Đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương

GD&TĐ - Đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố.

Đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương

7 thành phố trực thuộc

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quảng Ninh sẽ trở thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập thị xã Tiên Yên.

Dự kiến, TP.Móng Cái sẽ sáp nhập với huyện Hải Hà để trở thành một thành phố mới. Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gồm toàn bộ TP.Móng Cái và 9 xã, 1 thị trấn của huyện Hải Hà.

Theo quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu phát triển đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện.

Bên cạnh đó, phát triển Quảng Ninh thành trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh là vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Phát triển hạ tầng gắn với hành lang kinh tế

Theo kế hoạch thực hiện, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối khu vực và quốc tế theo hướng mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”.

Trong đó, tỉnh tập trung phát triển phân vùng đại đô thị Hạ Long mở rộng (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) trở thành một vùng đô thị rộng lớn, trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt, trọng tâm phát triển các ngành kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng, cảng biển, các ngành năng lượng sạch.

Quảng Ninh hiện là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước đạt 67,5%, đặc biệt là ở các đô thị lớn: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí…

Quảng Ninh hiện là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước đạt 67,5%, đặc biệt là ở các đô thị lớn: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí…

Trong phát triển mạng lưới giao thông vận tải, tỉnh bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang…), nội vùng (nhất là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị).

Đồng thời, gắn với các hành lang phát triển kinh tế (Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau).

Theo thống kê, kinh tế của tỉnh Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng năm 2022 ước đạt 10,21% so cùng kỳ.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số; chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt.

Tính đến nay, Quảng Ninh có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (TP Hạ Long); 3 đô thị loại II (TP Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã là đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều), 3 đô thị được công nhận là loại IV (huyện Vân Đồn, huyện Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà), 4 thị trấn đã được công nhận là đô thị loại V thuộc các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà và Cô Tô; dân số khoảng 1,35 triệu người, có trên 70% người sống tại các đô thị.

Quảng Ninh hiện là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước đạt 67,5%, cao hơn so với trung bình cả nước (40,5%), đặc biệt là ở các đô thị lớn: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí…

Trong đó, các đô thị có quy mô lớn, phân bố tập trung tại khu vực ven biển, nằm trên các tuyến giao thông của tỉnh hoặc quốc gia, nơi có điều kiện xây dựng hoặc nằm trong vùng tài nguyên về du lịch, cảnh quan tại trung tâm du lịch, khai thác mỏ, công nghiệp…

Chính những tiềm năng này đã góp phần từng bước xây dựng hoàn chỉnh đô thị toàn tỉnh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước; nâng cao chất lượng sống đô thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ