Đến với bài thơ hay:

Đến với bài thơ hay: Nghe ở Nà Nưa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bài thơ chân thành và cảm động bởi xuất phát từ tấm lòng của tác giả hướng về Bác Hồ trong những ngày mùa thu Cách mạng.

Khu di tích lịch sử Tân Trào. Ảnh: ITN.
Khu di tích lịch sử Tân Trào. Ảnh: ITN.

Lời bình:

Ở đâu gió reo cười ào ạt

ở đây tôi nghe gió thở bồi hồi

gió như ngừng trôi

thời gian như ngừng chảy

và tôi nghe rất rõ tiếng Người

Tiếng Người khẽ khàng như hơi đất

mỗi ban mai xuống suối chân trần

tiếng Người dịu êm và đầm ấm

mỗi khuya về ngồi đọc công văn

Tiếng Người ho khi cơn sốt giày vò

tôi nghe được tiếng run từ vách nứa

tôi nghe được giọt mồ hôi đang ứa

trên hòn đá mồ côi trước lán Người nằm

và khi Người lên cơn sốt mê man

tôi nghe đất âu lo mạch ngầm ngừng chảy

lá ngơ ngác rơi như mảnh hồn tháng Bảy

chim trên cành rũ cánh ngóng thầy lang…

Khi cơn sốt chưa lui

thìa cháo ăn còn đắng miệng Người

đã thao thức luận bàn cùng Đại tướng

tôi nghe tiếng Người hụt hơi đứt quãng

giữa canh khuya sương buốt lá rừng

giữa những tiếng ho và ánh mắt rưng rưng

là những “Đồng minh…”, là “tiến hành khởi nghĩa…”

giọng người ốm mà đầy sức lửa

“phát xít… bị diệt rồi… nhân loại… sắp sang trang!”

Và tôi nghe tiếng Người bước xuống cầu thang

đứng bên tảng đá bàn truyền vang câu sấm:

thời cơ ngàn năm ta đã nắm

dù phải đốt cháy cả Trường Sơn

cũng quyết giành độc lập tự do!

Chiều Nà Nưa trong mưa

tôi nghe tiếng Người chảy về Ba Đình như dòng thác

kết thành lời Tuyên ngôn!

Đặng Bá Tiến

* Lán Nà Nưa (trước đây gọi là Nà Lừa, ở Tân Trào, Tuyên Quang), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tiếng Người lắng lại thành lời Tuyên ngôn

Dù viết về nhiều đề tài khác nhau, song có lẽ mạch thơ chính yếu của Đặng Bá Tiến vẫn hướng về đất nước, về cuộc sống và con người Tây Nguyên với một cảm hứng sử thi dào dạt.

Đọc thơ và trường ca của anh, độc giả cảm nhận được hình tượng Tổ quốc Việt Nam trong quá khứ hào hùng, thấu hiểu sâu sắc vùng đất Tây Nguyên với vẻ đẹp trù phú, hưng thịnh và cả những trở trăn, day dứt chưa nguôi.

Tuy không nhiều tác phẩm viết về đề tài Bác Hồ, song qua Nghe ở Nà Nưa, người đọc vẫn nhận ra tình cảm chân thành và kính yêu của tác giả khi viết về Hồ Chủ tịch, nhất là lúc Người ở Nà Nưa chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại của dân tộc ta.

Bài thơ mở đầu bằng kiểu phản đề, nhờ đó đã tạo được sự lạ hóa trong cảm xúc và ý tưởng: “Ở đâu gió reo cười ào ạt/ ở đây tôi nghe gió thở bồi hồi”. Quả vậy, từ tiếng gió “thở bồi hồi” ở lán Nà Nưa, tác giả tạo nên tứ thơ bằng sự hoài niệm qua mạch thời gian đồng hiện. Từ tiếng gió, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã trải lòng mình tưởng tượng như thời gian ngừng chảy, lắng nghe rõ tiếng Người một thuở xa xưa:

Ở đâu gió reo cười ào ạt

ở đây tôi nghe gió thở bồi hồi

gió như ngừng trôi

thời gian như ngừng chảy

và tôi nghe rất rõ tiếng Người.

Tiếng Người được hình tượng hóa bằng thủ pháp nghệ thuật so sánh và chuyển tải qua các hình ảnh thơ giàu tính biểu cảm. “Giọng của Người đâu phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mơ ước” (Sáng tháng Năm).

Với nhà thơ Tố Hữu là thế, đến tác giả Đặng Bá Tiến, mỗi lời Bác nói ra được cụ thể hơn, trở thành tiếng đất khẽ khàng qua mỗi bước chân trần khi Người xuống suối; tiếng Người trở nên “dịu êm”, “đầm ấm” khi ngồi đọc công văn.

Từ cuộc sống sinh hoạt đời thường của Bác, nhà thơ đã khái quát về một tấm gương giản dị và gần gũi, đặc biệt là Người đã dành cả cuộc đời mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân:

Tiếng Người khẽ khàng như hơi đất

mỗi ban mai xuống suối chân trần

tiếng Người dịu êm và đầm ấm

mỗi khuya về ngồi đọc công văn

Cảm động và sâu lắng nhất của bài thơ nằm ở khổ thứ ba khi tác giả Đặng Bá Tiến bồi hồi nhớ lại tháng ngày gian khổ mà Hồ Chủ tịch đã trải qua ở lán Nà Nưa. Những cơn sốt rét rừng hành hạ đến thập tử nhất sinh, tưởng Người khó lòng qua khỏi. Biết bao thiếu thốn trăm bề trong khi thời cơ cách mạng đang đến rất gần.

Bằng thủ pháp nghệ thuật lặp cú pháp, tác giả điềm tĩnh với trạng thái “tôi nghe... ‘mà tưởng như bốn bề nước non lên tiếng: Hãy cứu lấy một Con Người, cứu lấy một Dân tộc! Lúc này, từng vách nứa, bờ cây; từng con mương, hòn đá; từng mạch ngầm nước chảy như run lên, ứa ra, ngơ ngác, rũ cánh bi thương chờ đợi phép nhiệm mầu:

Tiếng Người ho khi cơn sốt giày vò

tôi nghe được tiếng run từ vách nứa

tôi nghe được giọt mồ hôi đang ứa

trên hòn đá mồ côi trước lán Người nằm

và khi Người lên cơn sốt mê man

tôi nghe đất âu lo mạch ngầm ngừng chảy

lá ngơ ngác rơi như mảnh hồn tháng Bảy

chim trên cành rũ cánh ngóng thầy lang…

Quả vậy, trong những ngày tiền khởi nghĩa, khi công việc cách mạng cấp bách và vô cùng khẩn trương, Bác đang ốm ở lán Nà Nưa nhưng phải lo luận bàn việc nước. Nhà thơ Đặng Bá Tiến trở lại lán sau hơn nửa thế kỷ, vẫn xúc động bồi hồi, vẫn cảm được thời khắc nguy nan và xót lòng ấy để bày giãi tình cảm của mình cảm động đến rưng rưng:

Khi cơn sốt chưa lui

thìa cháo ăn còn đắng miệng Người

đã thao thức luận bàn cùng Đại tướng

tôi nghe tiếng Người hụt hơi đứt quãng

giữa canh khuya sương buốt lá rừng…

Từ tha thiết, bồi hồi, giọng thơ của Đặng Bá Tiến trở nên mạnh mẽ, quyết liệt khi khắc họa hình tượng Bác Hồ trong giờ phút lịch sử thiêng liêng đã điểm. Với tư cách là người ở vị trí cao nhất, trở thành linh hồn của cuộc Cách mạng tháng Tám, mỗi lời Bác như sấm truyền, vô cùng trang nghiêm, có khả năng hiệu triệu sức mạnh của toàn dân tộc:

Và tôi nghe tiếng Người bước xuống cầu thang

đứng bên tảng đá bàn truyền vang câu sấm:

thời cơ ngàn năm ta đã nắm

dù phải đốt cháy cả Trường Sơn

cũng quyết giành độc lập tự do!

Đặc biệt, trong ba câu thơ kết bài, giọng thơ lắng lại, trầm tư và đầy xúc động. Từ nghe mưa ở Nà Nưa đến “dòng thác” ở Ba Đình qua lời hiệu triệu của Người là một quy luật khách quan, tất yếu; là xu thế thời đại không thể đổi khác.

Cuộc Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9 tại Quảng trường Ba Đình đã thay đổi vận mệnh dân tộc ta, đưa nước ta trở thành nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á:

Chiều Nà Nưa trong mưa

tôi nghe tiếng Người chảy về Ba Đình như dòng thác

kết thành lời Tuyên ngôn!

Bài thơ chân thành và cảm động bởi xuất phát từ tấm lòng của tác giả hướng về Bác Hồ trong những ngày mùa thu Cách mạng. Tái hiện lại một giai đoạn đầy khó khăn và biến động của đất nước, đặc biệt là những gian lao, vất vả khi Người ở lán Nà Nưa, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã giúp cho người đọc hiểu sâu sắc hơn về Bác, nhất là tấm lòng yêu nước, ý chí cách mạng “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn vẫn quyết giành cho được độc lập”.

Tôi nghĩ qua thời gian, tác phẩm thơ này sẽ lắng sâu hơn trong trái tim mỗi người dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ đã một lần tìm hiểu lán Nà Nưa lịch sử, một lần đọc qua bài thơ Nghe ở Nà Nưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.