Cây khế cha trồng

GD&TĐ - Trên thành phố, cứ mỗi lần vợ đi chợ về mua được mớ khế, nó lại nhớ đến cha.

Cây khế cha trồng

Cái hôm, nó nhận được điện thoại của mẹ báo tin cha lâm bão bệnh, đến bữa nó luống cuống làm đổ cả bát giấm khế. Rồi sáng hôm sau, nó vội vã thu xếp công việc bay về quê. Vừa đến nhà, nó ôm choàng lấy mẹ mà nói trong mếu máo “thế là mẹ con mình sắp mất cha thật rồi!”.

Nó nói thế vì biết rằng căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối ấy sớm muộn gì cũng sẽ cướp đi sự sống của cha. Mẹ nó giấu những giọt nước mắt, chỉ biết nén lặng ôm chặt nó vào lòng. Nó khóc to như một đứa trẻ…

Những ngày chăm cha, có hôm sau khi ở viện về nhà, nó bắt gặp mẹ đang chống gậy lập cập ra gốc khế, run rẩy vặt quả cho vào rổ. Có quả chín ở tít trên cao, chân đau tay yếu không với được, đành nhìn mà lẩm nhẩm một mình “giá có ông ở nhà giúp tôi… mấy quả khế ở trên cao nớ lúc mô cũng mọng nước mà ngọt…”. Nó đứng lặng, thấy khóe mắt cay cay. Nó thương mẹ. Nó nhìn sang cây khế cha trồng, bao nhiêu kỉ niệm ấu thơ chợt ùa về…

Cây khế đầu ngõ, nó nhớ có lần mẹ kể, do chính cha trồng. Hai người vừa cưới nhau được mấy hôm, thì cha được lệnh lên đường nhập ngũ. Trước khi đi, cha trồng cây khế và bảo với mẹ, chừng nào nó cao bằng đầu người nhất định cha sẽ về. Và, cha còn cảm hứng đọc một câu thơ nghe như là ca dao:

“Trèo lên cây khế chua le

Ngó ra ngoài ngõ anh về thăm em”

Từ đó, ngày nào mẹ cũng chăm sóc cây khế như một thứ cây quý. Có lẽ, mẹ muốn cây chóng cao bằng đầu người để sớm gặp lại cha. Theo thời gian nó lớn nhanh như thổi. Nhưng khi nó đã cao quá đầu người mà cha vẫn bặt vô âm tín.

Ngoài chiến trường ngày càng ác liệt. Giấy báo tử về làng ngày càng nhiều. Cây khế vẫn hiên ngang đầu ngõ. Đã bao lần, mẹ ra đứng dựa vào cây khế dõi ánh nhìn ra ngoài ngõ dài hun hút và thất vọng…

Khế nay quả cũng đã “chua le” như trong câu thơ năm nào cha đọc, thế mà cha vẫn cứ biền biệt. Cứ chiều xuống, nó thường thấy mẹ ngồi lặng lẽ dưới gốc cây khế, nhìn ra xa xôi, xa xôi… như đang nhìn vào kí ức dằng dặc lo toan, vất vả. Đôi mắt buồn thăm thẳm như sương chợt đến, chợt đi.

Những ngày nắng, ngày mưa mẹ chịu khó bán bó rau, mớ khế ngoài chợ, bòn góp từng đồng tiền lẻ, thấm đẫm mồ hôi nuôi chúng nó khôn lớn. Cũng có lần, mẹ bảo nó trèo lên cây hái khế. Được một mớ đầy, mẹ cứ đắn đo mãi, rồi cuối cùng lại không đem ra chợ bán.

Nó gặng hỏi lí do. Mẹ im lặng, tay mân mê từng quả khế chín, mắt hướng ra con ngõ… Rồi mãi sau này nó mới hiểu rằng, mẹ muốn dành những quả ngon ấy để nấu một bát canh chua cho cha.

Con ngõ đã bao nhiêu tháng năm được mẹ quét tước sạch sẽ bằng chiếc chổi tre ngày trước cha làm. Sạch sẽ như thể sắp được đón cha về… Cứ thế, mẹ đợi chờ cha như cây khế đợi chờ ánh nắng để đơm hoa kết trái. Nhưng cây khế đã bao mùa đơm hoa ra trái mà cha vẫn biền biệt.

Cây khế sau bao mùa vẫn màu lá non xanh nhưng mẹ tóc đã điểm pha màu sương gió. Mẹ như cây hồng xiêm ở vườn, quả đã hái hết chỉ còn thân cành trơ trụi.

Sao mẹ thường hay lẳng lặng ra ngồi dưới gốc cây khế rồi thở dài? Mãi sau này lớn khôn nó mới hiểu. Đôi mắt mẹ giờ đã mờ, như giếng thơi bị bỏ quên từ ngày cả xóm dùng nước máy, còn mấy ai soi gương, lắng nghe và hiểu tiếng thì thầm của làn nước thăm thẳm đang thương nhớ ai? Cây khế lớn rồi mà thi thoảng mẹ vẫn múc mấy gàu nước ra tưới cho cây. Mẹ đã từng ước cho cây khế mau lớn để mong được đón cha về, vậy mà…

Tháng Tám trận bão đổ bộ vào quê nó, cây khế bị gãy đi mấy cành. Nhưng trên thân cây vẫn còn sai trĩu quả. Cha nó về từ mùa bão đó. Dưới cây khế gãy cành, hai người ôm chặt lấy nhau. Mẹ nó không khóc. Nước mắt đợi chờ bao năm hình như đã ngấm sâu vào trong trái tim đau khổ.

Ngước nhìn lên cây khế, nó cao bằng hai, bằng ba mình rồi, cha trầm ngâm đọc:

“Trèo lên cây Khế nửa ngày

Ai làm chua xót lòng này Khế ơi

Khế chua mà nấu ốc nhồi

Cái nước nó xám nhưng mùi nó ngon”

Thế rồi về sau, đích thân cha trèo lên trẩy khế nấu món ốc nhồi cho cả nhà thưởng thức. Cha bảo, đã bao năm xa nhà, mẹ đã vất vả, chịu đựng hi sinh, bây giờ cứ để cha phục vụ mẹ và các con.

Từ gốc khế cha trồng năm nào, bao nhiêu món ngon liên quan đến khế đều được cha trổ tài nấu nướng. Nó thích món giấm khế nấu với cua đồng. Nó có thể ăn liền tù tì mấy bát cơm nếu bữa đó có giấm khế.

Nó cũng ăn cơm ngon lành với món khế giã nhỏ nấu với tép đồng. Cha bảo, món đó nhìn đơn giản nhưng phải chịu khó nấu mới ngon, mới thành công. Tép đồng phải thật tươi.

Khế phải biết chọn những quả có vết rám đen sì, trông xấu xí nhưng lại là những quả ngọt nhất. Cha còn bảo thêm rằng, chọn khế cũng như chọn người vậy, cốt ở cái phẩm chất bên trong “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Khế luộc lên, vắt bớt nước cho đỡ chua, ăn cảm nhận được cái vị thanh thanh. Lúc nấu không thể thiếu lá hành tăm thái nhỏ và cắt bỏ vào một ít ớt cay. Như thế, ăn không còn mùi tanh chỉ còn lại vị thanh và thơm.

Sau này, khi lập gia đình, nó vẫn hướng dẫn vợ nấu đúng công thức ấy. Vợ nó thưởng thức cứ tấm tắc khen ngon. Mấy đứa con vốn kén ăn, vậy mà mỗi lần có món giấm khế là ăn liền những mấy bát cơm đầy.

Những ngày ở trên phố, nhiều khi vì bộn bề công việc mà nó quên đi hình ảnh cây khế đầu ngõ. Chỉ những ngày Hè húp bát canh chua nó mới bất chợt nhớ về những ngày tháng tuổi thơ yên bình ở quê.

Tháng Năm chạm ngõ, nắng bắt đầu xôn xao ngoài hiên trong lòng nó dạo ấy lại náo nức vì sắp được nghỉ hè. Cùng lúc ấy, cây khế cũng bắt đầu nở hoa. Rồi từng chùm, từng chùm hoa khế đua nhau nở rộ.

Những chùm hoa khế tím ngắt xen lẫn màu trắng hồng ở giữa nhụy hoa và màu đỏ của cuống hoa cứ lấp ló, ẩn hiện trong tán lá xanh của khế. Ánh nắng Mặt trời chiếu xuống xuyên qua những kẽ lá làm cho hoa khế thêm tô điểm sắc màu bóng sáng, mát lành. Khi hoa khế bắt đầu phô diễn sắc đẹp, chẳng biết từ đâu về, từng đàn, từng đàn ong mật bay về.

Tuổi thơ của nó và bè bạn cũng như bầy ong nhỏ được thưởng thức hương vị ngọt ngào từ từng chùm hoa khế. Nó cùng bạn bè gắn bó với cây khế như một người bạn thân thiết. Dường như không đứa trẻ nào lại không quen thuộc với truyện cổ tích chim ăn khế đổi vàng.

Nó cùng lũ trẻ trong làng hồn nhiên, ngồi dưới gốc khế nghe nội kể bao câu chuyện cổ tích. Nội móm mém nhai trầu. Hương trầu thoang thoảng tỏa ra từ miệng nội ngai ngái. Phút ấy, trông nội như một bà tiên hiền hậu với mái tóc cước trắng, còn bọn trẻ con chúng nó say sưa ngồi nghe dưới cái nắng chang chang.

Rồi cũng có những buổi trưa không ngủ, nó rủ mấy đưa bạn thân bày bao trò tinh nghịch nô đùa dưới gốc khế. Lũ trẻ tinh nghịch hồn nhiên nghĩ ra bao nhiêu là trò chơi: Xâu hoa khế làm vương miện cô dâu, đánh chuyền, nhảy dây…

Chơi chán cả lũ lại leo lên chạng to nhất của cây mà vắt vẻo nghêu ngao khúc đồng dao. Có tiếng cười khanh khách, cũng có những rấm rứt. Khi đó, thân khế như một người bạn cho bọn trẻ tựa đầu vào ru giấc nồng tuổi thơ.

Sáng nay, bệnh viện trả cha nó về. Nó biết thế là cha chẳng còn sống với mẹ con nó được mấy hôm nữa. Nhưng như có lần cha từng dạy nó “người sống được hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào”, cha của nó đã sống và yêu thương hết mình nên sự ra đi với ông sẽ nhẹ nhàng, thanh thản.

Buổi chiều, nó đỡ cha ra sân nằm trên cái ghế mây cho thoáng. Bỗng đôi mắt lờ đờ của cha hướng về cây khế, miệng ú ớ nói không rõ lời. Nó nén khóc, bảo tối sẽ nấu cho cha món giấm khế.

Nó sẽ đút cho cha ăn. Cha sẽ khỏe để nấu các món ngon cho gia đình như xưa. Cha nó gật đầu cười hiền hậu. Một cơn gió thoảng qua, cây khế rũ mình lay nhẹ. Tiếng ai đó từ xa vọng lại:

“Trèo lên cây khế nửa ngày

Ai làm chua xót lòng này khế ơi…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.