1.
Trần Đức Tiến được biết đến là nhà văn sống kĩ với chữ. Xuất phát điểm là học sinh chuyên văn, từng kinh qua các lò luyện “gà chọi” của tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam và Nam Định) để “mang văn đi đánh xứ người” từ thuở hoa niên, nhưng định mệnh bắt ông đi đường vòng, khi đăng kí thi vào khoa Văn của Trường ĐH Tổng hợp lại trở thành sinh viên Trường Kinh tế - Kế hoạch, bây giờ là Đại học Kinh tế Quốc dân.
Thế rồi, chàng trai công tác trong ngành Thống kê khiến nhiều người, thân và sơ, bất ngờ, với liên hoàn các giải thưởng văn chương uy tín vào những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, như hai lần giải Nhì cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Hà Nội mới, Giải A cuộc vận động sáng tác do NXB Hà Nội tổ chức.
Như vậy, Trần Đức Tiến một bước theo “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”, trở về với trang văn, khác chăng, thay vì học văn thì thành viết văn. Ông thành người, ngày với số (chuyên viên ngành Thống kê) đêm về với chữ (viết văn), nhẹ nhàng, chắc chắn và gọn ghẽ, không qua giai đoạn lấy đà hay nhận diện tìm đường như nhiều bạn viết cùng thế hệ.
Kể ra, Trần Đức Tiến viết không nhiều và cũng ít ồn ào. Nhưng đường văn của ông chắc chắn và không lẫn với số đông. Nhất là ở thể loại truyện ngắn. Có thể nói, Trần Đức Tiến và Lê Minh Khuê là hai tác giả đương đại hết mình cần mẫn và tạo được dấu ấn riêng với thể loại vẫn được xem là hợp với thể tạng người Việt.
Tập truyện ngắn Lỏng và tuột của ông được Hội Nhà văn trao giải thưởng năm 2010 càng củng cố thêm ý nghĩ trên ở trong tôi. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả tập ký chân dung Rừng xưa xanh lá (giải thưởng Hội Nhà văn 2004), cho rằng:
“Nhiều truyện ngắn của Trần Đức Tiến là truyện không có chuyện. Những truyện không thể kể lại được. Những truyện hấp dẫn ở cách viết, cách dẫn dắt, nhất là những chi tiết, những chi tiết không có gì đặc biệt, đầy rẫy quanh ta, trong truyện Trần Đức Tiến bỗng tỏa sáng, khiến ta cảm thấy bất ngờ như mới gặp lần đầu”.
Nhưng đặc biệt hơn nữa, là Trần Đức Tiến không chỉ viết cho người lớn, ông còn viết cho thiếu nhi, viết thật sự, không phải kiểu tay trái hay làm thêm làm dáng với các em.
Nhà văn Trần Đức Tiến trả lời báo chí về văn học thiếu nhi |
2.
Thuở còn là trụ cột kinh tế của gia đình, đưa cả bầu đoàn thê tử từ Hà Nội vào thành phố biển Vũng Tàu, văn học thiếu nhi chính là nguồn giúp Trần Đức Tiến nuôi văn chương người lớn.
Các sáng tác của Trần Đức Tiến in đều đặn trên báo Nhi đồng, Khăn quàng đỏ hay trang sáng tác cho thiếu nhi ở khắp các mặt báo. Từ đấy, một lần, hai lần, rồi nhiều lần, Trần Đức Tiến “ẵm” giải ở các cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi.
Không khó để kể lại, như: hai lần giải Nhì về sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam vào các năm 1992 và 1997, Giải C cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 1997, giải Nhất cuộc thi sáng tác cho lứa tuổi mầm non của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Hội Nhà văn VN năm 2005, Giải Nhất Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch năm 2009…
Viết cho thiếu nhi, giành giải thưởng ở nhiều cuộc thi, rồi được tin tưởng mời vào ban giám khảo, thẩm định chất lượng tác phẩm ở các cuộc thi viết cho thiếu nhi, rồi phụ trách Ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn VN, có thể nói, Trần Đức Tiến chưa bao giờ xem nhẹ việc viết cho các em.
Chính ông, cùng với những Đặng Hấn, Nguyễn Hoàng Sơn, Cao Xuân Sơn, Trần Quốc Toàn, Nguyên Hương, Nguyễn Thị Bích Nga, Lý Lan, Nguyễn Nhật Ánh,… tạo nên đội hình thuộc thế hệ thứ hai, tiếp nối các bậc tiền bối, đại thụ, như Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Huy Tưởng, Phùng Quán, Trần Thanh Địch, Hà Ân, Vũ Hùng… chăm chút cho đời sống tinh thần của con trẻ.
3.
Điều dễ nhận thấy nhất là các sáng tác cho thiếu nhi của Trần Đức Tiến rất gần thiên nhiên. Mà “gần” thôi chưa đủ, chính xác là quyện vào thiên nhiên. Ngay từ thuở ban đầu “cúi xuống” với các em, dường như Trần Đức Tiến đã vạch một đường, thẳng như bật mực tàu lên thớ gỗ, rằng thiên nhiên chính là thế giới của các em, là mảnh đất để ông dắt con trẻ bước vào, với cỏ cây hoa lá và muông thú.
Thực tế, thiên nhiên luôn nhiều mê hoặc, đặc biệt là với trẻ con. Ở đấy trí tưởng tượng của các em được phiêu lưu không giới hạn. Trong thế giới tưởng chừng chỉ có thể cảm nhận chứ không thể “đối thoại”, bằng thể loại truyện đồng thoại, các nhà văn kéo bạn đọc đến gần với các loài vật, hiểu và cảm thấu vạn vật nhiều hơn.
Các tập truyện Ốc mượn hồn, Vương quốc vắng nụ cười, Dế mùa thu, rồi Thằng Cúp, Thi sĩ còng gió hay truyện dài Làm mèo và gần nhất là Trên đôi cánh chuồn chuồn ăm ắp các nhân vật thuộc về thiên nhiên. Cảm tưởng như Trần Đức Tiến không bỏ sót bất cứ mảnh thiên nhiên nào.
Ông dẫn các loài vật về, ra mắt và “đối thoại” với bạn đọc nhỏ tuổi thông qua chính các con vật. Đấy có thể là chú kiến, con ve, chuồn chuồn, còng gió, dế mèn, hoặc chú chuột, chào mào, sáo sậu, thạch sùng, cún con, cóc, ốc, rùa đá, cá trê, cá chuồn, con mèo, con trâu, con gà, con vịt, con giun v.v… và cỏ cây hoa lá. Bất kể cây gì và con gì có thể lọt vào mắt trẻ đều được nhà văn soi kĩ, dẫn dắt, kết nối thành những câu chuyện gãy gọn và lý thú.
Vậy nên, không lạ lắm khi đọc truyện thiếu nhi của Trần Đức Tiến lại khiến tôi liên tưởng đến việc đang xem Kênh truyền hình Discovery về chủ đề thiên nhiên.
4.
Rõ ràng và sòng phẳng, có lẽ không nhiều nhà văn đủ tâm huyết để chạy đường trường với trẻ nhỏ. Và cũng phải thành thật với nhau, viết cho thiếu nhi chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhiều tác giả, cả thành danh và mới vào nghề, hơn một lần hăm hở “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, với ý nghĩ “chơi” với con trẻ đơn giản hơn người lớn.
Nhưng không. Đa số là về nhầm ga, lạc lối, vì không bắt được tần số tâm lý của trẻ. Trẻ con không biết nói dối. Các tác giả lấm lưng trắng bụng trước các em.
Không ăn được thì đạp đổ. Điều này là có. Nhiều người quay ra xem văn học thiếu nhi là chiếu dưới, là tầm… trẻ con. Họ không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu, trong sáng tạo, hoặc với văn chương nói riêng, tác phẩm không phụ thuộc vào đề tài lớn hay đề tài bé, vào đối tượng đọc là người lớn hay trẻ con, chỉ có tác phẩm hay hoặc tác phẩm dở mà thôi.
Điều này chắc chắn Trần Đức Tiến nhận ra từ lâu, bởi khi được hỏi về việc viết cho thiếu nhi và viết cho người lớn, về cái sự lúc nghiêng sườn Đông lúc nghiêng sườn Tây phân thân cho hai đối tượng bạn đọc khác nhau, ông đã nói:
“Tôi không phân biệt văn học theo đề tài, cũng như không coi sáng tác cho trẻ em là công việc chỉ làm bằng tay trái. Văn hay cho thiếu nhi cũng oách chẳng kém gì văn hay cho người lớn. Viết cho trẻ em là nhu cầu của tôi. Có hai điều tôi luôn luôn nghĩ tới mỗi khi ngồi viết cho các em: Viết thế nào cho các em thích đọc và có những tác phẩm văn học được đọc từ lúc còn nhỏ sẽ đi theo người ta suốt đời”.
Với Trần Đức Tiến, viết cho thiếu nhi không phải chỉ là viết cho các em, mà viết cho cả người lớn có nguy cơ đánh mất tính trẻ thơ trong người.
Giải Đồng Sách Hay năm 2015 của Hội Xuất bản Việt Nam trao cho Trên đôi cánh chuồn chuồn của Trần Đức Tiến - cuốn sách khiến tôi nhớ đến vỉa văn trong một tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng khác, là Tuổi thơ im lặng của Duy Khán - thêm lần nữa khẳng định văn chương của ông không thể tách rời mảng viết cho thiếu nhi, viết cho những điều bé nhỏ thân thương.
5.
Chưa bao giờ thiên nhiên bị con người cưỡng bức tàn bạo như hiện nay. Từ rừng vàng đến biển bạc, đâu đâu cũng có bàn tay con người, vì lợi ích cá nhân trước mắt, sẵn sàng phá vỡ mọi quy luật vận hành của tự nhiên. Và càng ngày thiên nhiên càng trả lời đanh thép, bằng thiên tai bão lũ. Và tôi lại nhớ đến những trang văn của Sơn Nam, của Đoàn Giỏi, của Vũ Hùng, của Trần Đức Tiến…
Văn chương chưa bao giờ đứng ngoài thời cuộc. Thậm chí còn có tầm đón đợi, dự báo trước thời cuộc. Vài năm gần đây, phê bình nói nhiều về văn học sinh thái, có nhận định cho rằng ở Việt Nam, đa số giới sáng tác và phê bình dường như vẫn đứng ngoài cuộc, mặc dù họ cũng đang là những tác nhân và nạn nhân của sự hủy hoại môi trường. Tôi không cho là như vậy. Chúng ta đã có và vẫn đang có những trang văn thấm đẫm bầu sinh quyển tự nhiên.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều thuật ngữ, như: sáng tác tự nhiên (nature writing), văn học sinh thái (environmental literature) hay ngôn ngữ xanh (green language), nhưng vô hình trung, những trang văn đẫm đầy sinh thái, rất nhẹ nhàng, vẫn tràn ngập trong các sáng tác của Trần Đức Tiến và các tác giả khác, để các em ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của con người đối với tự nhiên, kêu gọi con người bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái.
Bởi vậy, không khó hiểu khi những truyện ngắn của Trần Đức Tiến được đưa vào sách giáo khoa và sách tham khảo cho con trẻ học.
Và bởi vậy, mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Trần Đức Tiến đã tìm được con đường để trở về với tuổi thơ, ông tìm được vị trí của mình trong thế giới tuổi thơ ấy giữa những đứa trẻ. Vì thế, trong thế giới này, nhà văn Trần Đức Tiến đã được những đứa trẻ chào đón và giữ ông ở lại với chúng”.