Cũng vì thế, từ xưa quốc gia này đã được gọi là xứ sở cổ đại của các vị thần. Là một cái nôi của nhiều tôn giáo như đạo Phật, đạo Hindu, ở đâu tại đây cũng thấy những công trình thờ tự tráng lệ, ấn tượng.
Đại thể về kiến trúc đền đài Nepal, có ba loại: Tháp pagoda nhiều tầng, tháp stupa hình bát úp và tháp shikhara mô phỏng đỉnh núi thiêng.
Uy nghi nhất về kiến trúc pagoda là quần thể đền thờ Pashupatinah bên bờ sông Bagmati, và giữa lòng thủ đô Kathmandu. Ngôi đền chính Maha Shivaratri, theo kiểu tháp pagoda, đã xuất hiện từ thế kỷ V, được tu bổ từ thế kỷ XIII, và là một đền thờ Hindu lâu đời, linh thiêng nhất nước. Năm 1979, cả đền và khu vực quanh nó đã được UNESCO công nhận là Di sản nhân loại.
Hấp dẫn không kém và dưới dạng stupa là tháp Boudhanath, một trong những Phật điện đã ra đời hơn 1.500 năm trước, và cách Đông Bắc ngoại ô Kathmandu 11 km. Tháp này được xây dựng bởi đức vua Tây Tạng Songsten Gampo, và cao đến 35,4 m dưới dạng một mái vòm trắng khổng lồ, gắn cột vàng lọng báu và vẽ mắt ở tứ phía. Sở dĩ như vậy, vì người xưa đã có truyền thống dùng hình ảnh chiếc bát khất thực, tấm áo cà sa gấp gọn cùng cây tích trượng Đức Phật hay cầm khi đi truyền đạo, để tạo nên hình tháp, thoạt nhìn như một người đang thiền định. Stupa được dựng ngay khi Đức Phật viên tịch.
Được kiến tạo theo kiểu shikhara, đền Mahaboudha lại là một đền thờ Phật nguy nga nhất ở Durbar Patan - Lalitpur, và thu hút bởi tháp chính cao lồng lộng, trên đó chia hàng trăm nấc, đồng nghĩa với hàng trăm tầng trời trong đạo Phật. Đền đã ra đời từ năm 1585 và lấy tên từ 1.008 viên gạch đất nung, mà mỗi viên đều trạm trổ hình Phật. Người có ý tưởng này là nhà sư Abhaya Raj Shakya của Patan, sau một dịp viếng thăm đền Mahabodhi ở Bodhgaya- Ấn Độ, nơi Phật thành đạo, đã phát tâm nguyện cất một đại tự thật lớn như đền Mahabodhi song theo phong cách Nepal.