lớn rồi tự lo được. Bữa đi một lần con cũng quen chút chút rồi. Ba đi theo chi tốn tiền xe cộ.

- Ừ, lớn rồi thì tự lập đi con. Lên đó ráng mà học hành, tiền bạc ba má lo được, cứ ăn uống vô mà có sức.

- Dạ con biết rồi ba.

Ba chở nó ra đường lộ đón xe. Ông đứng canh xe đò, hễ thấy xe đi thành phố là ông ngoắt lại hỏi giá, trả giá. Đến chiếc xe thứ ba, khi lơ xe nói giá hợp lý ba mới ngoắt nó lên xe. Đẩy đứa con gái lên xe, ông còn dúi vô tay nó cái bịch đen nho nhỏ:

- Ba cho con. Quà cho con đậu đại học đó.

Lên xe rồi nó mới mở ra xem thử. Là một cái kẹp tóc có hình con bướm, cánh đính những hạt cườm lấp lánh rất đẹp. Không ngờ ba lại tâm lý như vậy, mua cả kẹp tóc cho con gái.

Nó ngoái đầu nhìn lại hy vọng thấy ba nhưng chỉ thấy dòng xe cộ đông đúc. Xe đã chạy xa rồi. Xe đang đưa nó đến một miền đất xa lạ, nơi không có cánh đồng xanh mướt, không có con Mười Bốn thong thả gặm cỏ, không có bầu trời xanh bao la trải rộng hút tầm mắt…

Nó đâu ngờ đó là lần cuối cùng gặp ba. Sau khi nó nhập học, mấy tháng sau ba mất vì tai nạn giao thông. Ông giao ruộng đồng cho má và ba đứa em làm, còn mình xin đi phụ xe ba gác chở đồ với người ta mong kiếm thêm ít đồng gửi cho con gái.

Không may lần đó xe chở tôn quá cồng kềnh, va chạm với xe tải, ba bị thương rất nặng rồi mất trước khi tới được bệnh viện cấp cứu. Nó nghe tin bỏ dở tiết Triết học, mượn ít tiền của nhỏ bạn thân lật đật bắt xe đò về quê.

Ba đã được liệm rồi. Khuôn mặt ông tím bầm dẫu đã được đánh một lớp phấn dày. Nó gỡ cái kẹp tóc định bỏ vào quan tài thì má cản: Con giữ lại cho ba vui, ba chở má lên chợ huyện tìm mua hoài mới được đó. Nước mắt nó tuôn xối xả đau đớn gọi “Ba ơi!”.

Sau khi ba mất, nó cố gắng vừa đi dạy kèm vừa học. Bốn năm đại học rồi cũng qua. Cầm tấm bằng xuất sắc, nó được giữ lại trường đào tạo thạc sĩ và được vào biên chế làm giảng viên. Năm nào giỗ ba, nó cũng lấy cây kẹp tóc năm xưa, nay những hạt cườm đã thôi lấp lánh, đặt lên mộ và thắp nhang khấn ba:

- Cảm ơn ba đã cho con tình thương, cho con một cuộc đời đáng sống.

Năm nay, mùa tựu trường sắp tới. Lá đã bắt đầu rơi trên con phố nhỏ. Lại sắp giỗ ba nữa rồi. Bà giáo già đứng bên khung cửa sổ một trường đại học lớn thầm thì gọi hai tiếng “Ba ơi!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ