Đến lúc phải mạnh tay!

GD&TĐ - Cách đây ít lâu, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu ván ép sang Mỹ nhận được đề nghị mua 50 container hàng, trả bằng tiền mặt.

Điều này rất lạ bởi vì các công ty trong nước vốn không thanh toán tiền mặt khi mua bán. Tìm hiểu ra, doanh nghiệp phát hiện họ mua số lượng lớn như vậy nhằm lấy xuất xứ Việt Nam để đưa hàng sang Mỹ.

Tương tự trong ngành may mặc, tình trạng chuyển tải cũng đã xảy ra khi hàng hóa thành phẩm được chuyển sang nước ta để thực hiện những công đoạn cuối cùng: Là ủi, đóng gói rồi xuất khẩu.

Đây chỉ là vài mảnh ghép nhỏ trong bức tranh về tình trạng hàng hóa nước ngoài lách xuất xứ qua Việt Nam để xuất khẩu. Với nước đi này, bên “mượn” xuất xứ Việt Nam hưởng 2 mối lợi lớn. Một là được ưu đãi thuế do nước ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Hai là nhằm lẩn tránh biện pháp chống đánh thuế.

11 tháng qua Việt Nam xuất khẩu 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số hết sức đáng mừng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến nền kinh tế thế giới suy giảm. Tuy nhiên đằng sau niềm vui lại là nỗi băn khoăn! Thành tích ấy liệu có hay không sự “đóng góp”của những doanh nghiệp nước ngoài “mượn” xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu?

Câu trả lời có lẽ là có! 6 tháng đầu năm 2020, ngành hải quan điều tra xác minh hơn 70 vụ việc và đã phát hiện 24 vụ vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu. Kiểm tra sau thông quan 4 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ, cơ quan hải quan phát hiện vi phạm xuất xứ Việt Nam tại cả 4 doanh nghiệp. Với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 5 doanh nghiệp và tất cả đều vi phạm xuất xứ Việt Nam…

Từ 2 năm trước, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới nguy cơ hàng Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam để xuất đi Mỹ, tránh việc chịu thuế cao bằng cách thông qua một công ty tại Việt Nam. Khi “bài học” thép bị trừng phạt thuế 450% vào năm 2017 còn nóng hổi, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần kiểm soát tốt việc chuyển tải hàng hóa.

Vào lúc này, việc ngăn chặn tình trạng “đội lốt” hàng Việt để xuất khẩu càng cấp thiết hơn. Nếu không làm sớm, không làm tốt thì có thể cả nền kinh tế sẽ lĩnh hậu quả chứ không phải chỉ một vài ngành nào đó và chúng ta không thể vui trọn vẹn với thành tích xuất khẩu.

Cùng với việc áp dụng một số giải pháp điều hành tạm thời, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải tỏ ra cứng rắn với việc hàng hóa nước ngoài tìm cách “đội lốt” Việt Nam để xuất khẩu, câu chuyện không phải là mới nữa và thủ đoạn lách xuất xứ ngày càng tinh vi.

Bộ Công Thương đang soạn dự thảo Nghị định về quy định ghi nhãn “Made in Vietnam”, văn bản này cần sớm được ban hành với những chính sách mạch lạc và có tính cưỡng chế thi hành. Chính phủ cũng cần sớm chỉ đạo triển khai Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 7 năm ngoái.

Quan trọng không kém là cần phải nâng cao ý thức của doanh nghiệp thông qua tuyên truyền với một chương trình quốc gia. Đặc biệt, cần xử lý mạnh ngay từ đầu để răn đe với những doanh nghiệp vi phạm, tiếp tay cho những doanh nghiệp nước ngoài “đội lốt” hàng Việt để xuất khẩu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ