Nỗ lực vượt khó vì trẻ
Trường Mầm non Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đạt chuẩn phổ cập giáo dục năm 2017 và duy trì cho đến nay. Bằng nỗ lực vượt khó, ngôi trường như một biểu tượng của sự vươn lên trong khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Minh Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Bắc cho hay, để nâng chất lượng giáo dục mầm non, nhà trường luôn tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi, nhằm đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình phổ cập giáo dục.
Trẻ mầm non ở huyện Hòa Vang đều ra lớp đúng độ tuổi quy định. |
“Trường có 1 điểm chính và 2 điểm phụ. Trong năm học 2021-2022, trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100%. Đặc biệt, có 60 trẻ người dân tộc thiểu số cũng đến trường đúng độ tuổi quy định”, cô Thanh thông tin.
Theo cô Thanh, trước đây, việc tuyên truyền trẻ đến lớp gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do giao thông đi lại cách trở, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều thiếu thốn... “Từ khi HĐND TP Đà Nẵng có Nghị quyết 202 (quy định chính sách đối với giáo viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP– PV), trẻ mầm non được hỗ trợ chi phí, cùng với đó là sự đầu tư về cơ sở vật chất, nên phụ huynh đã tích cực đưa trẻ ra lớp đúng độ tuổi quy định”, cô Thanh chia sẻ thêm.
Ngoài ra, chất lượng đội ngũ cũng luôn được Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 5 tuổi. Với 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ tại thôn Nam Yên và thôn Giàn Bí, trường có tổng cộng 24 giáo viên biên chế. Nhiều giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp trường, huyện và thành phố.
Còn tại Trường Mầm non xã Hòa Phú, nhiều năm qua luôn giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, với tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi đạt 100%.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Thoa – Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2021-2022, trường có 300 học sinh trong độ tuổi từ 3-5 tuổi. Trong đó, khoảng 40 em là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi ra lớp và học 2 buổi/ngày đạt 98%. Trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục từ năm 2016 cho đến nay.
Học sinh Trường Mầm non xã Hòa Phú tham gia các hoạt động ngoại khóa. |
Trường Mầm non Hòa Phú có 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. Một trong những tiêu chí ưu tiên của trường đó là xây dựng môi trường học tập của các cháu đảm bảo xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Cô Thoa cho biết thêm, trường luôn phối hợp tuyên truyền để phụ huynh đưa học sinh đến trường để trẻ được chăm sóc, vui chơi và học tập, còn cha mẹ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, trường luôn quan tâm đến những trẻ có gia đình khó khăn để động viên, có biện pháp hỗ trợ.
Xây dựng môi trường học tập, vui chơi tốt nhất cho trẻ
Với đặc thù ngôi trường vùng xa, trong đó điểm trường thôn Phú Túc là nơi học tạp của 40 học sinh dân tộc thiểu số, Trường Mầm non xã Hòa Phú đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, nhằm xây dựng môi trường học tập, vui chơi tốt nhất cho trẻ.
“Hằng năm vào khoảng tháng 7, các giáo viên sẽ đi điều tra độ tuổi và làm công tác phổ cập giáo dục vừa vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp. Với trẻ người Cơ tu, trường cũng bố trí giáo viên về tận nhà vận động, đồng thời những buổi họp trong thôn, bản, các trưởng thôn sẽ tuyên truyền để phụ huynh có cái nhìn đúng đắn và đưa con đến lớp”, cô Thoa nói.
Nhiều trường mầm non ở huyện Hòa Vang được đầu tư khá bài bản về trang thiết bị dạy học cho trẻ. |
Cô Thoa cũng cho hay, với số lượng 24 giáo viên, trong đó có 9 giáo viên giỏi cấp huyện, 6 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, trường luôn hướng đến mục tiêu phát huy tối đa tính tích cực sáng tạo ở trẻ; giúp phát triển tư duy, nhân cách cho trẻ một cách toàn diện.
Theo ông Phan Hữu Dũng – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang, huyện có 15 trường mầm non công lập, 4 trường mầm non tư thục. Trong đó, 13/15 trường đã đạt chuẩn Quốc gia.
Tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra trường trên địa bàn huyện là 100%. Số lượng trẻ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 xã Hòa Bắc và Hòa Phú khoảng 90 em. Số trẻ này được hỗ trợ kinh phí ăn uống mỗi tháng từ Nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng nên có nhiều thuận lợi trong việc huy động cũng như duy trì sĩ số.
“Bên cạnh đó, nhiều năm qua, chính quyền và ngành Giáo dục đã đầu tư về cơ sở vật chất cho các điểm trường, đặc biệt là trường xa thành phố, tạo thuận lợi cho trẻ đến lớp. Đồng thời, giáo viên cùng với chính quyền xuống từng hộ gia đình để tuyên truyền. Chính vì vậy, việc trẻ đến lớp lớp đúng độ tuổi quy định rất thuận lợi, do có sự đồng thuận cao từ phụ huynh”, ông Dũng thông tin.
Cũng theo vị đại diện ngành Giáo dục huyện Hòa Vang, hiện còn 2 trường chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục, chủ yếu do điều kiện khách quan. Trong thời gian tới, ngành sẽ tham mưu cho chính quyền để xây dựng, đầu tư trang thiết bị giúp học sinh có nơi học mới, hướng đến môi trường học tập an toàn, hiệu quả.