Đến với bài thơ hay: Dòng sông mặc áo

GD&TĐ - Sông nước từ lâu là hình ảnh thân thiết nhất về quê hương xứ sở trong lòng mỗi người dân Việt và cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Dòng sông mới điệu làm sao

Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha

Trưa về trời rộng bao la

Áo xanh sông mặc như là mới may

Chiều trôi thơ thẩn áng mây

Cài lên màu áo hây hây ráng vàng

Đêm thêu trước ngực vầng trăng

Trên nền nhung tím trăm ngàn sao lên

Khuya rồi sông mặc áo đen

Nép trong rừng bưởi, lặng yên đôi bờ.

Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ

Dòng sông đã mặc bao giờ, áo hoa?

Ngước lên bỗng gặp la đà

Ngàn hoa bưởi trắng nở nhòa áo ai...

(Hà Tĩnh 1972)

Nguyễn Trọng Tạo

Bài thơ “Dòng sông mặc áo” của Nguyễn Trọng Tạo được nhiều người yêu thích được viết từ nguồn cảm hứng ấy. Bài thơ đã làm sống dậy vẻ đẹp phong phú, bất ngờ của dòng sông và thể hiện tình yêu quê hương đất nước tự nhiên, sâu lắng.

Nhan đề “Dòng sông mặc áo” là một cách nói hay về một hiện tượng thiên nhiên, nhờ đó sự vật vô tri bỗng như có tâm hồn. Mặt khác, thi sĩ cảm nhận và tả dòng sông luôn vận động không ngừng.

Cảnh vật xung quanh cũng như màu sắc con sông có sự chuyển đổi, biến hóa theo thời gian trọn vẹn một ngày đêm và dường như mỗi ngày chu trình đều như thế. Bài thơ hay còn bởi cách quan sát, miêu tả dòng sông gợi cảm và thi vị.

Những câu mở đầu đã khiến người đọc thấy điều đó: “Dòng sông mới điệu làm sao/Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha”. Sông ở đây được thi sĩ nhân hóa nên cũng biết điệu đà, biết làm đẹp giống như người thiếu nữ làm duyên, làm dáng.

Vẻ đẹp “mặc áo lụa đào” của dòng sông vào thời điểm sáng sớm nắng mới lên quả là hấp dẫn bởi sự mềm mại, tha thướt. Song đến khi nắng chuyển dần, mặt trời lên cao vào thời điểm ban trưa, dòng sông lại mang vẻ đẹp khác lạ: “Trưa về trời rộng bao la/Áo xanh sông mặc như là mới may”. Nếu không có sự quan sát tinh tế bầu trời và sông nước, tác giả không thể có được cách nói xác đáng, gợi cảm đến như vậy.

Buổi chiều, vẻ đẹp của dòng sông lại hiện lên đẹp khác thường: “Chiều trôi thơ thẩn áng mây/Cài lên màu áo hây hây ráng vàng”. Dòng sông lúc này giống như một người mẫu dễ thương, thiên nhiên là những nhà thiết kế thời trang khéo léo đã cài lên phục trang phụ kiện áng mây ráng vàng thật đặc sắc.

Chưa hết, vẻ đẹp của sông nước đêm trăng còn được tác giả miêu tả sang trọng, đài các vô cùng nhờ bàn tay tạo hóa thêu trên nền nhung tím cả một vầng trăng và muôn vì tinh tú lấp lánh: “Đêm thêu trước ngực vầng trăng/ Trên nền nhung tím trăm ngàn sao lên”.

Song đến thời điểm đêm khuya trăng lặn, dòng sông xuất hiện trong tấm áo đen huyền diệu đầy bí ẩn: “Khuya rồi sông mặc áo đen/Nép trong rừng bưởi, lặng yên đôi bờ”.

Tác giả đã miêu tả dòng sông đẹp như bức tranh đa sắc: Màu đào của nắng mới tươi tắn, màu xanh của da trời mát dịu, ráng vàng của mây chiều rực rỡ, màu tím nhung của trời đêm, trên đó thêu vầng trăng và ngàn sao lấp lánh. Dòng sông không những tuyệt đẹp về sắc màu mà còn tỏa ngát thơm hương bưởi: “Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ/Dòng sông đã mặc bao giờ, áo hoa?”.

Nghệ thuật tăng cấp được tác giả dùng thật đắt giá càng làm bồi thêm mãi vẻ đẹp của dòng sông dịu dàng, thơ mộng. Đặc biệt câu thơ kết: “Ngước lên bỗng gặp la đà/Ngàn hoa bưởi trắng nở nhòa áo ai...” cho thấy ban đêm, dòng sông đã “nép” trong rừng bưởi tĩnh lặng, nên bình minh vừa rạng, dòng sông càng đẹp với sắc áo hoa tươi trẻ và còn ngát hương thơm.

Mùi thơm quyến rũ của dòng sông khiến lòng người say đắm đến “ngẩn ngơ”. Với thể thơ lục bát, ngôn từ thuần Việt dễ nhớ, dễ thuộc; hình ảnh ẩn dụ nhân hóa đa dạng giàu sức gợi, các điệp từ dùng rất sáng tạo; từ láy “thướt tha”, “thơ thẩn”, “hây hây”, “ngẩn ngơ”, “la đà” được sử dụng khéo léo, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã thể hiện và truyền tải đến người đọc một tình yêu đầy lãng mạn và thắm thiết với dòng sông quê mình.

Tình cảm sâu nặng và trong sáng ấy bồi đắp cho mỗi chúng ta thêm yêu tha thiết sông nước quê hương, đất nước Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...