Đến với bài thơ hay: Giữ gìn văn hóa truyền thống

GD&TĐ - Vẫn là hình ảnh làng quê xưa. Con chó đá vẫn nằm đó sủa trăng. Tiếng ai gọi nhau nghe buồn như củi ướt.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Mai Văn Phấn

Nhật ký đô thị hóa

Úp mặt vào bóng tối lùm cây

Gió đang chạy trên lưng mình những bước chân đô thị

Bóng tối dẫn tôi về ngôi nhà của mẹ

Ngôi nhà như chiếc bánh không nhân.

Nhặt được đồng xu cùn gỉ cuối sân

Ngỡ chạm phải tay mình thời thơ ấu

Những dấu chân ai lún sâu lỗ đáo

Từng kiếp người mở mắt… thấy đôi chân cò lội nước trắng mênh mông.

Nơi chó đá đầu làng vẫn sủa những con trăng

Có tiếng gọi nghe buồn như củi ướt

Thương quê nghèo mẹ tôi ra bến sông

Vớt những câu ca chưa tan vào nước.

Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất

Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình

Đêm thai nghén những thị thành trứng nước

Ai ấy còn ngơ ngác trước văn minh.

Trong bóng tối lùm cây tôi chợt nhận ra mình

Với nỗi e dè từ cái thời Văn Lang lúa nước

Nỗi e dè tự thắp mình lên làm ngọn nến mùa Thu đi rước đuốc

Và ngôi nhà của mẹ là chiếc đèn lồng lặng lẽ sáng dần lên.

(1995)

Quá trình đô thị hóa là một trong những chuyển động hợp quy luật phát triển của xã hội loài người. Đứng trước những đổi thay ấy, tâm trạng mỗi người thường ngổn ngang, hạnh phúc chen lẫn ưu tư, hy vọng đan xen cùng hoài niệm…

Bài thơ “Nhật ký đô thị hóa” của Mai Văn Phấn đã khắc họa rõ nét tâm trạng này.

“Nhật ký đô thị hóa” gồm 5 khổ được viết theo thể thơ tự do. Chủ thể trữ tình hiện diện xưng “tôi” khi đối thoại với bạn đọc và xưng “con” khi tâm tình với mẹ mình.

Không gian thơ được mở ra bằng hình ảnh nhân vật “Tôi” đang “Úp mặt vào bóng tối lùm cây”. Hình ảnh “bóng tối lùm cây” gợi cho bạn đọc liên tưởng về quá khứ của quê hương, một vùng đất từ thời xa xưa đói nghèo, tăm tối.

"Úp mặt vào bóng tối” để nhìn về quá khứ, hoài niệm dĩ vãng. Lý do khiến chủ thể trữ tình hoài nhớ về xa xưa, bởi trong hiện tại: “Gió đang chạy trên lưng mình những bước chân đô thị”. Đây là hình ảnh ẩn dụ biểu đạt tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như những bước đi của cơn gió.

Dẫu biết rằng, đô thị hóa là cuộc cách mạng thay cũ đổi mới, nhưng mỗi chúng ta thường quyến luyến với kỷ niệm trong quá khứ, nhớ nhung, gắn bó với vẻ đẹp thôn dã mang hồn cốt văn hóa truyền thống. Vẻ đẹp ấy đang có nguy cơ mai một, thậm chí biến mất bởi làn sóng đô thị, do vậy, mọi người không khỏi ngỡ ngàng, tiếc nuối những gì đã từng gắn bó, quen thuộc với mình.

Nét tâm lý của người Việt ở khía cạnh này được ngòi bút Mai Văn Phấn chạm đến như một lời lý giải cho sự xung đột nội tâm của con người khi chạm mặt “đô thị hóa”.

Có thể xem hình ảnh “bóng tối lùm cây” là bản lề khép mở giữa xưa và nay, hiện tại và quá khứ: Đứng trước thực tại đô thị hóa, con người thường hoài niệm về quá khứ như muốn níu kéo lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền, bởi họ sợ cơn gió thời đại sẽ cuốn đi tất cả. Và, chính “cái bóng tối” kia đã đưa tác giả bài thơ “về ngôi nhà của mẹ” mình, nơi ông từng cất tiếng khóc chào đời, nơi một thời tăm tối, lấm láp...

Hình ảnh “Ngôi nhà như chiếc bánh không nhân” tựa tấm màn nhung mở ra trước mắt người đọc, với khung cảnh làng quê xưa tịch mịch và u tối, ẩn hiện trong khói sương của thời gian... Và cũng tại “ngôi nhà của mẹ”, Mai Văn Phấn đã làm sống dậy một ký ức đượm buồn và cũng không kém phần ngọt ngào khi ông “Nhặt được đồng xu cùn gỉ cuối sân”.

Chính cái “đồng xu cùn gỉ” ấy đã vẫy gọi nhà thơ trở về thời thơ ấu của mình, nơi ông cùng bạn bè đồng trang lứa say sưa những trò chơi dân gian.

“Ngỡ chạm phải tay mình thời thơ ấu

Những dấu chân ai lún sâu lỗ đáo

Từng kiếp người mở mắt… thấy đôi chân cò lội nước trắng mênh mông”.

Hình ảnh “lỗ đáo” trong bài thơ hiện ra rất lạ và mang ấn tượng mạnh. Tác giả liên tưởng cái “lỗ đáo” kia tựa như dấu chân ai đã từng đi về trong quá khứ. Dấu chân “lún sâu lỗ đáo” ấy có thể là bóng dáng của ông bà, cha mẹ, người thân của bất kỳ ai trong chúng ta. Càng lạ hơn nữa, Mai Văn Phấn thấy từ lỗ đáo ấy “từng kiếp người” như đang “mở mắt” thấy cảnh lầm than cơ cực một thời của họ. Rồi ông lại thấy “đôi chân cò lội nước trắng mênh mông”.

Hình ảnh “con cò” trong ca dao xưa được tái hiện trong bài thơ cũng không ngoài nội hàm biểu trưng cho cuộc đời tối tăm, lam lũ, nghèo khó của người nông dân xưa.

Giống con cò xưa nhưng nó mang hình dạng khác lạ, bởi tác giả đã đặt hình ảnh con cò trong không gian đa chiều, giữa hiện tại và quá khứ đan xen trong dòng tâm tưởng, khiến nó hiển hiện theo những chiều kích khác, mang sắc thái khác.

Hình ảnh “đôi chân cò” vụt hiện trong nhịp điệu câu thơ ngắt nghỉ, nhấn nhá không gợi cảm giác ủ rũ, buồn chán mà dư ba, vang động, cất lên niềm hy vọng về một tương lai đẹp đẽ hơn...

“Nơi chó đá đầu làng vẫn sủa những con trăng

Có tiếng gọi nghe buồn như củi ướt

Thương quê nghèo mẹ tôi ra bến sông

Vớt những câu ca chưa tan vào nước”.

Vẫn là hình ảnh làng quê xưa. Con chó đá vẫn nằm đó sủa trăng. Tiếng ai gọi nhau nghe buồn như củi ướt. Trong bối cảnh này, hình ảnh “người mẹ” ra bến sông “Vớt những câu ca chưa tan vào nước” đem đến cho bạn đọc ấn tượng mạnh mẽ về người mẹ Việt Nam, hàm ẩn nhiều ý nghĩa sâu xa.

“Bến sông” là nơi thuyền neo đậu bên con nước chảy trôi tựa dòng thời gian vô thủy vô chung. Bởi e rằng, cuộc sống đô thị một khi đã được tạo dựng, nó sẽ dễ dàng lấn át, xóa đi những giá trị truyền thống tốt đẹp. Do vậy, người mẹ muốn “Vớt những câu ca chưa tan vào nước”, tức muốn lưu giữ những tinh tuý văn hóa của cha ông truyền lại.

Ở đây không phải là cuộc giằng co giữa cũ và mới, bảo thủ và canh tân, mà là ý thức bảo vệ, giữ gìn vẻ đẹp truyền thống, hồn cốt văn hóa dân tộc khi con người bước vào cuộc sống hiện đại.

Ký ức vụt hiện trong tâm tưởng nhà thơ rồi cũng nhanh chóng qua đi, về với thực tại:

“Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất

Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình

Đêm thai nghén những thị thành trứng nước

Ai ấy còn ngơ ngác trước văn minh”.

Giờ đây, tác giả thấy “bóng râm” chứ không phải “bóng tối” của ngày xưa cũ. Phải chăng “bóng râm” là lối mở, hướng đi trong thực tại. Nhà thơ đã nhìn thấy lối đi này ngay dưới chân mình, ngay trên “bùn đất” hiện hữu quanh mình.

Lúc này “Đất ở dưới chân” nói gì mà nhà thơ thấy đất “cao hơn suy nghĩ của mình”? Đất cao hơn, bởi đất kỳ vĩ, bất tận mà bấy lâu nay dường như con người nơi đây không nhận ra, không đánh giá đúng ý nghĩa và tầm vóc của đất.

Đất vĩ đại bởi đất quý giá, đất nuôi sống con người như ông bà ta từng bảo: “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”. Đất vĩ đại bởi đó là quê hương, là lãnh thổ, là Tổ quốc.

Từ đây, trong “bóng tối” của lùm cây, trong tư duy của mình, nhà thơ đã nhìn thấy ánh sáng của văn minh đô thị đến rất gần. Điều này, Mai Văn Phấn đã biểu đạt qua hình ảnh: “Đêm thai nghén những thị thành trứng nước”, một hình ảnh vạm vỡ, phôi thai và như vừa nứt vỡ. Và chính từ những nơi “nứt vỡ” ấy, người đọc như thấy được ánh hồ quang của ngày mới, của thời kỳ mới.

Dù một số người còn băn khoăn, lạ lẫm “Ai ấy còn ngơ ngác trước văn minh” nhưng đối với tác giả bài thơ này, đó chính là mơ ước, niềm tin của bao người.

giu gin van hoa truyen thong (2).jpg
Chương trình Nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo các làng quê nông thôn Bình Lục, Nam Định. Ảnh: ITN.

“Trong bóng tối lùm cây tôi chợt nhận ra mình

Với nỗi e dè từ cái thời Văn Lang lúa nước

Nỗi e dè tự thắp mình lên làm ngọn nến mùa Thu đi rước đuốc

Và ngôi nhà của mẹ là chiếc đèn lồng lặng lẽ sáng dần lên”.

Vẫn là nhân vật “Tôi” “Trong bóng tối lùm cây” tiếp tục suy tư. Tác giả “chợt nhận ra mình” nhận ra “nỗi e dè từ cái thời Văn Lang lúa nước” của con người Việt Nam.

“E dè” là sự nhút nhát, có phần tự ti trong suy nghĩ và hành động. Bản tính này đã ăn sâu trong tâm khảm của một số người, thâm căn cố đế có từ thời dựng nước. Chính cái “e dè” này phần nào làm cản trở tiến trình đô thị hóa. Nhận ra điểm hạn chế này để mỗi con người vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình và tự tin hòa nhập với thế giới.

Hình ảnh “ngôi nhà của mẹ” giờ đây không còn chìm trong bóng tối nữa mà đã trở thành “chiếc đèn lồng lặng lẽ sáng dần lên”. “Ngọn nến mùa Thu đi rước đuốc” và “chiếc đèn lồng lặng lẽ sáng dần lên” là hai hình ảnh tuyệt đẹp nằm ở khổ thơ cuối cùng tựa như những ngọn đèn phát sáng, rọi chiếu khắp không gian bài thơ, ngời tỏa lung linh trong tâm hồn người đọc.

Viết về “đô thị hóa”, Mai Văn Phấn đã chạm tới vấn đề thời sự hiện nay. Nhưng “đô thị hóa” chỉ là cái cớ để thi sĩ thăng hoa cảm xúc về nét đẹp tâm hồn con người. Đó là ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc dù trong đời sống hiện đại, tiện nghi. Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ này.

Nương theo chuyển động của bài thơ, ta thấy, tác giả đã sắp đặt chuỗi hình ảnh nhằm làm nổi bật chủ đề của tác phẩm: Bóng tối - Bóng râm - Ngọn nến - Đèn lồng. Những hình ảnh này như dấu tích từng dòng “nhật kí” quá trình chuyển biến nhận thức của con người về đô thị hóa.

Từ chỗ còn mịt mờ trong “bóng tối” đến khi tìm ra lối mở từ “bóng râm” và cuối cùng bừng sáng “ngọn nến” và “chiếc đèn lồng”. Trong đó, hình ảnh “ngọn nến mùa Thu đi rước đuốc” và “chiếc đèn lồng” như chiếu sáng, soi rọi mọi góc tối trong không gian thơ.

“Nhật ký đô thị hóa” đã thực sự trưởng thành và cảm động. Nó trộn lẫn, hòa quyện giữa cội rễ sâu xa của truyền thống với cái hiện đại ngổn ngang trong tâm thức con người bằng một hình thức sáng tạo có dụng ý”. Đó là nhận xét của cố PGS.TS Đào Duy Hiệp trong bài “Mai Văn Phấn - Những chặng đường sáng tạo thơ”. Nhận xét trên thêm một lần khẳng định giá trị và ý nghĩa của “Nhật ký đô thị hóa”, cũng như đánh giá đúng vị trí của bài thơ này trong lộ trình sáng tạo, cách tân thơ của Mai Văn Phấn. Tác giả kiến tạo hình ảnh, gợi cho người đọc liên tưởng tới lễ hội rước đèn truyền thống vào mỗi dịp Tết Trung thu.

Dưới ngòi bút của Mai Văn Phấn, những hình ảnh này như nhịp nhàng khép mở, tắt sáng, rồi đồng hiện: Dù cuộc sống đô thị có hiện đại nhưng con người không đánh mất, hay làm phai mờ bản sắc văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Ngoài ra, hình ảnh “người mẹ” xuất hiện trong bài thơ cũng gây xúc động khôn nguôi. Nơi nhà thơ được sinh ra trong “ngôi nhà của mẹ”, như một lời mặc định rằng, Người mẹ chính là nguồn cội của tinh thần, là chỗ dựa êm ái vững chắc nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta.

Hình ảnh người mẹ ra “bến sông” đã khắc họa đức tính giản dị, thiện lương, tảo tần, cũng là hiện thân của những đắp bồi vun vén cho ngọt ngào, hạnh phúc trong mỗi gia đình từ bao đời nay. Đặc biệt, tiếng gọi “Mẹ ơi mẹ!” vang lên khi người con hiểu ra tầm vóc vĩ đại của “Đất”. Phải chăng trong tâm tưởng của người con, Mẹ chính là hiện thân của đất đai, sông núi vững bền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ