Tản văn: Mãi mãi mùa Thu

GD&TĐ - Ngọn lửa ấy, ánh mắt ấy, cái lá ấy đã vô tình thành sợi tơ vô hình trói buộc hồn tôi theo năm tháng.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Năm 1969 vào học cấp 3, tôi và Sơn cùng trọ một nhà. Chủ nhà tên Lành, chồng chị đang tại ngũ, anh chị có một cháu trai 4 tuổi. Quê chị Lành là vùng chiêm trũng lúa ít nhưng tôm cua cá lại nhiều, nhà nào cũng có đồ đơm bắt tôm cá.

Mùa Thu đồng cạn, tôm tép phơi đầy sân, một bò gạo đổi được ba bò tôm khô. Sơn mang cái nồi đúc dày bịch, đun không sợ cháy mà cơm lại rất ngon.

Nhà chủ có bè rau muống nhưng bọn tôi lười, thường đơn giản cho tôm khô vào bát, dội ít nước tương, đập củ hành khô hấp cơm cho nhanh.

Trước nhà tôi trọ có một cô bé học trên bọn tôi một lớp. Giếng nước hai nhà gần nhau, biên giới hai nhà là hàng rào tre. Bên ấy có ai ra giếng múc nước bên này đều biết, còn cô bé cứ ra giếng là cất giọng nên tôi thuộc khối câu hát ấy.

Hôm nay, chị chủ đi họp đại hội xã viên, chị nhờ tôi đón cháu nên tôi nấu cơm sớm, vừa nhóm bếp thì có giọng hát con gái từ cổng đi vào khiến con tim tôi rộn rã: “Em đứng, đứng ở bên đường như quê hương vai áo bạc...”. Tôi thầm hỏi tâm hồn nào mà lãng mạn vậy? Ghé mắt nhìn qua mắt cáo nhận ra đúng cô hay hát nhà bên. Cô bé cầm đèn sang xin lửa, giải thích:

- Ông bà chủ đi họp cả, không biết hộp diêm ở đâu cho em xin tí lửa?

Tôi định nói câu gì đó nhưng nghĩ cô ấy hơn tuổi nên kìm lại. Tay tôi run bần bật khi nhận cái đóm cô ấy đưa, mãi không châm được. Tôi đưa cho cô ấy ý bảo tự châm lấy.

Thấy người thiếu nữ đang mắm môi kiểu nhịn cười, nét mặt hồng hào rạng rỡ, mắt thì lúng liếng nom xinh đẹp lạ lùng. Cô không nói gì, đẩy tay tôi về phía bếp lửa ý nhờ châm tiếp? Tôi bảo: “Chị châm lấy, em run lắm”. Cô bé bật cười, hỏi:

- Anh sinh năm nào?

- 1952!

- Thế tôi là đồng niên. Anh gọi em là em thôi.

Người ấy bước ra, tôi ghé mắt vào cái lỗ cáo nhìn theo mà lòng cứ rối bời như mây như gió nhưng vui khôn tả.

Đón cháu Dương về, tôi dẫn nó ra giếng tắm. Thấy chùm hoa mướp vàng tươi nó đòi tôi hái. Chùm hoa treo cao trên cành rào chệch sang bên kia, tôi đang loay hoay thì người ấy đi ra.

Tôi bảo: “Cháu nó thích hoa vàng mà cao quá!”, bên ấy bảo: “Để em”. Tôi luồn bàn tay qua rào đón, em trao hoa còn cố ý nắm ngón tay, tôi cũng để lặng trong giây lát mới rụt về, bị gai tre cào xước một đoạn da rỉ máu. Em kêu: “Đợi tý!”, nói rồi chạy đi và quay về ngay.

Em lấy cái lá bẻ làm đôi chà nhựa trong sền sệt lên mặt vết thương nhồn nhột nhưng dễ chịu. Da tay cô ấy rất ấm và mềm còn tôi toàn thân như có điện chạy nhanh khắp cơ thể. Người ấy động viên: “Chốc nữa là khỏi!”, tôi thầm nghĩ có mà thuốc tiên.

Đêm ấy, tôi thao thức, gương mặt hồng hào, đôi mắt long lanh cười cười cứ hiện về. Tôi lại tự trách tại sao lúc ấy không nói được một câu cảm ơn nhỉ? Ngu quá! Sau này tôi mới biết chiếc lá ấy không phải lá Diêu bông mà là lá Lô hội, có tác dụng cầm máu, giảm đau, sát trùng kể cả làm đồ uống rất tốt...

Ngọn lửa ấy, ánh mắt ấy, cái lá ấy đã vô tình thành sợi tơ vô hình trói buộc hồn tôi theo năm tháng.

Hình như có trời xui đất khiến. Hôm sau, trời đang nắng bỗng sầm lại, gió mát hất tung các chùm lá, bất chợt mưa. Tôi cuống lên vì sân nhà phơi đầy tôm cá. Đúng lúc đó, cô bé chạy sang thu hộ.

Vừa thu xong thì trời tạnh y kiểu rót mưa ngâu. Cơn mưa bất chợt đã khiến hai chúng tôi cũng bất ngờ, áo quần ướt hết bết chặt vào người. Tôi thấy ngượng nhìn em lồ lộ các đường cong, áo ngực không có hiện đôi cau non nhu nhú.

Cô bé cũng chỉ nói được một câu: “Chị chủ khen anh nhiều lắm” rồi chạy về nhà. Vài hôm sau, bà cụ chủ nhà em sang bảo: “Cái Hình nó về quê, cậu xâu hộ tôi cái kim”. Từ đấy, tôi luôn chờ em ra giếng để nhìn trộm, nghe trộm lời nói của Hình.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Năm sau, tôi lên học lớp Mười thì bé Hình đã tốt nghiệp và mất tăm. Đang học thì Sơn đi bộ đội, thi tốt nghiệp xong tôi cũng nhập ngũ.

Đợt tôi đi không huấn luyện trong tỉnh mà vào Sư 308 anh hùng, huấn luyện tận Thanh Hóa. Tiểu đội trưởng của tôi nguyên sinh viên năm thứ hai Đại học Bách khoa. Anh có cuốn sổ lưu niệm khá dày, đêm nào cũng đọc và viết.

Cuốn sổ ghi chép rất nhiều lời hay ý đẹp cũng như nhiều bài viết của các bạn sinh viên cùng lớp rất thân tình. Tôi mua men giấy kẻ ca rô dọc nhỏ đóng một cuốn sổ khá dày vừa túi áo ngực mượn chép một số câu hay trong sổ của anh, cũng bắt chước anh ghi chép và làm thơ, thơ về tình yêu và nỗi nhớ quê hương gia đình.

Dù chỉ đơn phương như gió thổi một chiều nhưng hình bóng em sao mà thương mến thế, nguồn cảm hứng bao la, nguồn vui, điểm tựa trong tâm hồn tôi cả khi gian khổ ác liệt nhất, tôi luôn cảm ơn em. Ngốc nhất là quý mến người ta mà không biết gần gũi hỏi han hoàn cảnh gia đình.

Cuối tháng 11/1972, khóa huấn luyện tân binh của tôi kết thúc. Lệnh trên cắt nguyên đại đội ra nhận nhiệm vụ trước. Lúc chia tay, tiểu đội trưởng nói lời chia sẻ rất vui: “Các bạn tiểu đội ta trong trẻo quá, suốt bốn tháng mà không ai nhận bức thư tình nào, không yêu bao giờ, các bạn mới lớn”. Anh động viên tôi, cố gắng làm thơ là tốt đấy.

Xe đưa đoàn tôi sang Lào, tôi về c2, d923, Bộ Tư lệnh 959. Về được 9 tháng, đánh đấm vài trận thì hai bên chính phủ Lào đã ký hiệp định “Hòa hợp dân tộc” trong thời gian chờ lệnh các đơn vị hai bên giữ nguyên vị trí. Quân ta dồn về vùng giáp ranh phòng bên kia lấn đất.

Một buổi chiều, tôi ra suối vo gạo, bỗng nghe tiếng nổ “phạch” xé không khí rất gần, ngỡ dân bắn chim bắn thú. Một tên phỉ quần áo màu đen bên kia suối. Tôi hô thật to: Phỉ! Phỉ! Nó bỏ chạy. Chiều tối tổ tuần tra trở về họ kể, gặp một tốp phỉ sang vùng giải phóng đánh cá, quân ta chỉ quát cho chúng biến chứ không bắn. Chúng bỏ chạy tán loạn vào rừng để lại cánh lưới và hai cây súng carbine.

Lúc đó, mọi người mới phát hiện túi ngực tôi bị rách, loại đạn carbine chứ đạn AK thì tiêu đời, cuốn sổ tay trong túi áo thủng một phần ba, ai cũng bất ngờ và sửng sốt. Năm 1974, Lào thành lập chính phủ mới, giang sơn thu về một mối, tôi trong số những người may mắn được lành lặn trở về.

Năm nay, trường cấp ba năm xưa kỷ niệm 70 năm thành lập trường. Trường đẹp đẽ, mới mẻ toàn phần, muốn tìm một dấu vết kỷ niệm ngày xưa cũng không thể. Các em bây giờ khác, đồng tuổi, đồng phục chứ không lôm côm thiếu ăn, thiếu mặc, ngồi học bên hầm hào như thời của tôi.

Tôi rất vui gặp được thầy cô bè bạn cũ. Tôi cố ý đi lại lăng xăng xem có ai gọi hay không và cũng cố ý tìm xem người ấy có về hay không. Dò hỏi mới biết người ấy thi tốt nghiệp xong cũng là lính thông tin chiến trường, ra quân mới đi học đại học ở Ba Lan, yêu và lấy chồng định cư luôn không về.

Không gặp nhau càng dâng trào nhung nhớ những cử chỉ vụng về lời nói không đầu không cuối còn giấu kỹ trong tâm hồn suốt mấy chục năm trời chưa biết khi nào vơi cạn. “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”, tôi tự an ủi giờ mỗi người đã có một bờ vai, một gánh gia đình êm đẹp, không gặp có khi lại hay.

Hôm nay nhìn các cháu vui vẻ khai trường thì tôi cũng ùa về bao kỷ niệm êm đềm năm xưa. Tuổi trẻ của chúng tôi tuy có thiệt thòi nhưng rất đẹp đẽ hào hùng. Những gian nan trong quân ngũ, những ác liệt nơi mặt trận đã làm dày thêm vốn sống tôi sẽ tải dần về các trang viết để chia sẻ với những người lính chiến, những đồng đội của tôi.

Năm nay bọn tôi đã bảy mươi xuân, nhân chứng bao điều biến cải và là người quan họ, tôi luôn thầm hát câu: “Cầm lòng vậy, đành lòng vậy” để giữ mãi kỷ niệm xưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ