Cả năm lo giấy khai sinh...
Mặc dù, học sinh đã chính thức được nghỉ, song những ngày này, cô Hiệu trưởng Trần Thị Phương và tập thể giáo viên Trường Mầm non số 2 Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) vẫn tất bật bên chiếc máy tính và đống giấy tờ, sổ sách.
Nhìn những thông tin, hồ sơ của hàng trăm học sinh đã sẵn sàng nhập lên hệ thống dữ liệu ngành, cô Phương cho biết: “Đa phần các em ở đây nhập học đều thiếu hoặc vướng mắc, chủ yếu là giấy khai sinh. Để có được đầy đủ mà ngồi nhập thế này là hành trình cả một năm ngược xuôi của giáo viên”.
Bên cạnh việc giảng dạy, chăm sóc, duy trì sĩ số thì năm học nào câu chuyện hoàn tất hồ sơ, giấy tờ của học sinh cũng khiến các giáo viên phải “đau đầu”. Lẽ thường, đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của phụ huynh. Song ở những vùng khó như Tủa Thàng, đa phần bà con bận lo “miếng cơm manh áo” nên mọi việc xoay quanh chuyện học của con đều “khoán” cho giáo viên, nhà trường.
“Hàng năm, cứ vào tháng 8 là các cô đi chiêu sinh. Trong quá trình này sẽ thu nhận, rà soát hồ sơ, thủ tục giấy tờ liên quan của học sinh luôn để thiếu đâu chủ động hoàn thiện đó. Vận động được người dân cho con, em ra lớp đầy đủ đã rất khó khăn. Nên để tránh “rơi rớt” học sinh thì các cô sẽ trực tiếp làm, hoặc theo sát hỗ trợ, hướng dẫn từng trường hợp”, cô Phương bộc bạch.
Thông thường, việc chỉnh sửa lại thông tin sai lệch cũng rất phức tạp và mất thời gian. Tuy nhiên, theo cô Phương, khó khăn nhất vẫn là các trường hợp chưa có giấy khai sinh. Năm học vừa qua, nhà trường ghi nhận 1 trường hợp học sinh lớp mẫu giáo 3 tuổi, vì bố mẹ tảo hôn nên con chưa được đăng ký khai sinh. Hàng loạt rắc rối phát sinh khi làm khiến quá trình này kéo dài trong suốt cả năm học.
“Để bảo đảm chế độ cho bé, chúng tôi đã vận động gia đình đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ. Song người bố lại một mực không đồng ý vì cho rằng mình bị tước mất quyền làm cha. 5 lần 7 lượt đi lại vận động, đến khi nhận được sự đồng thuận của các bên thì lại phát hiện người mẹ chưa có căn cước công dân hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào”, cô Phương kể.
Cứ thế, ròng rã nhiều tháng trời giáo viên nhà trường phải thay phiên nhau đồng hành để hỗ trợ, hướng dẫn, lo thủ tục, giấy tờ cho cả mẹ lẫn con. Hành trình từ bản lên xã, rồi lên huyện tới vài chục cây số đường đèo khó khăn, hiểm trở. Mỗi lần đi lại đều tính bằng ngày. Vậy nhưng không phải lần nào đi cũng thuận lợi. Hễ tìm, hẹn được người mẹ thì lên đến xã, cán bộ tư pháp lại đi vắng và ngược lại.
“Rồi có dịp dẫn người mẹ lên huyện thì lại không đúng lịch tiếp nhận hồ sơ hoặc cơ quan chức năng yêu cầu người bố phải đi cùng để xác nhận quan hệ vợ chồng. Mà bố cháu bé lại đi làm thuê tận Quảng Ninh, nhiều lần mắc kẹt vì dịch không về được. Mãi đến vừa rồi mới đầy đủ hết các điều kiện để hoàn tất thủ tục, giấy tờ cho cháu. Cũng may vừa kịp thời gian để nhà trường nhập dữ liệu lên hệ thống ngành”, cô Phương tâm sự.
Để nâng cao nhận thức của phụ huynh, hiện nay, các nhà trường đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. |
Trẻ bỏ dở… cô gánh “nợ”
Công tác tại Trường Mầm non Nà Tấu – xã vùng ngoài của thành phố Điện Biên Phủ, song nhiều giáo viên cũng gặp phải không ít vướng mắc tương tự khi thực hiện phổ cập. Cô giáo Vi Thị Minh Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, từ năm 2011 đơn vị đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi. Đó cũng là hành trình vất vả của giáo viên trong việc lo hoàn tất thủ tục, giấy tờ liên quan của học sinh.
Cô Phượng chia sẻ, thường thì giáo viên nhà trường bận nhất là vào các thời điểm đầu và cuối năm học. Khi đó phải hoàn tất và nhập dữ liệu học sinh. Đặc biệt dịp đầu năm, giáo viên mầm non vốn đã rất bận rộn, vất vả để ổn định tổ chức, giúp trẻ làm quen với lớp. Họ lại phải song hành lo “tháo gỡ” khó khăn về hồ sơ học sinh.
“Trung bình mỗi năm nhà trường tiếp nhận trên 300 trẻ theo học. Đa phần các em đều chưa có đầy đủ giấy tờ mà sẽ “nợ” và hoàn thiện dần trong năm. Tuy nhiên, khó khăn nhất của chúng tôi là nhiều em trong số đó là con của các hộ từ xa đến tạm trú để làm ăn. Được một thời gian không thuận lợi, các cháu lại theo bố mẹ di chuyển đi nơi khác nên hồ sơ, sổ sách phải thay đổi liên tục”, cô Phượng cho hay. Vất vả, rất mất thời gian, nhưng nhiều trường hợp thậm chí rời khỏi địa bàn không khai báo, khiến giáo viên phải “gánh nợ” giấy tờ. Trong số những “khoản nợ” này, cô Phương vẫn nhớ trường hợp của học sinh L. M. T., ở bản Hồng Líu.
Bố mẹ T. ly hôn nên em ở cùng ông bà. Khi đang theo học chương trình lớp 5 (năm học 2020 – 2021) thì gia đình xin cho em nghỉ để về quê mẹ ở Lào Cai, rồi mất liên lạc luôn từ đó. Nhiều lần giáo viên, nhà trường tìm cách liên lạc với em nhưng đều không được. Lần theo địa chỉ gia đình khai báo ở Lào Cai lại được địa phương này xác nhận không tiếp nhận học sinh có thông tin như trên.
“Theo quy định để được công nhận hoàn thành phổ cập, học sinh phải có chứng nhận hoàn thành chương trình học. Mà chúng tôi không thể tìm được học sinh, thậm chí giáo viên lớp em đó còn xin nghỉ việc để đi xác minh. Không tìm được, ngành Giáo dục phải gỡ khó cho nhà trường bằng cách đồng ý thay thế bằng giấy xác nhận của chính quyền và công an địa phương là em đó không có mặt tại địa phương, chứ nếu không trường chẳng biết làm thế nào”, cô Phượng giãi bày.
Giáo viên thường phải hỗ trợ, thậm chí phải làm thay nhiệm vụ của phụ huynh để bảo đảm quyền lợi cho học sinh. |
2 giấy khai sinh, 2 hộ khẩu...
Thừa nhận hiện nay đã có nhiều thay đổi, song nhiều giáo viên, trường học ở Điện Biên vẫn bày tỏ rằng không hết lo lắng do những vướng mắc xoay quanh câu chuyện thủ tục giấy tờ để hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi ở Điện Biên. 1.001 “cái khó” khiến các cô không khỏi băn khoăn khi mà Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 3 – 4 tuổi đang tiếp tục được Bộ GD&ĐT xây dựng.
“Với trẻ 5 tuổi đã vướng, thì trẻ 3 – 4 tuổi lại càng khó hơn. Theo quy định, hiện nay trước khi bàn giao trẻ 5 tuổi sang tiểu học thì trường mầm non phải hoàn thiện đầy đủ giấy tờ của học sinh, nhưng năm nào cũng có vài trường hợp vướng mắc về giấy khai sinh. Nhiều em sai lệch thông tin, song cũng có những trường hợp chưa thể đăng ký vì bố mẹ chưa đủ tuổi”, cô giáo Trần Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ này của cô Tâm, thì việc không có giấy khai sinh còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả huy động và duy trì sĩ số học sinh ra lớp. Bởi lẽ, trẻ không giấy khai sinh, sổ hộ khẩu thì sẽ không hoàn tất được hồ sơ, thủ tục để hưởng các chế độ, chính sách liên quan.
“Bình thường ở đây vận động phụ huynh cho con em ra lớp đã khó, giờ lại yêu cầu đóng tiền ăn, tiền học cho con thì họ cho nghỉ ở nhà luôn. Thành ra nhà trường, giáo viên lại phải xoay đủ cách. Không lo được giấy tờ kịp thời thì chúng tôi phải tìm rồi xin đủ các nguồn hỗ trợ cho các con để đảm bảo ổn định sĩ số”, cô Tâm nói.
“Pháp luật quy định mọi trẻ em đều có quyền được khai sinh. Nhưng trên thực tế, bố mẹ không đủ tuổi thì trẻ gần như bị tước mất quyền này. Để đảm bảo quyền lợi cho các con thì chúng tôi vận động đăng ký khai sinh theo họ mẹ, song bà con lại viện đủ lý do liên quan đến phong tục, tập quán để không làm”, cô Trần Thị Phương chia sẻ.
Ngoài thực trạng này, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sai lệch giấy khai sinh của trẻ bắt nguồn từ hạn chế trong nhận thức, trình độ của phụ huynh, thậm chí là cán bộ tư pháp. “Thực tế tại trường có nhiều học sinh được bố mẹ đặt tên rất đẹp, như: Lệ Quyên, Mạnh Cường… Nhưng trên giấy khai sinh lại là Lệ Quyênh, Mảnh Cường… Rồi bố mẹ tự ý thay tên, đổi họ, mỗi lúc nhớ ngày tháng sinh khác nhau…”, cô Phương ví dụ.
Tương tự, tại Trường Mầm non Nà Tấu, cũng bởi những hạn chế này của các năm trước mà đến giờ nhà trường vẫn ghi nhận một số học sinh cùng lúc có tới 2 giấy khai sinh, 2 hộ khẩu… Mỗi loại giấy tờ lại có thông tin khác nhau. “Bà con đa phần không làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn theo quy định, mà khi nào cần đến mới đi làm. Chính vì vậy nên thông tin không đồng nhất”, cô Phượng cho hay.
Việc làm mẹ khi chưa đủ tuổi khiến nhiều đứa trẻ sinh ra không được đăng ký khai sinh. |
Nút thắt cần nhiều người tháo
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa, hiện nay trên địa bàn tỉ lệ tảo hôn vẫn còn khá lớn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các vướng mắc liên quan đến giấy khai sinh của học sinh. Vì là thực trạng chung bắt nguồn từ tập quán tồn tại ở nhiều khu vực vùng cao nên rất khó để giải quyết dứt điểm. Không ít lần phụ huynh than thở, nếu không đồng ý cho con kết hôn thì chúng dọa ăn lá ngón tự tử. Vì thế, mặc dù biết vi phạm pháp luật, song nhiều ông bố, bà mẹ vẫn phải nhắm mắt nghe theo con.
Cũng theo ông Sơn, ngành cũng chú trọng tới truyền thông, giáo dục kiến thức về tảo hôn thông qua việc phối hợp với các cấp, ngành liên quan. Trong đó, Tổ chức Tầm nhìn thế giới và Hội Phụ nữ rất tích cực trong việc phối hợp xây dựng, đổi mới các diễn đàn truyền thông với sự tham gia của đông đảo học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa ghi nhận chuyển biến rõ nét.
Là giáo viên nhiều năm làm công tác phổ cập ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô giáo Sùng Thị Lé, Trường Mầm non Họa Mi, xã Tà Lèng (TP Điện Biên Phủ), cho hay: Để gỡ “cái khó” này thì cần thay đổi trong cách làm truyền thông. Theo cô Lé, trước khi nhắc đến những điều luật, cần phải thể hiện sự “đồng cảm” với bà con bằng việc lắng nghe.
“Khi bà con được nói lên điều họ nghĩ thì họ cũng sẽ mở lòng và có thiện cảm với mình hơn. Trên cơ sở đó, tôi mới có thể phân tích cái đúng, cái sai, việc gì nên làm và làm thế nào để có kết quả tốt nhất. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phổ cập ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí là theo đạo, bà con đã rất hợp tác cùng tôi hoàn tất các thủ tục, giấy tờ. Đó là khi họ hiểu sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho con mình”, cô Lé tâm sự.
Cô giáo Vi Thị Minh Phượng cho biết, mặc dù đây chỉ là một “nút thắt” của ngành Giáo dục, song lại liên quan đến nhiều ngành. Bởi vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành. “Kinh nghiệm công tác thực tế những năm qua tôi thấy, sự phối hợp, tạo điều kiện của các lực lượng công an và tư pháp ở địa phương đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng sẽ có sự linh hoạt trong thủ tục và tính đặc thù trong chính sách để giải quyết một số trường hợp đặc biệt, tồn tại mang tính vùng miền”, cô Phượng nói.
Mặc dù, cũng đưa ra nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện phổ cập mầm non liên quan đến thủ tục, giấy tờ, song cô Trần Thị Phương cũng cho rằng: Có thể xem việc Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng Đề án phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 3 – 4 tuổi là động lực thúc đẩy tháo gỡ “nút thắt” này. “Bởi việc phổ cập giáo dục là nhiệm vụ của toàn dân. Đồng nghĩa với đó là sẽ huy động được sức mạnh và sự vào cuộc của toàn dân để giải quyết vấn đề”, cô Phương nói.
Theo cô Trần Thị Phương, đa phần vướng mắc về giấy khai sinh của trẻ đều bắt nguồn từ việc cha mẹ tảo hôn. Năm học vừa qua, Trường Mầm non số 2 Tủa Thàng có 68 học sinh vướng mắc về hồ sơ, giấy tờ. Trong đó, 18 trường hợp liên quan đến giấy khai sinh, như: Sai lệch thông tin ngày tháng năm sinh, họ tên… Phần lớn trong số này là chưa có, do bố mẹ không đủ tuổi, chưa thể đăng ký cho con.