GIẤC MƠ
Tôi hóa tôi thành giọt nước
Thân tôi thấm vào cỏ cây
Tôi chảy cùng sông, cùng suối
Biển xa tôi sóng đêm ngày.
Tôi hóa tôi thành chiếc khóa
Một ngày tôi mở tôi ra
Mở bao giấc mơ ỉm khóa
Tôi mở tôi với thật thà.
Tôi hóa tôi vào bóng đêm
Lặng im tôi hóa sao trời
Sáng lên tôi qua đêm tối
Những vì sao thức trong tôi.
Tôi hóa tôi thành hạt thóc
Nắng mưa tôi ấm tay người
Chắt chiu bao mùa trong đất
Mầm xanh tôi mọc trong tôi.
Con người ấy chính là “Tôi”, chủ thể trữ tình, hiện diện trực tiếp trong bài thơ để đối thoại với người đọc và đối thoại với chính mình về lẽ sống đẹp.
Cụm từ “Tôi hóa tôi” được sắp đặt nằm ở đầu bốn khổ thơ tựa như những cánh cửa sổ của ngôi nhà thơ bật mở cho khát vọng bay lên. Muốn “hóa” thì phải có phép màu và quyền năng. Nhưng Tôi không muốn một lực lượng siêu nhiên nào hóa Tôi cả mà chính “tôi hóa tôi”. Tự Tôi cho mình cái quyền năng hóa thân để thỏa mãn điều khao khát.
“Tôi hóa tôi” khẳng định một tâm thế tự chủ, một tư thế sẵn sàng và một thái độ dứt khoát, tự tin. Tâm - tư thế và thái độ đó đã phả lên từng con chữ, từng hình ảnh thơ được tinh lọc, hàm ẩn, giàu khơi gợi làm hiển lộ chân dung một thi sĩ đa tình, đầy nhiệt huyết, hăm hở vào đời với một lẽ sống đẹp.
“Tôi hóa tôi thành giọt nước/thân tôi thấm vào cỏ cây”, một nhu cầu thiết yếu bậc nhất của sự sống là có “nước”.
Một cách khiêm nhường, Tôi chỉ muốn hóa thành “giọt” thôi. Chỉ là “giọt” nhưng một khi đã “thấm” vào cỏ cây để làm nên nhựa sống cho cây cỏ, đủ thấy sức cống hiến của Tôi cho cuộc sống bền bỉ và lớn lao như thế nào.
Hiện thân là “giọt nước”, Tôi còn có ước muốn lớn hơn “Tôi chảy cùng sông cùng suối/Biển xa tôi sóng đêm ngày”. Không muốn hóa thành sông, suối mà chỉ muốn hòa nhập cùng suối, sông vì tôi hiểu rằng có hòa nhập thì mới tạo sức mạnh to lớn để đi đến cái đích cuối cùng là “biển”.
Biển là một sinh thể vũ trụ kỳ vĩ. Hóa thành biển chẳng phải mình cũng kỳ vĩ lắm sao? Nhưng, Tôi đâu phải kẻ hợm mình như thế, “tôi sóng đêm ngày” thôi. Sóng được sinh ra từ biển. Hóa thân thành “sóng”, với hàm ý Tôi là một thành viên bé nhỏ của “biển đời”.
Được hưởng ơn huệ của đời, dĩ nhiên Tôi phải có trách nhiệm cống hiến cho đời. Tôi “sóng đêm ngày” nhưng chỉ muốn làm sóng dịu êm ngày đêm hát ca, dâng đời niềm vui. Xem đó là một sự đóng góp tinh thần dù nhỏ nhoi nhưng cao đẹp.
Cảm xúc hòa nhập và hiến dâng đang một mạch chảy, bỗng dưng rẽ lối: “Tôi hóa tôi thành chiếc khóa/Một ngày tôi mở tôi ra/Mở bao giấc mơ ỉm khóa”. Thế giới nội tâm con người là thế giới bí ẩn khiến không ít người khao khát mở khóa tâm hồn mình. Riêng Tôi muốn hóa thân thành “chiếc khóa” để “mở tôi ra” không phải để khám phá điều bí ẩn mà là để “mở bao giấc mơ ỉm khóa”.
Thì ra, vì “mơ” nhiều mà không thực hiện được nên “ỉm khóa”. Sống, con người ai cũng ấp ủ nhiều giấc mơ. Điều quan trọng là đừng để giấc mơ bị “ỉm khóa”, đừng để giấc mơ chỉ là… mơ, mà phải tìm cách “mở” nó ra, biến “mơ” thành “thực”. Nên với tôi, hóa thân thành “chìa khóa” để “tôi mở tôi ra” vẫn luôn là khát khao vô cùng. Mà đã gọi là “mơ” thì hẳn phải là mong muốn tốt đẹp, tích cực.
Khát khao “mở” giấc mơ chẳng phải là khát khao thực hiện điều tốt đẹp từng ấp ủ? Và tận hiến cho đời chính là một trong nhiều “giấc mơ” đẹp đó. Giấc mơ này không đột hiện mà trầm tích từ rất lâu để đợi đến thời điểm thích hợp “một ngày” tôi mở ra.
Hóa thân thành “chiếc khóa”, Tôi còn muốn mở cánh cửa lòng mình. Sống chân thành với chính mình, với mọi người là điều tôi tâm niệm. Cống hiến cho đời phải xuất phát từ sự chân thành, tự nguyện chứ không phải “làm màu”. Điều tâm niệm đó thật hồn nhiên chảy ra đầu ngọn bút: “Tôi mở tôi với thật thà”. Một câu thơ giản dị, chân thành là lẽ sống cũng là chân lý sáng tạo của nhà thơ.
Điều tâm niệm đó đã thúc đẩy “Tôi hóa tôi vào bóng đêm/Lặng im tôi hóa sao trời/Sáng lên tôi qua đêm tối”. Không phải “hóa thành” mà là “hóa vào”. Có lý. Bởi có ai lại muốn mình thành cái “bóng đêm” đầy hắc ám bao giờ. “Hóa vào” bóng đêm là chủ động dấn thân vào thử thách, cam go của cuộc sống để rèn luyện bản thân vượt “qua đêm tối”. Muốn thế, không còn cách nào khác là “Lặng im tôi hóa sao trời”.
Nhưng tại sao khi hóa sao trời, tôi phải “lặng im”? Có phải đây là lời nhắc nhủ mình rằng dù có “sáng lên” cũng phải hết sức khiêm cung? Đúng thế. “Một ngôi sao chẳng sáng đêm” (Tố Hữu), một cá nhân dù có “sáng lên” cỡ nào cũng không thể một mình vượt qua bao la đêm tối, một mình làm nên cuộc sống. Bởi thế, cá nhân phải hòa nhập với cộng đồng, cái “tôi” bé nhỏ phải hòa cùng cái “ta” rộng lớn. Điều này, Trương Anh Tú đã để cho hình ảnh thơ “Những vì sao thức trong tôi” cất tiếng.
Tự tin với những điều mình tâm niệm, tôi lại tiếp tục với khát khao: “Tôi hóa tôi thành hạt thóc/ Nắng mưa tôi ấm tay người”. Có “hạt thóc”, có cái ăn thì con người sẽ “ấm bụng” chứ sao lại “ấm tay”? Xét cho cùng, dù “ấm bụng” hay “ấm tay” thì vẫn là “ấm”, tín hiệu của “cái sống”. Nhưng nói “ấm tay” thì gợi hơn, biểu nghĩa rộng hơn. Bàn tay người làm nên sự sống (hạt thóc) thì cũng chính bàn tay ấy phải biết nâng niu, giữ gìn, trân quý nó.
Hóa thân thành hạt thóc nhưng Tôi muốn hạt thóc đó phải đến tận tay người có hoàn cảnh khắc nghiệt (nắng mưa) thì giá trị hạt thóc mới càng được khẳng định, trân quý. Cống hiến tuy nhỏ nhoi nhưng phải là cống hiến có giá trị nhất, có ý nghĩa nhất, được người đời trân quý, đó là điều Tôi mong muốn.
Có thành quả nào tự nhiên mà có? Ngoài sự tác động của sức người, thành quả nào cũng phải có cái khởi nguyên. Khởi nguyên của “hạt thóc” chẳng phải là “mầm xanh”? Không có “mầm xanh” sao có “hạt thóc” được? Vậy nên, để cho hạt thóc được “luân hồi”, để cho sự sống không phải hiện hữu rồi tàn phai, mất bóng, tôi lại khao khát “Mầm xanh tôi mọc trong tôi”.
Người ta thường nói “nảy” mầm, riêng Trương Anh Tú nói “mọc” mầm. Cây muốn mọc, mầm muốn mọc đương nhiên phải có rễ, hàm ý cống hiến cho đời không phải là chuyện “thời vụ” mà phải bền chặt trước sau.
Xem ra cái sự “mọc” của “mầm xanh” cũng lạ. Bảo rằng “Chắt chiu bao mùa trong đất” nên cứ tưởng mầm mọc trong đất nhưng rốt lại “Mầm xanh tôi mọc trong tôi”. Chuyển hóa cái có lý (mọc trong đất) thành cái phi lý (mọc trong tôi) là cách nói của thơ khi cảm xúc của người thơ thăng hoa đến tột đỉnh, đẩy cái khát khao tận hiến đến miên viễn, bám rễ bền chặt vào tâm hồn của nhân vật trữ tình.
Có thể nói đây là câu thơ độc sáng hằn dấu vân tay của Trương Anh Tú. Không giống cách biểu đạt trực tiếp như nhà thơ Thanh Hải “Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”, Trương Anh Tú, chỉ bằng hai hình ảnh muốn hóa thân “mầm xanh” và “hạt thóc” cũng đủ làm cho khát vọng tận hiến trọn đời hiện lên sừng sững.
Bài thơ có cấu tứ đặc biệt. Hồn vía bài thơ nằm ở khổ thơ thứ 2, là “mở khóa giấc mơ”. Khóa mở, bao khát khao chứa đựng trong “giấc mơ” thoát bay lên rồi “đậu” vào các khổ thơ còn lại. Vậy, thực chất của “Tôi hóa tôi” chẳng phải là hiện thực hóa “giấc mơ”?
“Thơ phải được thể hiện bằng những ý tưởng lớn và cảm xúc chân thành nhất” (Mai Văn Phấn). Yếu tính này của thơ thể hiện rất rõ trong “Giấc mơ” của Trương Anh Tú. Một tình yêu cháy bỏng đối với cuộc đời, một ý thức trách nhiệm cao đối với cuộc sống là mạch cảm xúc tuôn chảy dào dạt trên mỗi dòng thơ. Rất chân thành, rất xúc động nên cũng rất tự nhiên dòng cảm xúc ấy chảy vào lòng người đọc.
Truyền cảm xúc và ý tưởng của bài thơ đến với bạn đọc thành công phải kể đến tài năng của thi sĩ. Về cách dụng ngôn, giản dị, tự nhiên, tao nhã là cái màu của ngôn từ bài thơ này. Rất hợp lý. Bởi, nói về điều giản dị thì cần gì phải đại ngôn, khó hiểu.
Một đặc điểm nổi bật trong thơ Trương Anh Tú là, dù chạm bút đến vỉa tầng nào của cuộc sống, thơ anh cũng có sự hiện diện của thiên nhiên. Nếu không phải là đối tượng trữ tình thì thiên nhiên cũng là “phông nền” cho những ý tưởng khác.
Ở bài thơ này, khi đề cập đến lẽ sống đẹp, anh đưa nhiều hình ảnh thiên nhiên vào thơ để mặc định: Sống cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên và đẹp như hiện thân của thiên nhiên vậy. Mượn thiên nhiên để biểu đạt lẽ sống đẹp không phải Trương Anh Tú là người đầu tiên. Trước anh có Thanh Hải “Ta làm con chim hót/Ta làm một cành hoa”. Nhưng Trương Anh Tú không dẫm chân lên lối đi của người trước từ tên gọi thiên nhiên cho đến cách dẫn.
Thiên nhiên trong thơ anh phong phú hơn nhiều. Từ thiên nhiên kỳ vĩ (biển, sông, suối, sao trời) đến nhỏ nhoi, bình dị (hạt thóc, mầm xanh), đều xuất hiện đúng chỗ tạo được hiệu ứng.
Nhạc điệu là yếu tố truyền cảm xúc được tác giả gia công. Nên, đọc bài thơ mà tưởng như nghe khúc nhạc lòng của thi sĩ cất lên từ niềm say mê cuộc sống, từ nỗi khát khao dâng hiến cho đời. Chính nhịp tâm hồn, nhịp cảm xúc của người thơ phả vào các hình thức ngữ âm, vần, nhịp… đã tạo nên khúc nhạc lòng tươi vui mê đắm ấy.
Nếu bảo rằng cảm xúc chân thành là điều “cốt lõi” cho thi sĩ làm thơ thì sáng tạo, khám phá vẻ đẹp miên viễn của thơ ở mỗi đề tài là điều “cốt tử” của thi sĩ. Cả hai điều này, người đọc bắt gặp trong “Giấc mơ” của nhà thơ Việt đương đại ở hải ngoại Trương Anh Tú.
-----------
(*) Bài thơ “Giấc mơ“ của Trương Anh Tú đăng lần đầu trên báo Văn Nghệ ngày 13/6/2020, sau đó tiếp tục được giới thiệu trên tạp chí Văn Nghệ Vĩnh Phúc số tháng 5/2021, trên tạp chí Nhật Lệ số tháng 7/2021, trên Báo điện tử Giáo dục & Thời đại ngày 1/12/2021, trên tạp chí Dân Vận số tháng 5/2022 và trong một chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam do chính tác giả đọc - phát sóng ngày 6/7/2022.